Thủ tướng Chính phủ sẽ chủ trì Hội nghị “Chuyển đổi mô hình, phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu”, được tổ chức tại TP Cần Thơ vào ngày 26 và 27/9/2017.
Ngày 26/9, có ba hội thảo chuyên đề song song về chiến lược phát triển bền vững. Đó là hội thảo “Tổng quan về thách thức, cơ hội và giải pháp chuyển đổi mô hình phát triển cho ĐBSCL”; hội thảo “Nông nghiệp bền vững, hạ tầng thủy lợi, phòng chống thiên tai và sạt lở”; và hội thảo “Quy hoạch tổng thể, phát triển hạ tầng, điều phối vùng và nguồn lực phục vụ phát triển bền vững ĐBSCL”. Ngày 27/9 sẽ hội nghị toàn thể thảo luận mở ba phiên chuyên đề này; cuối ngày Thủ tướng sẽ kết luận.
Người dân nghèo mưu sinh trên sông nước Cần Thơ đang cần có cuộc sống ổn định. (Ảnh: Huỳnh Kim)
Trả lời chinhphu.vn, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, người chủ trì hội thảo “Tổng quan về thách thức, cơ hội và giải pháp chuyển đổi mô hình phát triển cho ĐBSCL”, cho biết đây là hội nghị đầu tiên Chính phủ xem xét, đánh giá toàn diện các thách thức, yêu cầu phát triển đối với ĐBSCL, nhận diện cơ hội, huy động sáng kiến, kinh nghiệm và nguồn lực nhằm định hình chuyển đổi mô hình phát triển tổng thể, toàn diện, bền vững cho toàn vùng.
Theo ông Hà, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rất trăn trở trước những thách thức, đe dọa đến phát triển bền vững của vùng ĐBSCL từ tác động kép của quá trình phát triển nội tại chưa bền vững, của biến đổi khí hậu, của các hoạt động từ thượng nguồn làm cho sinh kế của người dân bị ảnh hưởng.
Hồi tháng 7/2017, Thủ tướng đã trao đổi với Chính phủ Hà Lan lựa chọn vùng ĐBSCL để xây dựng hình mẫu chuyển đổi mô hình phát triển bền vững, phát huy tiềm năng, phù hợp với điều kiện tự nhiên, con người và văn hoá trên cơ sở kết hợp khoa học và công nghệ cao với kế thừa tri thức bản địa, biến thách thức thành cơ hội.
Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương liên quan tổ chức hội nghị này nhằm tập hợp trí tuệ, phát huy sáng kiến xem xét một cách tổng thể, toàn diện, có hệ thống nhằm nhận diện đầy đủ các thách thức, định hướng được mô hình phát triển, huy động được sự tham gia chung tay của cả hệ thống chính trị, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, tạo ra những đột phá trong tư duy, thống nhất hành động trong toàn xã hội để tìm ra mô hình phát triển bền vững cho vùng ĐBSCL, chủ động trước những xu thế, diễn biến, biến đổi không thể đảo ngược về điều kiện tự nhiên.
Thủ tướng cũng yêu cầu phải đưa được quyết sách mới có tính hệ thống, chiến lược, đột phá, đề xuất được các cơ chế chính sách phù hợp để huy động sự tham gia của các bên; các phương án, giải pháp phải căn cơ, có tính khả thi, dễ vận dụng, có tính chất kết nối toàn vùng và liên vùng, tránh riêng rẽ, bị động. Có biện pháp, giải pháp thu hút được tối đa các nguồn lực nhằm phát triển bền vững bảo đảm cuộc sống của người dân vùng ĐBSCL ổn định, phát triển.
“Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh mô hình phát triển phải thích ứng, chủ động trước xu thế biến đổi về tự nhiên như hạn hán, xâm nhập mặn, nước biển dâng… Các quyết sách, chuyển đổi lớn phải trên cơ sở vai trò trung tâm của người dân”, ông Hà nói.
Hội nghị này có sự tham gia của hơn 500 đại biểu của các Ban Đảng, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan nghiên cứu, các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển, cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học.
[ Chương trình hội nghị: http://dbscl.monre.gov.vn/ ]
Huỳnh Kim
(TBKTSG)
- Công ty Singapore muốn quy hoạch Công viên cảng Bạch Đằng
- TP.HCM kêu gọi đầu tư vào hạ tầng giao thông và khu công nghiệp
- Di dời 20.000 căn nhà trên và ven kênh rạch TP.HCM: Khó vì thiếu vốn
- Hàn Quốc tài trợ nghiên cứu tuyến monorail số 2 tại TPHCM
- TP.HCM góp ý hoàn chỉnh quy hoạch nhóm cảng biển khu vực Đông Nam Bộ
- Tây Ninh: Nhà cổ 123 năm tuổi đón bằng Di tích kiến trúc nghệ thuật
- Đề xuất xây công trình 40-70 tầng khu vực ga Hà Nội
- AkzoNobel cải tạo không gian học tập, đồng hành cùng học sinh Việt Nam đón chào năm học mới
- Đà Nẵng báo cáo việc rà soát các dự án liên quan đến quy hoạch Sơn Trà
- Thông xe cầu vượt biển dài nhất Việt Nam