Cuối năm nay TPHCM sẽ vận hành 6 trạm quan trắc ô nhiễm tự động, các thông số sẽ được thông báo trên các bảng báo giao thông đặt trên đường và ứng dụng điện thoại thông minh.
Tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 17 HĐND TPHCM khóa IX diễn ra ngày 9/12, các đại biểu đã đặt nhiều câu hỏi liên quan đến việc kiểm soát ô nhiễm môi trường tại TPHCM, đặc biệt là việc kiểm soát khí thải gây ra ô nhiễm không khí trong thời gian gần đây.
Hiện tượng sương mù tại TPHCM thời gian gần đây, một phần do ô nhiễm khí thải từ các loại xe thải ra (Ảnh: Nguyễn Tuấn)
Trả lời các đại biểu, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết, thành phố hiện có 327 điểm đặt trạm quan trắc thủ công. Các trạm quan trắc này sẽ đo chất lượng nguồn nước, không khí... sau đó, các thông số sẽ được đưa lên 48 bảng thông tin giao thông lắp đặt trên các tuyến đường để người dân và cơ quan quản lý giám sát và có hướng xử lý.
Theo ông Thắng, việc quan trắc thủ công có hạn chế là các thông số đưa ra chậm khi độ trễ của số liệu quan trắc là 5 ngày. Do vậy, thành phố đã lên kế hoạch đầu tư các trạm quan trắc tự động để việc đưa ra các thông số nhanh và chính xác hơn.
Dự kiến, cuối năm 2019 sẽ đưa vào vận hành 6 trạm quan trắc tự động, trong tổng số 58 trạm quan trắc tự động sẽ được đầu tư.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho rằng, để giảm ô nhiễm môi trường tại TPHCM trước mắt sẽ tăng thời điểm quan trắc từ 2 lần lên 3 lần/ngày và quan trắc hằng ngày thay vì 10 ngày/tháng như trước đây. Các thông tin quan trắc hằng ngày sẽ được đưa lên website của Sở Tài nguyên Môi trường và ứng dụng điện thoại thông minh.
Về lâu dài cần kiểm soát các nguồn khí thải từ ô và xe máy vì TPHCM hiện nay có 8 triệu xe máy, khoảng 800.000 ô tô nên nguồn thải ra rất lớn.
Bên cạnh việc kiểm soát khí thải, TPHCM sẽ di dời các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư. Theo kế hoạch của TPHCM có 114 doanh nghiệp phải di dời ra khỏi khu dân cư. Tuy nhiên, đến nay còn 5 doanh nghiệp tại quận 12 chưa di dời được. “Sắp tới, nếu các doanh nghiệp này không di dời, thành phố sẽ thực hiện cưỡng chế để đưa vào khu công nghiệp”, ông Thắng khẳng định.
Để kiểm soát ô nhiễm, TPHCM thường xuyên kiểm tra hệ thống xử lý nước thải của các doanh nghiệp. Năm 2019 đã kiểm tra 190 doanh nghiệp thì có 70 doanh nghiệp vi phạm không có hệ thống xử lý nước thải. Ngoài xử lý bằng tiền, Sở Tài Nguyên và Môi trường TPHCM cũng đề xuất đình chỉ hoạt động đến khi nào có hệ thống xử lý nước thải đầy đủ mới cho hoạt động trở lại.
Lê Anh
(TBKTSG)
- Muốn xây cảng Liên Chiểu, Đà Nẵng phải "làm lại từ đầu" quy trình thực hiện đầu tư
- Nhà thờ Thủ Thiêm được xếp hạng di tích
- Đà Nẵng sẽ có nhà hát lớn hơn 2 tỉ đô la?
- Các di sản văn hóa, không gian kiến trúc bị đe dọa trước áp lực đô thị
- Ashui Awards 2019 công bố các đề cử chính thức
- Nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội
- Germanwatch: Việt Nam chịu thiệt hại nặng nề do biến đổi khí hậu
- Xây dựng khu kinh tế Móng Cái trở thành đô thị hiện đại
- AIMF 40: Huế chia sẻ kinh nghiệm phát triển đô thị với các nước khối Pháp ngữ
- Công bố mở rộng địa giới hành chính của thành phố Hải Dương