Sau ba năm chuẩn bị, chiều 10/11, dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đã được Chính phủ chính thức trình Quốc hội.
Phạm vi điều chỉnh của luật quy định về quy hoạch, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương và các cơ quan khác của Nhà nước tại ba đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt: Vân Đồn (Quảng Ninh), Phú Quốc (Kiên Giang) Bắc Vân Phong (Khánh Hoà).
Một cảng biển nằm tại huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh: Zing.vn)
Đặc biệt để vượt trội
Để thể hiện sự vượt trội, trong các chính sách phát triển kinh tế - xã hội cho đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, Chính phủ đã có một số đề xuất đặc biệt trong dự luật.
Như, loại bỏ 135 trên tổng số 243 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo Luật Đầu tư.
Chính phủ cũng đề xuất gỡ bỏ những hạn chế, phân biệt đối xử đối với nhà đầu tư nước ngoài trong hoạt động đầu tư kinh doanh trong ngành, nghề ưu tiên phát triển của ba đặc khu.
Theo đó, dự thảo luật quy định nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thành lập và hoạt động đầu tư kinh doanh tại đặc khu trong những ngành, nghề ưu tiên phát triển không phải đáp ứng điều kiện đầu tư áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định tại các luật, pháp lệnh, nghị định và điều ước quốc tế có liên quan (như hạn chế về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, hình thức đầu tư, phạm vi hoạt động kinh doanh, đối tác đầu tư và điều kiện khác).
Chính sách tiếp theo là không thực hiện thủ tục cấp giấy phép xây dựng và thẩm định thiết kế xây dựng theo quy định pháp luật về xây dựng đối với công trình xây dựng thuộc dự án phát triển đô thị, dự án phát triển nhà ở đã có quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 được phê duyệt và một số công trình quảng cáo tại ba đặc khu.
Đáng chú ý, dự thảo luật mở rộng và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho nhà đầu tư trong nước và nước ngoài trong tiếp cận đất đai, thế chấp tài sản trên đất và sở hữu nhà ở.
Như, cho phép thời hạn sử dụng đất tối đa là 99 năm đối với các dự án đầu tư khu hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, nghiên cứu và phát triển, y tế, giáo dục, dự án đầu tư thuộc ngành, nghề ưu tiên phát triển của các đặc khu và dự án đầu tư của nhà đầu tư chiến lược.
Cho phép tổ chức kinh tế trong nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thế chấp tài sản gắn liền với đất tại tổ chức tín dụng nước ngoài có hiện diện thương mại tại Việt Nam.
Quy định tổ chức, cá nhân nước ngoài có quyền chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng; mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu nhà ở thương mại trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở và dự án đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng từ các tổ chức, cá nhân trong nước
Đặc khu còn thực hiện miễn thị thực với thời gian tạm trú không quá 60 ngày trong thời gian 180 ngày và cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài.
Áp dụng mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dịch vụ kinh doanh casino, kinh doanh đặt cược thấp hơn mức thuế suất hiện hành trong 10 năm đầu kể từ khi có doanh thu để cạnh tranh với Singapore, Malaysia, Campuchia, Macao... trong việc thu hút người nước ngoài tới casino.
Khó "chốt" mô hình chính quyền
Tại tờ trình, Chính phủ tách riêng tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương đặc khu xin ý kiến Quốc hội và cho biết ưu tiên lựa chọn theo phương án 1.
Phương án 1: Chính quyền địa phương đặc khu là thiết chế trưởng đặc khu cùng các cơ quan chuyên môn trực thuộc và trưởng khu hành chính (không tổ chức hội đồng nhân dân và uỷ ban nhân dân).
Phương án 2: tổ chức một cấp chính quyền địa phương gồm có hội đồng nhân dân và uỷ ban nhân dân.
Thẩm tra dự án luật, Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội cũng có hai loại ý kiến.
Loại ý kiến thứ nhất tán thành phương án 1 và cho rằng phương án này thể hiện được tính "đặc biệt" về tổ chức bộ máy chính quyền địa phương tại đặc khu, đáp ứng yêu cầu thử nghiệm đổi mới nhằm hoàn thiện tổ chức bộ máy.
Theo loại ý kiến này, chương 9 của Hiến pháp năm 2013 về chính quyền địa phương quy định có độ "mở" để tạo không gian cho cải cách tổ chức bộ máy chính quyền địa phương khi cần thiết, vì vậy, quy định như dự thảo luật là phù hợp với độ "mở" của Hiến pháp. Tuy nhiên, đề nghị làm rõ hơn cơ chế thực hiện giám sát đối với trưởng đặc khu bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, tránh tình trạng lạm dụng quyền lực.
Loại ý kiến thứ hai tán thành phương án 2 vì cho rằng phương án này bảo đảm phù hợp với quy định cụ thể của Hiến pháp (điều 110 và điều 111) và thống nhất với Luật Tổ chức chính quyền địa phương, thể hiện tính nhất quán về tổ chức của hệ thống bộ máy chính quyền địa phương, bảo đảm nguyên tắc "tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách"; bảo đảm tính đại diện và quyền giám sát của nhân dân ở các đặc khu.
Tuy nhiên, đề nghị thiết kế lại về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của hội đồng nhân dân, uỷ ban nhân dân và chủ tịch uỷ ban nhân dân đặc khu để thể hiện rõ hơn tính đặc thù, tính cải cách, đột phá.
Do còn ý kiến khác nhau, Uỷ ban Pháp luật báo cáo Quốc hội xem xét, cho ý kiến.
Ngay sau khi nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án luật này.
Nguyễn Lê
(VnEconomy)
- Tuyến metro số 1 của TPHCM sẽ nối đến Đồng Nai, Bình Dương
- VTG đề nghị xây tuyến đường sắt đô thị Hồ Tây-Nội Bài
- Sẽ trình Quốc hội dự án đường sắt tốc độ cao trong năm 2019
- Quy hoạch mới ĐBSCL: Chủ động sống chung với lũ
- Hà Nội thêm 3 cầu vượt, hầm chui lớn
- Các chuyên gia đề xuất các giải pháp giải quyết ùn tắc cho sân bay Tân Sơn Nhất
- Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Tích tụ đất đai chỉ là điều kiện cần
- IFC muốn hỗ trợ tài chính cho các dự án ở Thành phố Hồ Chí Minh
- Hà Nội yêu cầu minh bạch các thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
- Xúc tiến di dời trụ sở tất cả bộ ngành về khu hồ Tây và Mễ Trì