UBND TPHCM vừa giao Sở Giao thông Vận tải TPHCM có hướng dẫn đánh giá tác động các dự án kết nối hệ thống đường bộ trên địa bàn. Quy định trên nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của dự án đến hệ thống hạ tầng giao thông sau khi đưa vào hoạt động.
Theo đó, các dự án chung cư, khu nhà ở thấp tầng, trung tâm thương mại, trường học, nhà hàng tiệc cưới… trên địa bàn TPHCM trước khi triển khai phải thiết kế phương án kết nối giao thông, tính toán đánh giá nhu cầu giao thông phát sinh của công trình nhằm đảm bảo an toàn giao thông, không gây ùn tắc giao thông.
Chủ đầu tư phải tính toán xác định lưu lượng đi đến phát sinh và tính thu hút của dự án khi đưa vào hoạt động. (Ảnh: MH)
Nội dung đánh giá tác động giao thông gồm phân tích, đánh giá hiện trạng giao thông tại các tuyến đường trong phạm vi đánh giá. Trong đó thể hiện đầy đủ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội bị ảnh hưởng, tổ chức giao thông hiện hữu, bề rộng mặt đường theo hiện trạng và theo quy hoạch.
Bên cạnh đó, tính toán xác định lưu lượng đi đến phát sinh và tính thu hút của dự án khi đưa vào hoạt động. Mô phỏng dự báo giao thông theo các kịch bản như kịch bản hiện tại khi chưa có dự án, kịch bản tương lai ngay tại thời điểm dự án hoàn tất đưa vào hoạt động, kịch bản tương lai sau khi có dự án giai đoạn từ 5 đến 10 năm.
Bảng ngưỡng quy mô xây dựng các dự án cần phải thực hiện đánh giá tác động giao thông. (Ảnh: Sở GTVT TPHCM)
Phạm vi đánh giá tác động giao thông từ các công trình xây dựng tại TPHCM được quy định như sau: đối với các dự án ở các quận nội thành là bán kính 0,5 km từ vị trí dự án trở ra (bao gồm TP Thủ Đức, quận 1, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10, 11, 12, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Tân Bình, Gò Vấp, Bình Tân, Tân Phú).
Đối với các dự án ở ngoại thành thì tính bán kính 0,3 km từ vị trí dự án trở ra (bao gồm huyện Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Củ Chi, Cần Giờ). Trong trường hợp mô hình mô phỏng thì tăng phạm vi ảnh hưởng và số lượng phương tiện lên 5%.
Theo Sở Giao thông Vận tải TPHCM, trường hợp việc đánh giá tác động giao thông không đạt ngay khi dự án đưa vào hoạt động và trong tương lai thì dự án không đủ yêu cầu chấp thuận chủ trương đầu tư.
Trường hợp không đạt khi dự án đi vào hoạt động và đạt trong giai đoạn tương lai thì có thể xem xét giảm quy mô đầu tư hoặc phân kỳ đầu tư dự án theo từng giai đoạn.
Còn trường hợp đạt trong thời điểm đưa vào hoạt động nhưng không đạt trong giai đoạn tương lai thì phân kỳ đầu tư dự án theo từng giai đoạn.
Minh Hoàng
(KTSG Online)
- Bãi bỏ thủ tục thành lập khu công nghiệp
- Hà Nội lùi thời hạn hoàn thành đường vành đai 4 – vùng Thủ đô sang năm 2027
- Đường sắt Nhổn - ga Hà Nội xin lùi tiến độ đến năm 2029, tăng tổng mức đầu tư
- TPHCM chỉ đạo gỡ vướng pháp lý cho hàng chục dự án bất động sản
- Khánh Hòa: Rà soát các dự án liên quan đô thị mới Cam Lâm
- Cơ chế đặc thù trong huy động vốn giúp hai “đại dự án” vành đai Thủ đô và TP.HCM “hồi sinh”
- Chỉ ra những kẽ hở để hoàn thiện luật nhà ở và kinh doanh bất động sản
- Yêu cầu xem xét kiến nghị của TPHCM về bất cập xác định giá đất
- Hạn chế tín dụng đầu cơ bất động sản trên địa bàn TPHCM
- TPHCM xin điều chỉnh thời gian hoàn thành tuyến metro số 1 thêm 2 năm