Ngày 12/11/2024, tại Trung tâm triển lãm 93 Đinh Tiên Hoàng (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã diễn ra Lễ trao giải Cuộc thi tuyển Ý tưởng Quy hoạch Công viên văn hóa đa chức năng tại khu vực bãi nổi giữa và bãi ven sông Hồng.
Là một trong những nội dung quan trọng của Thành ủy, UBND TP. Hà Nội về việc lập đề án "Phát triển bãi nổi giữa và ven sông Hồng thành Công viên văn hóa đa chức năng", Cuộc thi tuyển Ý tưởng Quy hoạch Công viên văn hóa đa chức năng tại Khu vực bãi nổi giữa và bãi ven sông Hồng được tổ chức nhằm tìm kiếm ý tưởng thiết kế sáng tạo độc đáo, khai thác hiệu quả quỹ đất khu vực bãi nổi giữa và bãi bồi ven sông Hồng thuộc địa bàn 4 quận: Hoàn Kiếm, Long Biên, Ba Đình, Tây Hồ thành công viên văn hóa xứng tầm tại khu vực; nhằm khai thác hiệu quả quỹ đất, lợi thế tiềm năng, cải thiện cảnh quan, vệ sinh môi trường, phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng. Đồng thời, hướng tới cụ thể hóa quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng được duyệt và định hướng tổ chức không gian cảnh quan của Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5000 đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở) đã được UBND Thành phố phê duyệt.
Cuộc thi không có giải Nhất; đồng giải Nhì thuộc về Công ty TNHH Kiến trúc Hòn Gai (HGAA) với Phương án “Công viên văn hoá nghệ thuật sông Hồng” và Liên danh Green Lungs Hanoi với Phương án “Công viên Quai vạc xanh”; giải Ba của cuộc thi được trao cho Liên danh tư vấn Encity – Siura Studio với Phương án “Công viên Rồng bên bờ sông Hồng”.
Ashui.com giới thiệu tới bạn đọc Đồ án đoạt giải Nhì của HGAA:
"Công viên văn hoá nghệ thuật sông Hồng"
I. VỊ TRÍ VÀ HIỆN TRẠNG KHU ĐẤT
1. Vị trí
1.1 Phạm vi, ranh giới: Toàn bộ bãi nổi giữa (thuộc các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ, Long Biên) và bãi ven sông Hồng (thuộc các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ) giới hạn từ cầu Tứ Liên đến cầu Trần Hưng Đạo và đường trục Hữu ngạn (lộ giới 50 m) sông Hồng kết nối với trung tâm khu vực nội đô lịch sử;
1.2 Quy mô, diện tích:
- Phần diện tích bãi nổi giữa khoảng 328 ha thuộc địa phận 04 quận là Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ và Long Biên;
- Phần diện tích bãi ven sông khoảng 63 ha thuộc địa phận 03 quận là Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ.
2. Hiện trạng
2.1 Hiện trạng sử dụng đất: Sau khi nghiên cứu hiện trạng, nhóm tác giả đề xuất chia thành 03 khu vực chính:
- Khu vực số 01 bao gồm toàn bộ khu vực bãi giữa có diện tích 328 ha, phần lớn diện tích thuộc Phường Yên Phụ, quận Tây Hồ và Phường Ngọc Thụy, quận Long Biên. Đây là khu vực giữa sông, được hình thành do việc bồi đắp phù sa tự nhiên, có diện tích lớn nhất cũng là nơi có cốt cao độ thấp nhất dao động từ +9.0-10.0m. Hiện tại khu vực này, phần lớn diện tích đang được sử dụng trồng cây ăn quả và các loại hoa màu.
- Khu vực số 2 là 02 bãi ven có diện tích 29,7ha bao gồm 02 bãi ven khu vực gầm cầu Long Biên và cầu Chương Dương thuộc địa bàn phường Chương Dương, Phúc Tân của quận Hoàn Kiếm và 01 phần phường Phúc Xá thuộc quận Ba Đình. Đây là khu vực có diện tích lớn cây xanh tự nhiên và đầm nước lớn tự nhiên. Hiện tại một phần diện tích khu vực này cũng đã được người dân địa phương và các tổ chức xã hội cải tạo và xây dựng 02 công viên rừng tự nhiên là Công viên rừng Bờ vở và Công viên rừng Phúc Tân.
- Khu vực số 3 là khu vực bãi ven có diện tích 33.5 ha thuộc 02 phường Tứ Liên và phuờng Yên Phụ, quận Tây Hồ. Khu vực này địa thế cao hơn các khu vực khác, (cốt cao độ dao động từ 11-12m), cao hơn khu vực bãi giữa khoảng 2m. Hiện tại khu vực này đang được sử dụng đất với nhiều mục đích khác nhau, bao gồm các khu vực nhà xưởng, kho bãi, sân bóng đá cho thuê, nhà vườn, trồng đào, quất…. và một số khu vực vẫn bỏ trống, đổ thải, phế liệu…
2.2 Hiện trạng địa hình nhánh sông đi qua khu đất: Khu vực nhánh sông đi qua Bãi giữa và bãi ven đang bị lấp đất gây tắc nghẽn nhiều chỗ, tạo nên nhiều đầm nước đọng, không lưu thông được, gây ra tình trạng ao tù nước đọng, rác thải ứ đọng và ô nhiễm môi trường.
2.3 Hiện trạng giao thông: Hiện tại hệ thống giao thông khu vực bãi ven và bãi giữa chủ yếu là đuờng giao thông tự phát và chưa hoàn chỉnh, bao gồm 1 số trục đường bê tông, đường đá mạt, và đường đất có chiều rộng hẹp và gồ ghề, bụi bẩn. Khu vực bãi giữa còn khó tiếp cận, nhất là khi mưa lũ.
2.4 Hiện trạng dân cư và cuộc sống người dân: Hiện tại khu vực bãi giữa và bãi ven vẫn là nơi sinh sống của hàng ngàn người. Chủ yếu là người vô gia cư, họ là dân di cư từ các địa phương lên Hà Nội lao động, không có chỗ ở, họ cư ngụ và sinh sống quanh khu vực ven sông và bãi giữa, tạo thành các xóm phao và nhà tạm. Hầu hết không có sổ hộ khẩu và quyền sử dụng đất. Đời sống thiếu thốn vật chất, điện nước và chi phí sinh hoạt. Nhà cửa lụp xụp, chắp vá từ rác và phế thải, tạo nên hình ảnh mất thẩm mỹ khu vực cửa ngõ Thủ đô.
2.5 Hiện trạng các hoạt động đang diễn ra trên bãi giữa sông Hồng: Hiện tại khu vực bãi giữa sông Hồng đang có các hoạt động du lịch, khám phá trải nghiệm tự phát do người dân hoặc các nhóm người tổ chức như: Cắm trại, bơi lội, đạp xe, khám phá trải nghiệm khu vực bãi giữa và cuộc sống người dân. Những mô hình này vẫn chưa được quản lý chặt chẽ và đầy đủ, chưa kiểm soát được vấn đề an toàn, và vệ sinh môi trường.
II.NGHIÊN CỨU VỀ LỊCH SỬ VÀ BỐI CẢNH
1. Giá trị lịch sử, văn hóa
Sông Hồng hay còn gọi là sông Nhị Hà có chiều dài 1149km, bắt nguồn từ Vân Nam, Trung Quốc chảy qua các tỉnh miền Bắc Việt Nam đổ ra vịnh Bắc bộ. Đây là con sông quan trọng trong việc hình thành nên nền văn minh lúa nước của Việt Nam.
Sông Hồng có lượng phù sa lớn, nên thường có màu đỏ, trong suốt quá trình hình thành và phát triển, sông Hồng đã bồi đắp và góp phần tạo nên đồng bằng châu thổ sông Hồng của các tỉnh nông nghiệp miền bắc Việt Nam.
2. Giá trị về bảo tồn thiên nhiên, môi trường
Bãi giữa sông Hồng là nơi lưu giữ các hệ sinh thái nguyên bản vùng bãi sông bao gồm hơn 200 loài thực vật, cây thân gỗ, cây thuốc, rau cỏ tự nhiên….
Bãi nổi giữa sông Hồng là nơi có tầm quan trọng của các loài chim di cư từ Đông Á – Úc Châu. Bao gồm hơn 200 loài chim sinh sống và di cư qua khu vực này.
Đây cũng là nơi có hệ sinh thái tự nhiên và mật độ cây xanh lớn, và gần khu vực trung tâm nhất Hà Nội. Đóng vai trò quan trọng trong việc giữ gìn cảnh quan thiên nhiên và môi trường tự nhiên trong thành phố.
3. Giá trị trong việc phòng chống lũ lụt, an toàn đê điều
Bãi giữa và các bãi ven cùng với hệ sinh thái tự nhiên là có giá trị trong việc điều hòa dòng chảy của sông Hồng, nhất là khi có lũ, các bãi ven sông làm giảm tác động của nước lũ tới hệ thống đê điều.
4. Vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu toàn cầu
Hiện nay, Trái đất đang phải đối mặt với vấn đề về biến đổi khí hậu, rác thải, bảo vệ môi trường tự nhiên và các loại động thực vật hoang dã. Loài người đã phát triển mạnh, các ngành công nghiệp, các khu đô thị phát triển đã làm mất cân bằng tự nhiên. Do vậy vấn đề bảo vệ môi trường là một vấn đề đang được quan tâm lớn, chúng ta cần phải có hành động và giáo dục các thế hệ sau tiếp tục phát triển, giữ gìn sự ổn định môi trường sống trên Trái đất.
5. Vấn đề của riêng Hà Nội
Nhìn rộng ra chúng ta có thể thấy Hà Nội là một thành phố ven sông, nhưng hiện tại chưa phát huy được lợi thế là một thành phố ven sông về mặt kiến trúc cảnh quan và không gian công cộng. Khi tiếp cận Hà nội bằng các trục đường qua các cây cầu chính như Chương Dương, Long Biên… Chúng ta dễ dàng nhận thấy hình ảnh đô thị Hà nội đang quay lưng ra sông Hồng, với những mái nhà lụp xụp, lộn xộn, rác thải, bẩn thỉu. Mặt khác, chúng ta lại thấy hình ảnh sông Hồng với các bãi ven, bãi giữa xanh ngát cây trái, hoa màu. Những hình ảnh mang lại cảm giác một mảnh đất được phù sa bồi đắp phì nhiêu, màu mỡ, một cánh đồng nông nghiệp giữa thành phố.
Do vậy Hà Nội cần lấy trục cảnh quan sông Hồng làm trung tâm, để phát triển đô thị và không gian công cộng hai bên bờ sông Hồng. Đây cũng là tầm nhìn và định hướng trong Quy Hoạch chung của Thủ đô đến năm 2030.
Như chúng ta đã biết, Hà Nội là một thành phố đông dân với khoảng 8,5 triệu người, đặc biệt là các quận nội thành, mật độ dân số lên tới trên 30.0000/km2. Trong những năm gần đây, tốc độ xây dựng nhanh, các khoảng trồng dường như bị lấp đầy bởi những công trình, tòa nhà…. Diện tích hồ nước, cây xanh, không gian công cộng bị thu hẹp. Hiện tại, tỷ lệ diện tích cây xanh độ thị của Hà nội chưa đạt 2m2 cây xanh/ người, trong khi đó tiêu chuẩn đô thị đặc biệt cần tối thiểu 7-9m2 cây xanh/ người.
Ngoài ra Hà Nội còn phải đối mặt với các vấn đề về khói bụi, ô nhiễm môi trường, ngập lụt, tắc đường….tạo thêm nhiều áp lực cho cuộc sống của người dân đô thị.
Các không gian công cộng bị thu hẹp, trẻ em thiếu chỗ vui chơi, người lớn thiếu chỗ đi dạo, tập thể dục, rèn luyện sức khỏe… Mặt khác, các không gian công cộng còn có giá trị về mặt giáo dục đời sống, văn hóa tinh thần, nghệ thuật dành cho người dân. Ở các nước phát triển, các không gian công cộng là nơi tổ chức các sự kiện văn hóa, nghệ thuật, nhằm nuôi dưỡng tinh thần và giáo dục về văn hóa nghệ thuật, sáng tạo cho người dân.
Do vậy nhu cầu về một không gian cây xanh, không gian công cộng có thể tổ chức và phát triển các hoạt động văn hóa nghệ thuật cho người dân Thủ đô lúc này là một điều rất cần thiết. Nơi mà mọi người có thể tập trung để giao tiếp, đi dạo, tập thể dục, hít thở không khí trong lành.
III. Ý TƯỞNG VÀ GIẢI PHÁP
1. Mục tiêu của dự án:
- Đảm bảo an toàn phòng chống lũ lụt, đê điều.
- Bảo tồn thiên nhiên, giữ gìn không gian xanh của Thủ đô, tạo điểm nhấn trên trục cảnh quan sông Hồng
- Đáp ứng nhu cầu của người dân, xã hội. Phát triển văn hóa, nghệ thuật, giáo dục, nông nghiệp, vui chơi, giải trí, thể dục thể thao.
- Đầu tư hợp lý, vận hành hiệu quả: Đầu tư tập trung, vận hành tiết kiệm, dễ quản lý….
2. Ý tưởng đề xuất:
Xây dựng mô hình Công viên văn hóa nghệ thuật. Tập trung vào 3 yếu tố chính là: Con người – Thiên nhiên – Nghệ thuật. Một nơi con người được tiếp xúc trực tiếp với môi trường tự nhiên và nghệ thuật sáng tạo. Đáp ứng nhu cầu về thể chất, tinh thần, không gian thiên nhiên. Thông qua công viên này, con người có thể giao tiếp, ứng xử và học hỏi từ môi trường tự nhiên và nghệ thuật sáng tạo, đó cũng là cách giáo dục về văn hóa và xã hội thông qua các không gian công cộng.
3. Giải pháp Quy hoạch, Kiến trúc, cảnh quan:
Bao gồm 3 không gian chính:
- Công viên nông nghiệp 296ha ( Khu canh tác nông nghiệp và khai thác các hoạt động trải nghiệm nông nghiệp)
- Công viên Trung tâm 33,5ha (Công viên cây xanh lớn, nơi tập trung các hoạt động thể dục thể thao, tổ chức các sự kiện văn hóa, nghệ thuật)
- Công viên Rừng 61,7ha (Khu vực bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, hạn chế các hoạt động của con người)
3.1 Giải pháp về giao thông:
- Đầu tiên là việc xây dựng hệ thống giao thông tiếp cận khu đất, theo quy hoạch đã có một tuyến đường 50m dọc bờ sông Hồng nối từ cầu Vĩnh Tuy tới cầu Nhật Tân, tác giả đề xuất thêm tuyến đường này nên thiết kế để trở thành cung đường xanh, với những hàng cây cổ thụ xanh mát, sẽ tạo nên một trục đi bộ, đạp xe nối từ Hồ Hoàn Kiếm lên Hồ Tây và đi qua công viên, thúc đẩy giao thông xanh trong thành phố, đồng thời kích thích người dân di chuyển bằng các phương tiện xanh, như đi bộ, đạp xe, ngắm cảnh, rèn luyện sức khỏe.
- Thứ hai là việc khơi thông dòng chảy nhánh sông Hồng đang bị tắc nghẽn, nhánh sông Hồng đi xuyên qua bãi giữa và bãi ben từ Vườn quất Tứ Liên tới chân cầu Long Biên đang bị lấp đất, gây tắc nghẽn nhiều điểm, ứ đọng nước thải và ô nhiễm môi trường. Đề xuất khơi thông dòng chảy, tạo thành một trục cảnh quan mặt nước từ đầu đến cuối dự án.
- Từ đó đề xuất xây dựng các cây cầu nối liền khu vực đất liền và bãi giữa, trong đó có 02 cây cầu bê tông trải asphalt có thể đi được xe ô tô, xe máy qua cầu. Còn lại 02 cây cầu đi bộ và xe đạp, nối liền giao thông từ công viên 33,5ha sang khu công viên nông nghiệp 296ha.
3.2 Công viên nông nghiệp 296ha
Khu vực bãi giữa có diện tích 296 ha, có địa thế thấp, đất phù sa phù hợp trồng cây nông nghiệp, lại thường xuyên bị ngập do lũ lụt, đề xuất quy hoạch làm khu vực trồng cây nông nghiệp và khác thác du lịch từ nông nghiệp và sản phẩm nông nghiệp. Hình thành nên các mô hình trang trại nông nghiệp, do người dân tự quản lý, vận hành. Mỗi trang trại có thể rộng từ vài đến vài chục ha do người dân mua hoặc thuê trong thời hạn 50 năm để trồng cây nông nghiệp hoặc khai thác các mô hình du lịch trải nghiệm nông nghiệp. Ngoài ra khu vực này vẫn diễn ra các hoạt động trecking trải nghiệm, khám phá, ngắm cảnh, đi bộ, đạp xe. Các trường học trong thành phố có thể tổ chức các buổi dã ngoai, cho học sinh tìm hiểu, trải nghiệm về nông nghiệp và các loài thực vật, sinh vật học.
Về hạ tầng cảnh quan, đề xuất để địa hình tự nhiên, không xây kè cứng, gia cố bằng việc trồng rải cây xanh cách ly xung quanh khu đất, đề giữ đất và trống sói mòn đất khi có mưa lũ.
Về giao thông nội bộ trong công viên nông nghiệp đề xuất hạn chế phương tiện giao thông cơ giới, trừ xe chở nông sản, lương thực thực phẩm và xe chuyên dụng. Du khách đến thăm quan và trải nghiệm đề xuất sử dụng xe điện, xe đạp và đi bộ.
Do vậy đề xuất xây dựng các trục đường chính có chiều rộng 4-6m để xe chờ nông sản, PCCC, xe cứu hộ có thể tiếp cận….
Về kiến trúc, đề xuất xây dựng mô hình Nhà sàn 02 tầng, có diện tích 100-150m2, mái ngói tối màu, hòa lẫn với cây xanh. Những công trình này vừa đảm bảo cất trữ lương thực, đồ dùng khi có mưa lũ tràn lên bãi giữa, vừa tạo chỗ sinh hoạt, ăn nghỉ cho người dân và du khách khi làm việc và hoạt động trên bãi giữa.
3.3 Công viên trung tâm 33,5 ha
Khu vực bãi ven thuộc địa bàn phường Tứ Liên và Yên Phụ, quận Tây Hồ, có diện tích 33,5ha, có địa thế cao, địa hình bằng phẳng, tuy nhiên hiện tại đang sử dụng đất lộn xộn, nhiều khu vực khó quản lý, đổ rác, phế thải, gây ô nhiễm môi trường. Đề xuất thu hồi đất và chuyển đổi thành một công viên văn hóa nghệ thuật của Hà Nội, một nơi có diện tích không gian cây xanh lớn, nơi diễn ra các hoạt động văn hóa, sự kiện nghệ thuật, đồng thời cũng là nơi thư giãn, tập thể dục, đi bộ, đạp xe, uống café, gặp gỡ cuối tuần….
Về hạ tầng cảnh quan, đề xuất xây kè cứng dọc nhánh sông Hồng, đề ổn định kết cấu hạ tầng cho khu vực công viên, còn khu vực ngoài kè để dộ dốc tự nhiên và trồng các loại hoa theo mùa, cây ngập nước tạo nên hệ sinh thái tự nhiên, vừa có tác dụng giữ đất, vừa tạo cảnh quan môi trường.
Về giao thông nội bộ trong công viên 33,5ha, đề xuất xây dựng các đường dạo và đạp xe có chiều rộng từ 3-4,5m. Các con đường được bố trí liên tục, nối tiếp nhau đi dưới tán cây, và kết nối các điểm vui chơi, công trình trong công viên.
Về chức năng, bao gồm 3 khu vực chính:
- Khu vực không gian cây xanh, đề xuất trồng các loại cây cổ thụ, có bóng mát lớn, tạo ra các khu vực bóng râm lớn, đó là nơi diễn ra các hoạt động dưới tán cây như đi bộ, đạp xe, thể dục thể thao….việc trồng cây xanh lớn, vừa có tác dụng tạo bóng mát cho các hoạt động ngoài trời, vừa tiết kiệm và bền vững trong việc chăm sóc, vận hành sau này.
- Khu vực các bãi cỏ, xen kẽ giữa các không gian cây xanh là những bãi cỏ lớn, đó là những không gian trống để có thể tổ chức các hoạt động ngoài trời, đông người khi cần thiết, đồng thời cũng tạo ra những không gian đặc và rỗng trong cảnh quan.
- Khu vực bờ sông dọc công viên 33,5ha có chiều dài hơn 1km, đề xuất làm khu vực trồng hoa theo mùa và cảnh quan ngập nước. Đây cũng là trục cảnh quan chính của dự án, người dân có thể đi bộ, đạp xe dọc theo công viên theo các cốt địa hình khác nhau, có thể tiếp cận mặt nước, chèo thuyền ngắm cảnh dọc 2 bên bờ sông.
Về kiến trúc, đề xuất xây dựng một số công trình phục vụ các sự kiện, hoạt động văn hóa nghệ thuật, vui chơi, giải trí của người dân như nhà tiếp đón, hội trường, nhà triển lãm nghệ thuật, nhà hàng, café, hiệu sách, nhà vệ sinh, chòi nghỉ…. Các công trình được bố trí xen kẽ với cây xanh và khối tích không quá lớn, tối đa 300-500m2/ công trình.
3.4 Công viên Rừng 61,7ha
Khu vực bãi ven gầm cầu Chương Dương và cầu Long Biên có diện tích 29,7ha cộng với khu vực đảo có diện tích 32ha. Hiện tại đang có 02 công viên rừng là Công viên rừng Bờ Vở và Công viên rừng Phúc Tân, đề xuất giữ nguyên hiện trạng, làm khu vực bảo tồn thiên nhiên, các loài chim di cư và đa dạng sinh học ở đây. Trước mắt cần di chuyển các hộ dân ra khỏi khu vực này và dọn dẹp vệ sinh môi trường, trả lại cảnh quan tự nhiên vốn có. Đây là môi trường bảo tồn thiên nhiên và các loài chim hoang dã, do vậy đề xuất hạn chế các hoạt động của con người. chỉ dành cho các hoạt động nghiên cứu về môi trường, động thực vật.
4. Kết quả:
Nếu dự án được hình thành, sẽ bảo tồn và tạo ra gần 400ha cây xanh và cảnh quan tự nhiên. Trong đó có 296ha đất trồng cây nông nghiệp, 33,5ha công viên cây xanh và 61,7ha rừng tự nhiên, cùng hàng trăm hecta cảnh quan mặt nước. Bảo tồn được hệ sinh thái tự nhiên, nơi cư trú của các loài động thực vật hoang dã. Đáp ứng đáng kể sự thiếu hụt cây xanh và không gian vui chơi công sộng, nơi tổ chức các sự kiện văn hóa nghệ thuật cho người dân Thủ đô.
Dự án vừa cung cấp sản phẩm nông nghiệp, vừa giáo dục về văn hóa, nông nghiệp trải nghiệm, nghệ thuật cho trẻ em và các thế hệ người dân Thủ đô sau này. Đồng thời cũng làm thay đổi được bộ mặt Thủ đô khi tiếp cận từ các cây cầu chính như Tứ Liên, Long Biên, Chương Dương…. Công viên được xây dựng cũng làm thay đổi tình trạng dân cư và các hoạt động thương mại dịch vụ xung quanh dự án. Hà Nội sẽ có thêm một địa điểm văn hóa, ẩm thực mới ngoài khu vực Bờ hồ Hoàn Kiếm và Hồ Tây.
HGAA
- Vì sao Marina Central Tower sẽ trở thành biểu tượng mới của TPHCM?
- Archetype Group công bố hoàn tất dự án e.town 6 - Bước chuyển mình trong lĩnh vực thiết kế văn phòng bền vững tại Việt Nam
- Gamuda sở hữu quỹ đất chiến lược phát triển bất động sản thấp tầng tại TPHCM
- Dự án cầu đường Nguyễn Khoái nối hai quận 4, 7 với quận 1 (TPHCM)
- Các dự án giao thông cửa ngõ TPHCM đang được triển khai ra sao?