Từ năm 2012 đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã huy động, thu hút hơn 60 nghìn tỷ đồng để đầu tư hạ tầng, các công trình động lực nhằm phát triển Khu Kinh tế Vân Đồn trở thành khu kinh tế đa ngành, đa lĩnh vực.
Khu Kinh tế Vân Đồn đã được Thủ tướng Chính phủ thành lập tại Quyết định số 120/2007/QĐ-TTg ngày 26/7/2007 và được phê duyệt quy hoạch chung đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 vào tháng 8/2009.
Đảo Cái Bầu - đảo trung tâm của huyện Vân Đồn. (Ảnh: Báo Quảng Ninh)
Tháng 2/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Vân Đồn đến năm 2040. Điều chỉnh quy hoạch mới này có nhiều điểm mới so với quy hoạch đã được phê duyệt năm 2009. Đó là cập nhật các dự án động lực gồm: sân bay, đường cao tốc; quy mô dân số có sự thay đổi với giai đoạn năm 2030 là 140.000 - 200.000 người, giai đoạn năm 2040 là 300.000 - 500.000 người.
Quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Vân Đồn đến năm 2040 theo hướng chất lượng cao, đảm bảo sự tiếp cận thuận lợi của người dân, du khách và lao động tại khu kinh tế, phù hợp với đặc điểm biển đảo của huyện Vân Đồn.
Việc điều chỉnh đáp ứng yêu cầu phát triển Vân Đồn trở thành trung tâm du lịch sinh thái biển - đảo chất lượng cao, trung tâm hàng không quốc tế, trung tâm dịch vụ cao cấp và là đầu mối giao thương quốc tế.
Để hiện thực hóa mục tiêu trên, Quảng Ninh tỉnh đã huy động, thu hút trên 60.000 tỷ đồng để đầu tư kết cấu hạ tầng, các công trình động lực phục vụ phát triển Khu Kinh tế Vân Đồn; trong đó, vốn ngân sách chiếm 30%, vốn ngoài ngân sách chiếm 70% - chủ yếu bằng hình thức đầu tư công - tư (PPP).
Các công trình trọng điểm nổi bật đã hình thành như Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, các tuyến đường trục chính đấu nối khu chức năng, hạ tầng cảng biển, đưa điện ra các xã đảo... Các dự án đã tạo ra diện mạo mới, hiện đại, đồng bộ cho Vân Đồn phát triển các loại hình dịch vụ - du lịch.
Quảng Ninh đang tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công đối với những dự án có tầm nhìn chiến lược, có trọng tâm trọng điểm, tạo sức bật cho các dự án khác, như cao tốc Vân Đồn - Móng Cái; đường trục chính khu đô thị Cái Rồng; đường nối sân bay với khu phức hợp nghỉ dưỡng Vân Đồn... Đây đều là những công trình mang tính chất động lực, giải pháp trọng tâm để phát triển Khu Kinh tế Vân Đồn, thu hút các nhà đầu tư chiến lược.
Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái với tổng vốn đầu tư hơn 11 nghìn tỷ đồng, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2021, đưa Vân Đồn trở thành trung tâm kết nối tuyến hành lang đường cao tốc Việt Nam, ASEAN với Trung Quốc.
Đường giao thông trục chính đấu nối các khu chức năng Khu hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn giai đoạn I có tổng mức đầu tư gần 690 tỷ đồng, sẽ góp phần hoàn thiện, kéo dài tuyến đường ven biển Việt Nam theo quy hoạch của Chính phủ.
Huyện Vân Đồn đang thực hiện rà soát, điều chỉnh, bổ sung, lập các quy hoạch chi tiết, quy hoạch phân khu chức năng chính đối với khu vực Cái Rồng, khu vực sân bay và khu vực Bắc Cái Bầu. Đây là 3 phân khu quan trọng tại Khu Kinh tế Vân Đồn, tích hợp đầy đủ các tiềm năng, lợi thế để thu hút các nhà đầu tư.
Về hạ tầng giao thông đối ngoại, sẽ đảm bảo hành lang an toàn, dự trữ rộng cho cao tốc Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái, bổ sung kết nối Quốc lộ 4B từ Tiên Yên vào tỉnh lộ 334, bố trí bến xe phục vụ cho giao thông đối ngoại tại khu vực sân bay. Cùng đó, dự trữ quỹ đất để mở rộng sân bay Vân Đồn trong tương lai; phát triển cụm cảng biển Vạn Hoa - Bắc Cái Bầu - Mũi Chùa đáp ứng tàu trọng tải 10.000 tấn; cảng Bắc Cái Bầu sẽ ưu tiên phục vụ tàu du lịch cao cấp...
Song song với các tuyến đường kết nối khu đô thị, đường ven biển sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng đường kết nối với thành phố Cẩm Phả và các đường kết nối trực tiếp các khu chức năng, đáp ứng tiêu chuẩn đô thị loại 2.
Trước đó, Quảng Ninh đã sớm hoàn thành và đưa vào khai tác các dự án trọng điểm để đưa Khu Kinh tế Vân Đồn phát triển. Đó là dự án Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn với tổng vốn đầu tư 7.463 tỷ đồng do Tập đoàn Sun Group làm chủ đầu tư, được khởi công từ năm 2015 tại xã Đoàn Kết, huyện Vân Đồn và đi vào khai thác cuối năm 2108.
Tiếp đến là đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn với tổng vốn khoảng 12 nghìn tỷ đồng được thực hiện theo hình thức BOT, do Công ty cổ phần Biên Cương làm chủ đầu tư. Dự án hoàn thành kết nối đồng bộ tuyến cao tốc Hải Phòng - Hà Nội và Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn khai thác thương mại sẽ là đòn bẩy thu hút du khách quốc tế sang trọng, mở ra nhiều hướng mới cho du lịch Quảng Ninh.
Ông Nguyễn Chí Thành, Chủ tịch Sun Group vùng Đông Bắc (Tập đoàn Sun Group) đánh giá cao việc Quảng Ninh sớm đã xác định việc xây dựng và củng cố hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch là khâu đột phá và trở thành nền tảng tiền đề vững chắc thu hút mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư. Do vậy, nhiều năm qua, Quảng Ninh đã quyết liệt dồn sức đầu tư hạ tầng, xem đây là đòn bẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Theo ông Thành, nhờ khơi thông được nguồn vốn đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân, chỉ trong thời gian ngắn, Khu Kinh tế Vân Đồn đã kiến tạo được một hệ thống hạ tầng giao thông bài bản, quy mô, hiện đại thu hút đông đảo các nhà đầu tư; trong đó có Tập đoàn Sun Group.
Đến nay, Khu Kinh tế Vân Đồn có tổng số 146 dự án nghiên cứu, đầu tư; trong đó, có 38 dự án đã cơ bản hoàn thành; 27 dự án đã giao đất đang triển khai đầu tư; 53 dự án chưa giao đất và 28 dự án đã được thu hồi. Đáng chú ý, hầu hết các dự án lớn đang triển khai tại Vân Đồn đều thuộc về các nhà đầu tư trong nước.
Hiện nhiều dự án đô thị mới tại Vân Đồn đang được triển khai, gấp rút hoàn thành như Dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng khu đô thị mới Đông Xá; Dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng khu dân cư thị trấn Cái Rồng; Dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu dân cư đô thị Ocean Park; Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu du lịch sinh thái Đài Sơn…
Văn Đức
(TTXVN)
- Tín hiệu tích cực từ khung pháp lý cho chương trình chống ngập đô thị
- Vietnam Smart City Award 2020: 7 giải pháp được xếp hạng 5 sao về thành phố thông minh
- Đề xuất thi tuyển quốc tế ý tưởng quy hoạch không gian ngầm Thành phố Hồ Chí Minh
- Dự án điện gió 11,9 tỉ đô la tại Bình Thuận chờ bổ sung vào quy hoạch
- Chuyển đổi mô hình khu công nghiệp truyền thống sang khu công nghiệp sinh thái
- TPHCM: Hai đoạn Vành đai 3 hơn 9.000 tỷ đồng khởi công năm 2021
- Dự án tuyến buýt nhanh BRT đầu tiên của TPHCM trễ hẹn đến 2023
- Chính phủ phê duyệt dự án sân bay Long Thành
- Doanh nghiệp chế biến gỗ "nói không" với gỗ bất hợp pháp
- Đề xuất công nhận Thành phố Thủ Đức là đô thị loại 1