Hà Nội hiện có hàng trăm công trình nhà tập thể, chung cư cũ đã rơi vào tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Thời gian qua, riêng tại địa bàn Thủ đô Hà Nội đã có gần 20 doanh nghiệp được UBND thành phố cho phép lập đề án quy hoạch và phương án thiết kế cải tạo và xây dựng lại nhà tập thể, chung cư cũ.
Mới đây, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Xây dựng về kết quả phối hợp công tác giữa Bộ Xây dựng và UBND Thành phố Hà Nội; các cơ chế, chính sách và vấn đề lớn trong lĩnh vực quy hoạch, xây dựng, quản lý, phát triển đô thị của Thành phố Hà Nội.
Tuy nhiên, quá triển khai thực hiện đang gặp nhiều khó khăn, do hầu hết các phương án thiết kế từ doanh nghiệp đều liên quan đến việc nâng chiều cao xây dựng. Vấn đề này bị hạn chế bởi Luật Quy hoạch, Luật Thủ đô...
Nhiều khu nhà chung cư, tập thể cũ nằm ở vị trí đất vàng, nên chủ sở hữu thường không thống nhất với mức bồi thường giải phóng mặt bằng, trong khi đó Luật Nhà ở có quy định dự án muốn triển khai cần phải có sự đồng thuận của 100% chủ sở hữu, đã dẫn đến việc dự án đã được chấp thuận đầu tư nhưng hàng chục năm không thể triển khai.
Bên cạnh đó, hầu hết các căn hộ tập thể, chung cư cũ trong quá trình sử dụng đều bị người dân cơi nới, khiến việc xác định diện tích bồi thường gặp khó khăn. Nhiều căn hộ chung cư đã hết hạn sử dụng, nhưng người dân vẫn đòi hệ số bồi thường lên tới 1,5 - 2 lần. Ngoài ra, nhiều khu nhà chung cư, tập thể cũ nằm xen kẽ với khu dân cư, việc thực hiện phương án cải tạo, xây dựng mới phải tiến hành bồi thường giải phóng mặt bằng cũng là vấn đề khiến cả cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp tham gia đầu tư gặp nhiều khó khăn. UBND Thành phố Hà Nội đã giao các nhà đầu tư tự bỏ kinh phí, triển khai lập nghiên cứu, lập ý tưởng quy hoạch cải tạo, xây dựng lại 30 khu chung cư cũ trên địa bàn thành phố.
Thành phố đã phê duyệt khoảng 216 đồ án quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị riêng với tổng diện tích khoảng trên 14.116ha. Đầu năm 2020, đã banh hành 1 quy chế quản lí quy hoạch kiến trúc quận. Tiếp tục chỉ đạo các đơn vị triển khai lập quy hoạch 30 khu chung cư cũ; Lập quy hoạch chi tiết 5 khu nhà ở xã hội tập trung với tổng diện tích 272,45ha và dự kiến cung cấp thêm 1,2triệu m2 sàn nhà ở khi hoàn thành.
Thời gian qua, Thành phố Hà Nội đã đẩy mạnh phát triển vùng đô thị mở rộng lên phía Bắc tại khu vực hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài với một số dự án đang triển khai. Đến nay, đã có trên 1.000 tòa nhà chung cư cao tầng đã hoàn thành, đưa vào sử dụng và nâng diện tích nhà ở bình quân đến hết năm 2019 đạt 27,09m2/người; dự kiến hết năm 2020 đạt 27,25m2/người (vượt chỉ tiêu chương trình phát triển nhà ở được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt).
Hà Nội đã hoàn thiện Đề án cải tạo xây dựng mới các chung cư cũ báo cáo Bộ Xây dựng theo quy định Nghị định số 101/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Tổ chức thực hiện kiểm định 33 công trình nhà chung cư cũ; chỉ đạo rà soát, lập danh mục kiểm định các nhà chung cư cũ giai đoạn 2020-2022 (dự kiến 177 công trình).
Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, từ khi mở rộng địa giới hành chính, Thủ đô Hà Nội đã trở thành đô thị đứng thứ 30 trong số 40 đô thị đông dân nhất thế giới. Những vấn đề về phát triển hạ tầng đô thị tạo ra thách thức lớn đối với chính quyền thành phố. Trên cơ sở đó, Bộ Xây dựng đưa ra một số góp ý liên quan đến công tác quản lý xây dựng.
Với tốc độ dân số tăng nhanh hiện nay thì thời gian qua chỉ số phát triển nhà ở của Hà Nội cũng cao nhất cả nước. Tuy nhiên, trên địa bàn Thủ đô vẫn còn người có nhà nhưng bán kiên cố mặc dù tỷ lệ này cũng thấp nhất cả nước. Trong nhiệm kỳ tới thì Hà Nội cần xóa sạch nhà ở đơn sơ, bán kiên cố. Đối với nhà tập thể, chung cư cũ, Hà Nội đang có 1.579 khu nhà chung cư cũ, đã có một số nhà đầu tư vào tham gia đầu tư nhưng vấn đề vướng mắc duy nhất là Luật và Thông tư, Nghị định. Về vấn đề này, Bộ Xây dựng đề nghị, vướng về Thông tư, Nghị định thì đề xuất sửa đổi và những vướng mắc về Luật thì xin cơ chế đặc thù để thí điểm.
Đối với đề xuất những vấn đề phối hợp giữa Bộ Xây dựng và Thành phố Hà Nội trong thời gian tới, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho rằng, trong thời gian qua việc phối hợp giữa hai cơ quan có nhiều kết quả tích cực nhưng vẫn còn một số vấn đề chưa được giải quyết hiệu quả, chưa kịp thời. Vì vậy, việc phối hợp trong thời gian tới sẽ thực hiện theo 3 hướng đó là: Tập trung giải quyết những vấn đề lớn; Tăng cường phân cấp, ủy quyền tối đa cho Hà Nội trong việc thực hiện thẩm quyền giải quyết thủ tục xây dựng; Đơn giản hóa và giảm thời gian giải quyết các thủ tục hành chính. Bộ Xây dựng cam kết sẽ giảm 50% thời gian giải quyết công việc theo quy định khi có những đề xuất, kiến nghị của Hà Nội đối với Bộ Xây dựng.
Sơn Nam
(Báo Xây dựng)
- Hà Nội sẽ có bao nhiêu tuyến đường sắt đô thị đến năm 2030?
- Phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Nam Định
- Thiếu nước về ĐBSCL, Chính phủ cảnh báo hạn ngay mùa lũ
- Bổ sung 63 quy hoạch được tích hợp vào quy hoạch cấp quốc gia, vùng, tỉnh
- Cầu đi bộ bắc qua sông Sài Gòn có hình lá dừa nước
- TPHCM: Đề xuất thu hồi, trưng mua biệt thự cũ của tư nhân để bảo tồn
- Thẩm định Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
- Hướng dẫn thực hiện ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
- 15 đề xuất nhằm tăng cường quản lý, phát triển đô thị giữa UBND TP Hà Nội và Bộ Xây dựng
- Việt Nam và Đan Mạch hợp tác thúc đẩy các nỗ lực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả