Chính phủ đã bãi bỏ thủ tục thành lập khu công nghiệp, theo Nghị định 35/2022/NĐ-CP quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế vừa được Chính phủ vừa ban hành, theo thông tin từ Văn phòng Chính phủ cho biết vào ngày 30/5.
Theo đó, khu công nghiệp được xác định là đã được thành lập kể từ ngày cấp có thẩm quyền có quyết định chủ trương đầu tư dự án hạ tầng khu công nghiệp sử dụng vốn đầu tư công theo quy định của pháp luật về đầu tư công.
Một khu công nghiệp. (Ảnh minh họa: TTXVN)
Khu công nghiệp được xác định là đã được thành lập kể từ ngày cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư. Hoặc được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp theo quy định của pháp luật về đầu tư.
Nghị định 35/2022/NĐ-CP cũng hoàn thiện điều kiện đầu tư, kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp (tỷ lệ lấp đầy, quy mô khu công nghiệp, năng lực của nhà đầu tư và một số điều kiện khác) trên cơ sở kế thừa quy định tại Nghị định số 82/2018/NĐ-CP và căn cứ quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 7 Luật Đầu tư – nhằm đảm bảo sự phù hợp với đặc thù của dự án hạ tầng khu công nghiệp.
Nghị định 35/2022/NĐ-CP quy định nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp phải đáp ứng điều kiện kinh doanh bất động sản theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản; điều kiện để được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp theo quy định của pháp luật.
Trường hợp nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp là tổ chức kinh tế do nhà đầu tư nước ngoài dự kiến thành lập theo quy định của pháp luật thì tổ chức kinh tế dự kiến thành lập phải có khả năng đáp ứng điều kiện để được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
Trường hợp chọn áp dụng đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thì các tiêu chuẩn đánh giá để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp bao gồm các tiêu chí:
Tiêu chuẩn đánh giá về kinh nghiệm của nhà đầu tư được xây dựng trên cơ sở quy mô diện tích, tiến độ thực hiện, tình hình thực hiện của dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp. Hoặc dự án bất động sản khác mà nhà đầu tư đã thực hiện hoặc đã góp vốn chủ sở hữu để thực hiện dự án; chủ sở hữu, thành viên, cổ đông sáng lập là tổ chức của nhà đầu tư đã thực hiện hoặc đã góp vốn chủ sở hữu để thực hiện dự án.
Tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật được xây dựng trên cơ sở nội dung Quyết định phê duyệt quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cầu hạ tầng khu công nghiệp của cấp có thẩm quyền và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Tiêu chuẩn đánh giá về tài chính – thương mại được xây dựng trên cơ sở nội dung quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư của cấp có thẩm quyền và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Vân Ly
(KTSG Online)
- TP Hồ Chí Minh kêu gọi hơn 943.000 tỷ đồng đầu tư vào 197 dự án
- Cần hiểu và thực hiện đúng việc cho thuê nhà ở cũ thuộc sở hữu của Nhà nước
- Vì sao các dự án đường sắt đô thị đội vốn, liên tục gia hạn về đích?
- Ưu tiên dùng vốn đầu tư công, “xoá trắng” cao tốc tại nhiều vùng kinh tế động lực
- Sẽ thí điểm một số cơ chế đặc thù cho Khánh Hoà để phát triển Khu kinh tế Vân Phong
- Hà Nội lùi thời hạn hoàn thành đường vành đai 4 – vùng Thủ đô sang năm 2027
- Đường sắt Nhổn - ga Hà Nội xin lùi tiến độ đến năm 2029, tăng tổng mức đầu tư
- TPHCM chỉ đạo gỡ vướng pháp lý cho hàng chục dự án bất động sản
- Khánh Hòa: Rà soát các dự án liên quan đô thị mới Cam Lâm
- Dự án gây kẹt xe sẽ không được phê duyệt xây dựng