Trong khuôn khổ của chương trình Diễn đàn Đầu tư 2017, chiều ngày 14/10, UBND TP Đà Nẵng và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đồng chủ trì Hội nghị Thu hút đầu tư vào lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng của TP Đà Nẵng. Hội nghị nhằm kết nối với các nhà tài trợ, các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài quan tâm về các dự án cơ sở hạ tầng ODA, PPP tại Đà Nẵng. Đồng thời, đây còn là diễn đàn trao đổi kinh nghiệm thực hiện các dự án ODA, PPP theo quy định hiện hành.
Đà Nẵng kêu gọi đầu tư vào 9 dự án trọng điểm của TP.
Từ năm 1999 đến nay, Đà Nẵng đã tiếp nhận 31 dự án ODA với tổng vốn khoảng 426 triệu USD như: Xây dựng cầu Nguyễn Tri Phương, cầu Khuê Đông, cầu Cổ Cò, đường Vành đai phía Nam, mở rộng hệ thống cấp nước, xử lý nước thải sông Phú Lộc, Khu công nghệ cao, Trung tâm tim mạch Bệnh viện đa khoa… Trong đó đã có 22 dự án hoàn thành, 9 dự án đang được triển khai. Các dự án đầu tư sử dụng vốn ODA chiếm 80% tổng vốn đầu tư, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng, môi trường.
Một trong những đơn vị hỗ trợ nguồn vốn cho nhiều dự án tại Đà Nẵng, bà Madhu Reghunath - Điều phối Chương trình phát triển bền vững của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết: WB đã hỗ trợ nhiều nguồn vốn vay bổ sung cho các dự án trong lĩnh vực cấp nước, thoát nước, phát triển giao thông xanh, dự án đầu tư hạ tầng ưu tiên, dự án Phát triển đô thị bền vững… Sự tin cậy lẫn nhau đã giúp hai bên tìm ra được những giải pháp hợp lý trong thực hiện các dự án. Chúng tôi rất tự hào khi chứng kiến Đà Nẵng chia sẻ những kinh nghiệm với các thành phố khác tại Việt nam trong đó có các kinh nghiệm rút ra trong quá trình hợp tác với WB.
Trong thời gian qua TP Đà Nẵng đã không ngừng nổ lực huy động các vốn để phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là nguồn vốn ODA. Nhờ các nguồn vốn huy động từ các nguồn lực Đà Nẵng đã thực hiện hiệu quả các dự án hạ tầng, góp phần quan trọng trong việc thay đổi bộ mặt đô thị.
Hiện nay, Đà Nẵng tiếp tục lên kế hoạch vận động, thu hút các nguồn lực, đặc biệt từ khu vực tư nhân để đầu tư vào các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm của TP trong thời gian tới. Trong lĩnh vực giao thông kêu gọi nguồn lực đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu nhằm giảm tải cho cảng Tiên Sa cũng như giảm áp lực giao thông đường bộ tại khu vực phát triển du lịch của TP. Theo quy hoạch đã được phê duyệt cảng Liên Chiểu đảm bảo khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải đến 100.000 DWT, tàu container có sức chở từ 6.000 đến 8.000 TEU nhằm phát triển khu bến cảng thành cửa ngõ của khu vực miền Trung.
Cảng Liên Chiểu là một trong những dự án trọng điểm cần được đầu tư.
Một số dự án khác di dời ga đường sắt Đà Nẵng và đổi mới đô thị tích hợp Đà Nẵng là một trong những dự án cơ sở hạ tầng quan trọng mà TP đang xúc tiến triển khai. Dự án sẽ giúp Đà Nẵng phát triển đô thị một cách hiệu quả, đồng thời giảm tai nạn giao thông, cải thiện điều kiện di lại cho người dân và giảm ô nhiễm môi trường.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết: Thông qua Hội nghị này, Đà Nẵng muốn giới thiệu đến các nhà đầu tư trong nước và quốc tế những dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm kêu gọi đầu tư trong giai đoạn phát triển sắp đến. Đà Nẵng mong muốn nhận được sự quan tâm, đề xuất, kiến nghị của các nhà đầu tư tiềm năng, các nhà tài trợ trong việc phát triển các dự án này. Chúng tôi sẽ nỗ lực không ngừng, sát cánh, đồng hành cùng với các nhà đầu tư trong công cuộc xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng của TP Đà Nẵng.
Các dự án cơ sở hạ tầng tiềm năng kêu gọi đầu tư: Dự án xây dựng Cảng Liên Chiểu (ODA, PPP); Dự án di dời ga đường sắt và tái thiết Đà Nẵng (ODA); Dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn (PPP); Dự án cải tạo môi trường nước thành phố (ODA, PPP); Dự án Phát triển CNTT và TT giai đoạn 2 (ODA); Dự án Tàu điện kết nối Đà Nẵng và Hội An (PPP); Dự án Phát triển cảng cá Thọ Quang (ODA, PPP); Dự án Phát triển giao thông phi cơ giới và ứng dụng hệ thống thông minh trong quản lý điều hành giao thông (ODA, PPP); Quy hoạch các KCN thành phố đến năm 2020. |
Ngọc Long
(Báo Xây dựng)
- Các chuyên gia đề xuất các giải pháp giải quyết ùn tắc cho sân bay Tân Sơn Nhất
- Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Tích tụ đất đai chỉ là điều kiện cần
- IFC muốn hỗ trợ tài chính cho các dự án ở Thành phố Hồ Chí Minh
- Hà Nội yêu cầu minh bạch các thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
- Xúc tiến di dời trụ sở tất cả bộ ngành về khu hồ Tây và Mễ Trì
- Công ty Singapore muốn quy hoạch Công viên cảng Bạch Đằng
- TP.HCM kêu gọi đầu tư vào hạ tầng giao thông và khu công nghiệp
- Di dời 20.000 căn nhà trên và ven kênh rạch TP.HCM: Khó vì thiếu vốn
- Hàn Quốc tài trợ nghiên cứu tuyến monorail số 2 tại TPHCM
- TP.HCM góp ý hoàn chỉnh quy hoạch nhóm cảng biển khu vực Đông Nam Bộ