Sở Giao thông vận tải Tp.HCM cho biết, đang xây dựng kế hoạch thí điểm kiểm soát khí thải đối với mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông trên địa bàn thành phố. Tốc độ gia tăng phương tiện cá nhân trên địa bàn thành phố ngày càng cao đây là một trong những nguyên nhân trực tiếp ảnh hưởng đến tình trạng ô nhiễm không khí.
Theo thống kê sơ bộ, tính đến cuối tháng 8/2019, toàn Tp.HCM có gần 8 triệu phương tiện xe cơ giới, trong đó có khoảng 735.000 ôtô và gần 7,2 triệu xe máy. Việc gia tăng các loại phương tiện giao thông cơ giới có chất lượng khí thải kém đang ảnh hưởng đô thị.
Xe máy quá hạn, một "thủ phạm" gây ô nhiễm
Báo cáo mới đây của Sở Tài nguyên và môi trường Tp.HCM cho biết, các hoạt động giao thông là nguồn gây ô nhiễm lớn nhất. Theo đó, khu vực nào lượng xe cộ càng cao và kẹt xe thường xuyên thì ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí càng nghiêm trọng.
Vì thế Sở Giao thông vận tải Tp.HCM đang nghiên cứu đề xuất UBND thành phố xem xét, báo cáo các cấp có thẩm quyền về việc cần thiết phải kiểm soát khí thải đối với mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông trên địa bàn thành phố nhằm từng bước tiến tới quản lý, giảm thiểu ô nhiễm không khí do khí thải gây ra.
Sở Giao thông vận tải cũng đề nghị Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam và Công ty Honda Việt Nam – đơn vị sản xuất xe máy có sản lượng cao nhất trong số các nhà sản xuất xe máy tại Việt Nam - xem xét, phối hợp và hỗ trợ trong việc xây dựng kế hoạch khảo sát thực trạng sử dụng mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông tại một số điểm trong nội thành và ngoại thành.
Các đơn vị này thống nhất các nội dung chi tiết, thời gian, biểu mẫu, hình thức khảo sát khi tiến hành kiểm tra để phục vụ đề xuất những giải pháp chính sách kiểm soát khí thải đối với loại phương tiện này. Sau đó, đề xuất nguồn kinh phí để thực hiện khảo sát.
Trước đó, tháng 10/2018, Sở Giao thông vận tải thành phố đã phối hợp với Sở Tài nguyên và môi trường đề xuất UBND Tp.HCM xây dựng đề án kiểm soát khí thải đối với môtô, xe gắn máy.
Cụ thể, sẽ xây dựng, ban hành bộ tiêu chuẩn địa phương về khí thải mô tô, xe máy trên địa bàn; xây dựng cơ chế chính sách và lộ trình thực hiện các giải pháp kiểm soát khí thải do mô tô, xe máy gây ra trên địa bàn (thu hồi xe cũ gây ô nhiễm; hỗ trợ chuyển đổi sang xe máy điện; phân vùng hạn chế giao thông...).
Với tốc độ tăng xe máy trên địa bàn Tp.HCM từ 10 - 15%/năm và vẫn áp dụng với chuẩn EURO 2 - mức gây ô nhiễm môi trường nặng nề - đã kéo theo tình trạng ô nhiễm môi trường không khí ngày càng nghiêm trọng. Lượng xe máy chiếm 95% phương tiện giao thông, chỉ tiêu thụ 56% lượng xăng nhưng lại thải ra 94% khí HC, 87% CO và 57% NOx trong tổng lượng phát thải của các loại xe cơ giới.
Công bố 3 nguyên nhân gây ô nhiễm
Hoạt động tham gia giao thông, sản xuất công nghiệp và hoạt động xây dựng liên tục trong suốt thời gian qua, là ba "thủ phạm" trực tiếp gây ra tình trạng ô nhiễm nặng không khí và hiện tượng mù quang hóa tại Tp.HCM.
Tại buổi họp báo về về tình hình ô nhiễm môi trường vào trung tuần tháng 10 vừa qua, ông Cao Tung Sơn, Giám đốc Trung tâm Quan trắc môi trường, Sở Tài nguyên và môi trường Tp.HCM đã cho biết như trên.
Theo ông Sơn, quan trắc chất lượng không khí tại 30 vị trí với tần suất 10 ngày mỗi tháng vào hai thời điểm 7h30' - 8h30' và 15h - 16h hàng ngày. Kết quả cho thấy, có sự gia tăng đột biến các chất ô nhiễm (NO2, SO2, CO, bụi lơ lửng, PM10, PM2.5,...) trong các ngày 18 - 20/9. Đặc biệt, ngày 20/9 bụi lơ lửng tăng gấp 2,19 lần; NO2 tăng 1,41 lần; CO tăng 1,4 lần.
Trung tâm Quan trắc môi trường cũng ghi nhận sự gia tăng bụi mịn PM10; PM 2.5 từ 1,9 lên 2,2 lần - vượt chuẩn lần lượt là 50%, 25%. Số liệu quan trắc tại 19 vị trí giao thông cho thấy hơn 50% là bụi lơ lửng, gần 94% là mức ồn vượt quy chuẩn cho phép.
Trong 3 nguyên nhân gây ô nhiễm, theo ông Sơn, ô nhiễm từ hoạt động giao thông là lớn nhất bởi Tp.HCM hiện có khoảng gần 10 triệu phương tiện giao thông (bao gồm xe của người dân ở tỉnh thành khác mang vào); 37 điểm thường xuyên kẹt xe... nên lượng khí thải độc hại ra môi trường là rất lớn.
"Để giảm thiểu ô nhiễm, cơ quan chức năng phải kiểm soát được nguồn ô nhiễm. Sở Tài nguyên và môi trường sẽ hoàn tất đề án phát triển mạng lưới quan trắc chất lượng môi trường trình UBND Tp.HCM, để đầu năm 2020 triển khai thực hiện", ông Cao Tung Sơn cho hay.
Một số giải pháp được đề ra nhằm kiểm soát ô nhiễm, gồm: đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường không khí và ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường không khí. Tăng cường mật độ đường, tỷ lệ đất dành cho giao thông.
Tăng cường vận tải hành khách công cộng, nâng số lượng xe buýt. Tăng cường kiểm tra, giám sát các nguồn thải mà đặc biệt là các nguồn thải lớn phải lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải tự động, liên tục và truyền số liệu quan trắc về Sở Tài nguyên và môi trường để giám sát.
Xuân Nghi
(VnEconomy)
- Tọa đàm “Hồn gỗ trong Kiến trúc và Nội thất” với Ceccotti Collezioni
- Công bố Báo cáo triển vọng năng lượng Việt Nam 2019
- Ra mắt đoàn tàu đầu tiên tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội
- Thêm công cụ quản lý tài nguyên nước lưu vực sông Cửu Long
- Xây dựng kế hoạch hành động giảm thiểu rác thải nhựa đại dương
- Tiếp tục di dời 2.500 hộ dân ra khỏi Kinh thành Huế
- Lo ô nhiễm, kiểm tra đột xuất khí thải ôtô ở Hà Nội và TP.HCM
- TP Hồ Chí Minh phê duyệt tổ chức tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc cầu đi bộ qua sông Sài Gòn
- Nước sông Sài Gòn - Đồng Nai đang ô nhiễm nặng
- Khuyến nghị xây thành phố thông minh vì không khí sạch ở Việt Nam