Chùa Quỳnh Lâm (xã Tràng An, thị xã Đông Triều) được xây dựng vào thời Lý (1057). Chùa tọa lạc trên núi Tiên Du, thuộc dãy Yên Tử, phía trước chùa có ao lớn, sau chùa có dòng nước uốn quanh, xa xa là các ngọn núi. Tương truyền, tại đây thiền sư Không Lộ thời nhà Lý đã cho đúc một pho tượng Di Lặc bằng đồng cao khoảng 20 m, từng được xem là một trong "An Nam tứ đại khí".
Dưới triều nhà Trần, khi đức vua Trần Nhân Tông xuất gia tu hành tại Yên Tử, chùa cũng là nơi ông thường lui tới. Chùa được sử sách nhắc tới với tư cách là trung tâm đào tạo lớn của Thiền phái Trúc Lâm dưới thời thiền sư Pháp Loa, đệ nhị tổ của Thiền phái Trúc Lâm khi ông cho mở mang và xây dựng chùa thành một tự viện. Quỳnh Lâm trở thành trung tâm Phật giáo lớn và là nơi tổ chức các sự kiện Phật giáo lớn của Đại Việt đầu thế kỷ XIV.
Tòa thượng điện sau khi phục dựng. (Ảnh: Ngân Dương)
Trải qua các biến cố lịch sử và chiến tranh, chùa không giữ được vẻ nguy nga như trước. Song, các di vật cổ và dấu vết kiến trúc được phát hiện qua các cuộc khảo cổ học cho thấy phần nào sự bề thế của công trình văn hóa kiến trúc thời Trần và thời Lê Trung Hưng - thời kỳ chùa được trùng tu quy mô lớn. Ngày nay, trong khuôn viên chùa chỉ còn lại một số công trình cổ như tháp mộ, bia đá, các thành bậc rồng bằng đá xanh, hàng trăm tảng đá kê chân cột, bệ đá chạm cánh sen, đầu rồng bằng đất nung, chuông đồng...
Bệ đá chạm cánh sen kê cột thời Lê Trung Hưng thế kỷ 17 - 18. (Ảnh: Ngân Dương)
Chùa hiện nằm trong Quần thể Di tích Quốc gia đặc biệt nhà Trần tại Đông Triều. Bắt đầu từ năm 2016, chùa được trùng tu và tôn tạo từ nguồn vốn xã hội hóa với kinh phí hơn 163,5 tỷ đồng, gồm tôn tạo điện thờ Phật, nhà thờ Trúc Lâm Tam Tổ, cổng Tam quan, vườn tháp Tổ và các công trình phụ cận theo kiến trúc truyền thống.
Kiến trúc trung tâm được đặt đúng vị trí các dấu vết kiến trúc thời Lê đã phát lộ. Các hố khảo cổ được bảo quản bằng phương pháp lấp cát. Chùa xây dựng mới theo dấu vết kiến trúc thời Lê, hình thức kiến trúc mang phong cách kiến trúc gỗ truyền thống. Trang trí bằng đất nung theo các mẫu gốc thời Trần, Lê trên các bờ mái, lan can, thềm... Vật liệu chính sử dụng cho công trình là các vật liệu truyền thống như gỗ, gạch, đá.
Ngoài ra, một pho tượng Phật ngọc cũng mới được an vị tại toà thượng điện. Pho tượng Phật Thích Ca theo nguyên mẫu tượng Phật Thích Ca tại Bồ đề Đạo tràng (Ấn Độ) nặng 3,8 tấn cao 2,2 m có nguồn gốc từ Canada, trị giá khoảng 20 tỷ đồng.
Pho tượng Phật ngọc tại tòa thượng điện. (Ảnh: Ngân Dương)
Đến nay, chùa đã hoàn thành giai đoạn 1 của dự án, du khách có thể tham quan các công trình gồm tòa thượng điện, cổng Tam quan, sân gạch, vườn hoa, cây cảnh, bảo tháp. Ngày 12/12, Ủy ban nhân dân thị xã Đông Triều và Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh tổ chức lễ khánh thành Dự án bảo tồn, tu bổ và tôn tạo di tích chùa Quỳnh Lâm.
Ngân Dương
(VnExpress)
- Quảng Trị: Phát triển năng lượng bền vững
- Bình Thuận: Phát triển đô thị thành phố Phan Thiết tổng thể, toàn diện đến năm 2040
- Thủ tướng ra công điện "thúc" tiến độ dự án cao tốc Bắc - Nam
- Ashui Awards 2020 công bố các đề cử chính thức
- Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu thông tin "bê tông hóa" các điểm du lịch
- S/S Interior, nhà nhập khẩu và phân phối các thương hiệu nội thất nổi tiếng thế giới ưu đãi đặc biệt nhân dịp khai trương
- Sân bay thứ hai của Hà Nội được đưa vào quy hoạch
- Hà Nội: Chạy thử toàn hệ thống đường sắt Cát Linh - Hà Đông
- Vĩnh Long được tài trợ hơn 4.700 tỉ đồng để ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu
- Thường vụ Quốc hội đồng ý việc thành lập thành phố Thủ Đức