Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về việc quy hoạch xây dựng hệ thống trụ sở làm việc của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan trung ương của các đoàn thể tại thủ đô Hà Nội đến năm 2030.
Văn phòng Chính phủ cho biết, Thủ tướng đánh giá việc sắp xếp lại cơ sở nhà, đất thuộc sở hữu của Nhà nước, trong đó có việc di dời trụ sở của một số bộ, ngành, cơ quan Trung ương hiện nay là rất cần thiết. Đến nay, Bộ Xây dựng đã bố trí sắp xếp được các vị trí và đề xuất danh mục trụ sở của các cơ quan cần di dời.
Trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến sẽ được di dời lên khu vực Mễ Trì.
Bộ Xây dựng đã tổ chức nghiên cứu, đề xuất phương án quy hoạch hai khu vực để di dời trụ sở của một số bộ, ngành, cơ quan Trung ương. Đồ án quy hoạch của Bộ Xây dựng đã nêu rõ sự cần thiết và yêu cầu khi thực hiện di dời trụ sở các cơ quan; vị trí di dời, mô hình bố trí công trình, các giải pháp đầu tư. Phương án đề xuất nêu trên là cơ sở quan trọng để tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện đồ án.
Để tiếp tục hoàn thiện đồ án quy hoạch trên, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Xây dựng phối hợp với UBND thành phố Hà Nội, các bộ, ngành, cơ quan Trung ương các đoàn thể tổ chức rà soát hiện trạng việc sử dụng trụ sở làm việc tại thành phố Hà Nội của các cơ quan, bao gồm trụ sở làm việc chính và trụ sở của các cơ quan, đơn vị trực thuộc làm căn cứ xem xét, tính toán tổng thể về nhu cầu đầu tư xây dựng trụ sở làm việc, đề xuất phương án chung về sử dụng các cơ sở nhà, đất do các cơ quan đang quản lý, sử dụng.
Tổng hợp nhu cầu về di dời trụ sở của các cơ quan; trên cơ sở đó, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trực thuộc và đơn vị tư vấn phối hợp với UBND thành phố Hà Nội và các cơ quan liên quan tổ chức rà soát kỹ lưỡng và phân loại việc di dời theo mức độ cấp thiết và theo giai đoạn di dời - thực hiện di dời ngay, di dời theo kế hoạch ngắn hạn, dài hạn…
Đề xuất phương án cụ thể việc sử dụng diện tích đất tại các vị trí cũ sau khi các cơ quan di dời đến vị trí mới; đề xuất xây dựng quy hoạch đối với các khu đất tại vị trí cũ để có cơ sở xây dựng phương án huy động tài chính từ quỹ đất sau khi di dời.
Khu vực quy hoạch trụ sở mới phải được kết nối thuận lợi với khu trung tâm các cơ quan của Đảng, Nhà nước để đảm bảo sự phù hợp trong hoạt động, sử dụng và giao dịch; kết nối hạ tầng, tạo bộ mặt kiến trúc đô thị văn minh, hiện đại, có quy mô phù hợp và tiết kiệm. Nghiên cứu bố trí quỹ đất dự trữ phát triển, thiết kế công trình theo tiêu chí kiến trúc xanh, đáp ứng điều kiện về môi trường.
Trên cơ sở thực hiện các nội dung công trên, Phó thủ tướng giao Bộ Xây dựng tiếp tục thực hiện các bước lập, thẩm định và trình phê duyệt đồ án quy hoạch theo quy định, báo cáo Thủ tướng trước ngày 30/10 tới.
Theo quy hoạch (đã được điều chỉnh) xây dựng hệ thống trụ sở làm việc của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan Trung ương của các đoàn thể tại Hà Nội đến năm 2030 thì khu trụ sở bộ, ngành Trung ương sẽ tập trung tại khu trung tâm Tây Hồ Tây với quy mô khoảng 20 ha và khu Mễ Trì với quy mô khoảng 55 ha; lựa chọn mô hình quy hoạch, đề xuất giải pháp quy hoạch không gian kiến trúc cảnh quan, sử dụng đất đai, quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật và lập hồ sơ quy hoạch theo quy định pháp luật, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Hiện Bộ Xây dựng đang xây dựng và hoàn thiện phương án triển khai quy hoạch trụ sở 13 bộ ngành sau khi di dời. Theo tính toán sơ bộ được đơn vị chức năng của bộ này thì dự tính tổng nhu cầu vốn đầu tư xây mới 13 trụ sở sau di dời vào khoảng 17.000 tỷ đồng. Trong đó khu Tây Hồ Tây khoảng hơn 8.500 tỷ, khu Mễ Trì khoảng hơn 9.400 tỷ.
Bảo Anh
(VnEconomy)
- Trình luật cho đặc khu: Bỏ hàng loạt rào cản, mở hàng loạt ưu đãi
- Các chuyên gia đề xuất các giải pháp giải quyết ùn tắc cho sân bay Tân Sơn Nhất
- Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Tích tụ đất đai chỉ là điều kiện cần
- IFC muốn hỗ trợ tài chính cho các dự án ở Thành phố Hồ Chí Minh
- Hà Nội yêu cầu minh bạch các thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
- Huy động mọi nguồn vốn để phát triển cơ sở hạ tầng Đà Nẵng
- Công ty Singapore muốn quy hoạch Công viên cảng Bạch Đằng
- TP.HCM kêu gọi đầu tư vào hạ tầng giao thông và khu công nghiệp
- Di dời 20.000 căn nhà trên và ven kênh rạch TP.HCM: Khó vì thiếu vốn
- Hàn Quốc tài trợ nghiên cứu tuyến monorail số 2 tại TPHCM