Tuyến đường sắt cao tốc TP.HCM - Cần Thơ đang đẩy nhanh thống nhất hướng tuyến, điều chỉnh loạt thông số kỹ thuật, giảm tổng mức đầu tư xuống 7 tỷ USD, để sớm trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư vào năm 2024...
Đoàn công tác của Bộ Giao thông vận tải do Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông dẫn đầu, vừa chủ trì cuộc họp với các tỉnh, thành gồm TP.HCM, Cần Thơ, Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long, Bình Dương về dự án đường sắt TP.HCM - Cần Thơ.
Dự án này sẽ nối 2 vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là TP.HCM và Cần Thơ với chiều dài toàn tuyến khoảng 174 km với 13 nhà ga, đi qua 6 tỉnh, thành phố.
Tuyến đường sắt cao tốc TP.HCM - Cần Thơ sẽ mang lại đột phá và sự phát triển cho khu vực miền Tây
Mặc dù dự án được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt tại Quyết định số 2563 ngày 27/8/2013 nhưng qua gần 10 năm, hướng tuyến của dự án vẫn chưa thống nhất được phương án cuối cùng. Đây là phần khó khăn và mất nhiều thời gian nhất và trải qua không ít cuộc làm việc với các địa phương để thống nhất hướng tuyến.
Đơn vị tư vấn đặt mục tiêu trong năm nay sẽ hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt TP.HCM - Cần Thơ dài khoảng 174 km để Bộ Giao thông vận tải trình Chính phủ thông qua, sau đó trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư vào năm 2024. |
Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo điều chỉnh hướng tuyến, trong đó, tỉnh Bình Dương sớm kịp thời cập nhật bổ sung hướng tuyến mới nhất. Đồng thời, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải lưu ý, đơn vị tư vấn phải bố trí nhà ga hàng hóa gần khu công nghiệp, trung tâm logistics để khai thác tối đa lợi thế chở khối lượng lớn của đường sắt.
Cũng tại cuộc họp này, liên danh tư vấn báo cáo chi tiết về tiến độ dự án.
Trong báo cáo lần này, đơn vị tư vấn điều chỉnh nhiều thông số kỹ thuật để phù hợp với tình hình thực tế.
Theo đề xuất của đơn vị tư vấn, điểm đầu ga hàng hóa tại Ga lập tàu An Bình thuộc Phường An Bình, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương.
Điểm đầu hành khách bắt đầu từ ga Tân Kiên thuộc xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, TP.HCM.
Điểm cuối tại ga Cái Răng (ga Cần Thơ) thuộc phường Phú Thứ, quận Cái Răng, TP. Cần Thơ.
Phương án hướng tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ.
Đáng chú ý, đơn vị tư vấn cũng điều chỉnh tốc độ chạy tàu còn 190 km/giờ cho tàu khách và 120 km/giờ cho tàu hàng trong khi trước đây xây dựng phương án tốc độ chạy tàu là hơn 200 km/giờ.
Về thời gian chạy tàu cũng được điều chỉnh với phương án mới từ TP.HCM đi Cần Thơ mất 75 - 80 phút thay vì 45 phút như phương án trước đây.
Tổng mức đầu tư của dự án cũng rút xuống còn 169.540 tỷ đồng, tương đương hơn 7 tỷ USD trong khi phương án trước đó là 10 tỷ USD.
Theo tính toán của đơn vị tư vấn mật độ giao thông dọc hành lang khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long đến 2055 đạt khoảng 27 triệu hành khách/ngày và 54 triệu hàng hóa/ngày. Tuy nhiên, hiện nay các phương thức vận tải chưa đáp ứng được nhu cầu. Do vậy, cần phải xây dựng tuyến đường sắt TP.HCM – Cần Thơ trước năm 2034 để đáp ứng nhu cầu vận tải, thúc đẩy phát triển kinh tế của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Về hướng tuyến đơn vị tư vấn đề xuất đi dọc theo Quốc lộ 1A hiện nay, tại các đầu mối sẽ hình thành các nhà ga lớn để trung chuyển hành khách và hàng hóa.
Tại cuộc họp, đại diện các tỉnh thành phố có tuyến đường sắt đi qua cho rằng còn một số quy hoạch chi tiết cần điều chỉnh phù hợp với quy hoạch của địa phương.
Đại diện tỉnh Tiền Giang đề nghị bổ sung thêm tiêu chí chọn hướng tuyến trái, phải để so sánh bên nào có lợi hơn. Đồng thời, đề nghị bổ sung thêm ga hàng hóa ở Cái Bè.
Đối với đoạn đi qua TP.HCM, ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM đề xuất, đoạn qua thành phố có nhiều điểm giao cắt trong khu đô thị hiện hữu có thể gây ùn tắc giao thông. Do đó, TP.HCM đề xuất nghiên cứu phương án đi trên cao toàn bộ đoạn qua địa bàn thành phố, mặc dù chi phí cao hơn nhưng sẽ giải quyết được bài toán giao thông về sau.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đề nghị làm rõ và xác định những hạng mục nào dùng ngân sách, hạng mục nào kêu gọi nhà đầu tư, hạng mục nào có thể sử dụng từ khoản thu từ khai thác quỹ đất quanh nhà ga. Khi tính toán cụ thể, dự án có thể tự cân đối hoặc ngân sách chỉ đầu tư một phần.
"Với các dự án đường sắt mô hình ga đô thị dọc tuyến sẽ giúp định hình lại đô thị, tái cấu trúc dân cư và tái cấu trúc cơ sở hạ tầng cho sản xuất, dịch vụ", Chủ tịch UBND TP.HCM đánh giá.
Anh Tú
(VnEconomy)
- Tranh chấp liên quan đến dự án đầu tư PPP ngày càng tăng và phức tạp hơn
- Kiến nghị hủy quyết định trúng thầu đất Thủ Thiêm do doanh nghiệp chưa nộp tiền
- Quá nhiều bất cập trong lĩnh vực quản lý đất đai, xây dựng
- Bộ Xây dựng sẽ công bố thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản hàng quí
- Đà Nẵng: Ưu tiên hàng đầu đột phá hạ tầng giao thông
- TP Hồ Chí Minh kêu gọi hơn 943.000 tỷ đồng đầu tư vào 197 dự án
- Cần hiểu và thực hiện đúng việc cho thuê nhà ở cũ thuộc sở hữu của Nhà nước
- Vì sao các dự án đường sắt đô thị đội vốn, liên tục gia hạn về đích?
- Ưu tiên dùng vốn đầu tư công, “xoá trắng” cao tốc tại nhiều vùng kinh tế động lực
- Sẽ thí điểm một số cơ chế đặc thù cho Khánh Hoà để phát triển Khu kinh tế Vân Phong