Thành phố phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy hoạch phân lũ, làm cơ sở xây dựng quy hoạch hai bên sông Hồng.
Ngày 8/7, làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho hay, việc cần thiết của Hà Nội là hoàn thiện nốt các quy hoạch phân khu, trong đó có quy hoạch hai bên bờ sông Hồng, sử dụng nguồn tài nguyên bãi ven sông.
Bí thư Thành uỷ Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc với Bộ Nông nghiệp chiều 8/7. (Ảnh: Viết Thành)
Muốn quy hoạch hai bên bờ sông Hồng và các dòng sông khác, phải làm quy hoạch thoát lũ, vì thế, thành phố đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp, thẩm định để trình Thủ tướng phê duyệt, tạo điều kiện cho thành phố triển khai.
Hà Nội do không có quy hoạch nên hiện nhiều nguồn lực bị lãng phí. Các khu đất bãi ven sông nhiều năm qua không ai dám đầu tư vì không có quy hoạch thì chỉ được đấu thầu 5 năm. "Tôi đi Đan Phượng, Hoài Đức, đất ngoài bãi mênh mông mà không dùng được. Có đất bãi giữa ở Hoàn Kiếm, muốn mượn dùng tạm một số việc cũng không được. Tất cả đều chờ quy hoạch", ông Huệ nói.
Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung thông tin, năm 2018 thành phố đã phối hợp Viện quy hoạch thuỷ lợi xây dựng quy hoạch phân lũ, trong đó thống nhất phương án làm đê kết hợp với đường.
Hà Nội muốn xây dựng khu đô thị sinh thái hai bên bờ sông Hồng. (Ảnh: Ngọc Thành)
"Làm con đường song song chạy từ cầu Thăng Long đến cầu Vĩnh Tuy hai bên bờ sông. Những khu vực hẹp và cao như đoạn qua Cảng Hà Nội có thể làm cầu vượt dọc theo taluy như sông Hàn của Hàn Quốc", Chủ tịch Hà Nội nêu và cho hay Tờ trình quy hoạch phòng chống lũ của từng tuyến sông, trong đó có sông Hồng đã được rút ra khỏi chương trình kỳ họp HĐND thành phố cuối năm 2018.
Khi có quy hoạch phân lũ, Hà Nội sẽ thực hiện quy hoạch đô thị sinh thái hai bên bờ sông Hồng. Khoảng 900.000 người dân dọc hai bên bờ sông sẽ được tạo sinh kế khi quy hoạch được xây dựng.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn muốn cải tạo, chỉnh trang bãi sông. Nhưng để đảm bảo được việc này, Hà Nội phải xây dựng phương án phòng chống lũ nằm trong quy hoạch phát triển Thủ đô và chuyển sang Bộ thẩm định, Tổng cục trưởng Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài cho hay.
Ông Hoài nêu các chỉ số kỹ thuật theo quy định khi làm quy hoạch phân lũ là phải đảm bảo an toàn chống lũ tần suất 500 năm, cao độ đê 13,4 mét và lưu lượng thoát nước qua mặt cắt sông Hồng tại Hà Nội là 20.000 mét khối/giây.
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết sẽ cử lực lượng khoa học giỏi phối hợp với Hà Nội rà soát lại quy hoạch phân lũ, làm cơ sở cho thành phố xây dựng quy hoạch hai bên bờ sông Hồng.
Khu vực bãi giữa sông Hồng có nhiều tiềm năng phát triển. (Ảnh: Ngọc Thành)
Trong gần 30 năm qua, có một số dự án quy hoạch sông Hồng nhưng chưa thành hiện thực. Dự án Trấn Sông Hồng năm 1994, nhà đầu tư Singapore đề xuất xây dựng tại một mảnh đất ngoài đê khu vực An Dương, tổng vốn đầu tư dự kiến khi đó là 240 tỷ đồng. Theo thỏa thuận với thành phố, phía Singapore đã thiết kế một khu dân cư hiện đại với các cao ốc là một quần thể gồm nhà ở, văn phòng thương mại, khách sạn, khu vui chơi và sinh hoạt cộng đồng nhằm giúp Hà Nội có một tiểu khu như ở đảo quốc sư tử. Hà Nội cũng đã lập ban quản lý dự án. Do có một số vướng mắc, đặc biệt là vấn đề trị thủy nên dự án chưa triển khai được. Đồ án quy hoạch thành phố hai bên sông Hồng. Giữa năm 2006, lãnh đạo Hà Nội và thị trưởng thành phố Seoul (Hàn Quốc) đã ký thỏa thuận hợp tác quy hoạch, cải tạo và phát triển hai bên bờ sông Hồng, đoạn chảy qua Hà Nội. Theo tính toán của đơn vị tư vấn, dự án thành phố bên sông Hồng chia theo 4 khu vực, với tổng diện tích 1.500 ha, tổng vốn đầu tư hơn 7,1 tỷ USD, triển khai từ năm 2008 đến năm 2020. Sau nhiều lần hội thảo, lấy ý kiến các chuyên gia, đến năm 2008, dự án quy hoạch thành phố bên sông Hồng bị dừng triển khai. Năm 2016 có ba doanh nghiệp tự góp kinh phí nghiên cứu quy hoạch hai bờ sông Hồng theo 2 phương án. Một là xây dựng đường và đê kết hợp đảm bảo khai thác quỹ đất phát triển đô thị, giữ an toàn nội đô (chống lũ trên báo động 3), thay thế cho tuyến đê hiện tại. Hai là quy hoạch xây dựng đường và đê kết hợp đảm bảo chống lũ báo động 2; bên cạnh đó, quy hoạch xây dựng hệ thống hồ, kênh thu nước, phục vụ tiêu thoát nước hỗ trợ tuyến đê phía trong (đê hiện tại) đảm bảo chống lũ trên báo động 3. |
Võ Hải
(VnExpress)
- Hội nghị thường niên Mạng lưới đô thị thông minh ASEAN lần thứ 3
- Công bố sự kiện Diễn đàn và Triển lãm quốc tế về đô thị thông minh châu Á - Smart City Asia 2020
- Thành phố Hồ Chí Minh phấn đấu trở thành đô thị thông minh vào năm 2030
- Khánh Hòa: Thống nhất chủ trương xã hội hóa công tác lập quy hoạch xây dựng thuộc Khu kinh tế Vân Phong
- Chính phủ đồng ý di dời ga đường sắt Đà Nẵng
- Sẽ khởi công xây dựng “siêu sân bay” Long Thành vào năm 2021
- Thừa Thiên - Huế: Công bố điều chỉnh quy hoạch Khu công nghiệp Phú Bài giai đoạn IV
- Khu đô thị phía Nam sẽ là Trung tâm hành chính mới của Cần Thơ
- Thi chọn thiết kế cho nhà hát giao hưởng Thủ Thiêm
- TPHCM điều chỉnh quy hoạch để thực hiện Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông