Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) đề xuất điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội từ giai đoạn 2009 - 2022 thành 2009 - 2029.
Thông tin về tiến độ đường sắt Nhổn - ga Hà Nội, đại diện MRB cho biết dự án đang triển khai 10/10 gói thầu chính. Tiến độ tổng thể chung đạt khoảng 74,36% (trong đó tiến độ thi công đoạn trên cao đạt 95,1%, đoạn ngầm đạt 33%).
Tiến độ tổng thể chung của đường sắt Nhổn - ga Hà Nội đạt khoảng 74,36%.
MRB đang cùng đơn vị tư vấn, các nhà thầu tập trung triển khai đoạn trên cao để có thể khai thác vào cuối năm 2022, đồng thời tiếp tục xử lý các vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ đoạn đi ngầm.
Theo đại diện MRB, dự án hiện tồn tại 5 nhóm vướng mắc, khó khăn chính. Thứ nhất là do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 làm chậm trễ, gián đoạn sản xuất, nhập khẩu thiết bị và huy động chuyên gia từ châu Âu, dẫn đến các gói thầu thiết bị kéo dài và tăng chi phí.
Thứ hai là chậm trễ, vướng mắc về giải phóng mặt bằng và di dời hạ tầng kỹ thuật đã ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Điển hình có những gói thầu chậm bàn giao mặt bằng đến 5-6 năm so với kế hoạch. Đặc biệt, có 50 tòa nhà (không trong diện thu hồi đất) bị ảnh hưởng trong quá trình thi công tuyến hầm nhưng quy trình bồi thường cho các hộ dân chưa có tiền lệ và chưa được hướng dẫn theo quy định pháp luật.
Thứ ba là việc gia hạn thời gian hợp đồng và bổ sung chi phí do việc kéo dài thời gian dẫn đến các tranh chấp với nhà thầu quốc tế, gây khó khăn cho cơ quan quản lý của Việt Nam trong việc lựa chọn áp dụng quy định để giải quyết tranh chấp.
Thứ tư là vướng mắc liên quan đến điều chỉnh Hợp đồng Tư vấn Systra (hợp đồng trọn gói). Tư vấn dự án Systra được chỉ định thông qua Nghị định thư giữa Chính phủ Pháp và Chính phủ Việt Nam ngay từ đầu dự án nên việc quản lý thực hiện và thương thảo, điều chỉnh hợp đồng của chủ đầu tư với tư vấn luôn gặp khó khăn. Đơn vị tư vấn chưa cung cấp đầy đủ, hiệu quả cho chủ đầu tư các giải pháp giải quyết các vướng mắc, khó khăn.
Cuối cùng là các vướng mắc liên quan đến quy chuẩn, tiêu chuẩn, các quy định về định mức, đơn giá, giá vật tư, thiết bị chuyên ngành đường sắt đô thị.
"Vì những vướng mắc này, đến nay có tới 9/10 gói thầu cần phải ký kết các phụ lục gia hạn thời gian thực hiện và bổ sung các chi phí do kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng", đại diện MRB nói.
Để giải quyết những vướng mắc này, đại diện MRB cho biết vừa có kiến nghị gửi UBND TP. Hà Nội báo cáo Chính phủ đề xuất điều chỉnh thời gian thực hiện dự án từ giai đoạn 2009 - 2022 thành 2009 - 2029. Trong đó, dự án sẽ đưa vào khai thác, vận hành đoạn trên cao trong năm 2022; vận hành toàn tuyến vào năm 2027 và hoàn thành bảo hành, quyết toán vào năm 2029.
Ngoài ra, MRB cũng đề xuất điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án lên 34.532 tỷ đồng, tăng khoảng 4.905,24 tỷ đồng (tương đương khoảng 202,81 triệu Euro).
"Việc điều chỉnh tổng mức đầu tư là do sự biến động của tỷ giá quy đổi (tiền Euro sang tiền đồng) khi thanh toán khối lượng thực hiện; do điều chỉnh thiết kế và các yêu cầu kỹ thuật để phù hợp với thực tế thi công và phương án vận hành; do chậm trễ tiến độ dẫn đến phải gia hạn thời gian thực hiện; cập nhật các chi phí trong tổng mức đầu tư; bổ sung các phần việc còn thiếu", đại diện MRB thông tin.
Chí Bình
(vietnamfinance.vn)
- Vì sao các dự án đường sắt đô thị đội vốn, liên tục gia hạn về đích?
- Ưu tiên dùng vốn đầu tư công, “xoá trắng” cao tốc tại nhiều vùng kinh tế động lực
- Sẽ thí điểm một số cơ chế đặc thù cho Khánh Hoà để phát triển Khu kinh tế Vân Phong
- Bãi bỏ thủ tục thành lập khu công nghiệp
- Hà Nội lùi thời hạn hoàn thành đường vành đai 4 – vùng Thủ đô sang năm 2027
- TPHCM chỉ đạo gỡ vướng pháp lý cho hàng chục dự án bất động sản
- Khánh Hòa: Rà soát các dự án liên quan đô thị mới Cam Lâm
- Dự án gây kẹt xe sẽ không được phê duyệt xây dựng
- Cơ chế đặc thù trong huy động vốn giúp hai “đại dự án” vành đai Thủ đô và TP.HCM “hồi sinh”
- Chỉ ra những kẽ hở để hoàn thiện luật nhà ở và kinh doanh bất động sản