Hà Nội đang đề xuất Chính phủ xin phép Quốc hội chấp thuận chủ trương 7 dự án đường sắt đô thị nội đô. Và mới đây, Tập đoàn Vision Transportation Group (VTG) đề xuất thêm một tuyến đường sắt hoàn toàn mới nối khu vực Hồ Tây với sân bay Nội Bài.
Ông Richard Courey, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn VTG đã đưa ra lời đề nghị trong cuộc gặp với Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại Hà Nội ngày 22/11.
Chủ tịch Tập đoàn VTG làm việc với Phó Thủ tướng về dự án đường sắt đô thị Hồ Tây-Nội Bài. (Ảnh: chinhphu.vn)
Theo đó, VTG đã tiến hành nghiên cứu và đề xuất với thành phố Hà Nội, Chính phủ, các bộ ngành liên quan để triển khai dự án đường sắt đô thị số 2 nối sân bay Nội Bài với khu vực Hồ Tây theo hình thức đối tác công-tư (PPP).
Ông Courey cho rằng nghiên cứu của VTG cho thấy đây sẽ là tuyến đường sắt đô thị hoàn toàn khả thi về công nghệ và khả năng thu hồi vốn, đảm bảo lợi ích cho nhà đầu tư và thành phố.
Tập đoàn cũng đã báo cáo sơ bộ về ý tưởng, phương thức, công nghệ, tiến độ đầu tư và một số đề xuất liên quan đến tính khả thi cho dự án.
Người đứng đầu VTG hy vọng với kinh nghiệm, uy tín của doanh nghiệp tại Canada và nhiều quốc gia khác, công ty này có đủ năng lực chuyên môn và tài chính để triển khai thành công dự án, đáp ứng những yêu cầu của Chính phủ.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị VTG làm việc cụ thể với Hà Nội, các bộ ngành liên quan trước khi trình lên Chính phủ. Quan điểm của Chính phủ là đánh giá cao quyết tâm của các đối tác quốc tế có tiềm lực vào các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng tại Việt Nam. Ông cũng đề nghị VTG nghiên cứu thêm dự án đầu tư vào hạ tầng khác như tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam đang xin chủ trương đầu tư của Quốc hội vào năm 2019.
(nguồn: Ashui.com)
Theo quy hoạch về đường sắt đô thị Hà Nội đến 2030, thành phố sẽ xây dựng 10 tuyến đường sắt với tổng chiều dài 417,8km. Trong đó có 342,2 km cầu cạn ; 75,6km đi ngầm. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 40,05 tỉ đô la Mỹ chia làm 3 giai đoạn từ 2017 đến 2031. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có tuyến số 2A (Cát Linh-Hà Đông) sử dụng vốn ODA của Nhật và nhà thầu Trung Quốc đã hoàn thành, chạy thử nhưng lùi thời gian vận hành chính thức sang đầu năm 2018. Các dự án khác như Nhổn-ga Hà Nội còn đang xây dựng ngổn ngang, đoạn Nam Thăng Long-Trần Duy Hưng, Ngọc Hồi-Yên Viên, Trần Hưng Đạo- Thượng Đình…đều ở mức đang lập báo cáo tiền khả thi hoặc khả thi.
Lan Nhi
(TBKTSG)
- Khởi công xây dựng dự án thí điểm nhà ở xã hội tại Hà Tĩnh
- Công bố các đề cử chính thức Ashui Awards 2017
- Chỉ người Hội An mới được làm homestay ở Hội An
- Lựa chọn nhà thầu lập quy hoạch mạng lưới bãi đỗ xe ngầm tại Hà Nội
- Tuyến metro số 1 của TPHCM sẽ nối đến Đồng Nai, Bình Dương
- Sẽ trình Quốc hội dự án đường sắt tốc độ cao trong năm 2019
- Quy hoạch mới ĐBSCL: Chủ động sống chung với lũ
- Hà Nội thêm 3 cầu vượt, hầm chui lớn
- Trình luật cho đặc khu: Bỏ hàng loạt rào cản, mở hàng loạt ưu đãi
- Các chuyên gia đề xuất các giải pháp giải quyết ùn tắc cho sân bay Tân Sơn Nhất