Ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên–Huế vừa ký Quyết định phê duyệt kết quả thi tuyển phương án thiết kế kiến trúc công trình cầu vượt sông Hương, trên đường Nguyễn Hoàng, thành phố Huế (bước 2).
Theo đó, phương án đạt giải Nhất, có mã số dự thi I156 của Liên danh Công ty TNHH WSP Phần Lan và Công ty Cổ phần Tư vấn Kỹ thuật E&R. Phương án đạt giải Nhì, có mã số dự thi D781 của Công ty Cổ phần Kiến trúc Lập Phương – CUBIC Architects. Phương án có mã số dự thi V126 của Trung tâm nghiên cứu Ứng dụng và Thực nghiệm Kiến trúc và Xây dựng – trường Đại học Kiến trúc, Thành phố Hồ Chí Minh được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên–Huế.
Phương án thiết kế kiến trúc cầu vượt sông Hương, có mã số dự thi I156 đạt giải Nhất.
Theo Quyết định, Sở Xây dựng Thừa Thiên – Huế là cơ quan thường trực Hội đồng thi tuyển có trách nhiệm công bố kết quả thi tuyển phương án thiết kế kiến trúc công trình cầu vượt sông Hương trên đường Nguyễn Hoàng (thành phố Huế) theo Quyết định số 946/QĐ-UBND ngày 16/4/2019 của UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế về việc phê duyệt kế hoạch tổ chức thi tuyển phương án thiết kế kiến trúc công trình Cầu vượt sông Hương trên đường Nguyễn Hoàng (thành phố Huế).
Yêu cầu các đơn vị theo danh sách nêu trên hoàn thiện phương án thiết kế (tiếp thu các ý kiến của các thành viên Hội đồng góp ý lần 2) theo đúng thành phần, quy cách hồ sơ đã quy định tại Quyết định số 1219/QĐ-UBND ngày 20/5/2019 của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế về việc phê duyệt nhiệm vụ thiết kế và quy chế tham gia thi tuyển phương án thiết kế kiến trúc công trình cầu vượt sông Hương, trên đường Nguyễn Hoàng (thành phố Huế) gửi Sở Xây dựng để tổ chức công bố kết quả thi tuyển theo đúng quy định.
Trước đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế về việc thống nhất công bố, lấy ý kiến cộng đồng phương án thiết kế kiến trúc công trình cầu vượt sông Hương; Sở Xây dựng đã tổ chức công bố, lấy ý kiến cộng đồng về 3 phương án thiết kế đã được Hội đồng thi tuyển chọn vào bước 2 và thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thời gian tổ chức lấy ý kiến từ ngày 19/12/2019 đến ngày 27/12/2019. Kết quả tham gia bình chọn đã nhận được hơn 49.000 lượt bình chọn.
Nhằm có cơ sở triển khai bước tiếp theo, đồng thời thông báo cho đơn vị tư vấn tiếp tục hoàn chỉnh phương án thiết kế để báo cáo, thuyết trình tại buổi chấm thi bước 2, Sở Xây dựng đã tổng hợp các ý kiến góp ý của các tổ chức, cá nhân và báo cáo UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng thi tuyển...
Theo đó, phương án có mã số dự thi V126 của Trung tâm nghiên cứu ứng dụng, thực nghiệm kiến trúc và xây dựng - trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh có số phiếu bình chọn cao nhất với 23.615 phiếu (chiếm tỷ lệ 48%). Phương án có mã số dự thi D781 của Công ty Cổ phần Kiến trúc Lập Phương - CUBIC Architects, có số phiếu bình chọn là 20.102 phiếu (chiếm tỷ lệ 41%). Phương án có mã số dự thi I156 (phương án 2) của Liên danh Công ty TNHH WSP Phần Lan và Công ty Cổ phần Tư vấn kỹ thuật E&R, có số phiếu bình chọn là 5.455 phiếu (chiếm tỷ lệ 11%).
Theo nhận định của Hội đồng thi tuyển về 3 phương án được lựa chọn, phương án D781 có ưu điểm về ý tưởng, khai thác cảnh quan, giao thông được tổ chức tốt. Có so sánh hình thức kiến trúc của các cầu Trường Tiền, cầu Phú Xuân, cầu Dã Viên để đề xuất hình thức kiến trúc, giải quyết tốt giao thông ở hai đầu cầu. Phương án nghiên cứu chiếu sáng ấn tượng.
Tuy nhiên, nhược điểm của phương án này là hình thức kiến trúc công trình thấp, nhìn từ xa không tạo được điểm nhấn về cả ban ngày và ban đêm. Đưa không gian nghỉ ngơi giải trí cho người đi bộ trên cầu, tạo cảm giác không an toàn cho người đi bộ và vui chơi giải trí trên cầu. Hội đồng tuyển chọn kiến nghị, nếu được chọn, nên bỏ phần đi bộ và vui chơi cho người đi bộ trên cầu. Nên nâng cao tầm nhìn cho kiến trúc cầu.
Phương án V126 tạo được điểm nhấn tốt ở vị trí cầu và tạo được điểm nhấn trên không gian sông Hương. Nghiên cứu kỹ chiếu sáng ban đêm là công trình nổi bật trên sông Hương cả ban ngày và ban đêm. Tạo hình như “cổng trời” nhìn về hướng Tây thành phố.
Tuy nhiên, nhược điểm của phương án này là không gian vui chơi giải trí cho người đi bộ ở giữa và thấp xuống hơn đường ôtô sẽ rất ồn và bụi, không tốt cho sinh hoạt của người dân. Kiến trúc vòm cổng trời rất ấn tượng nhưng lại khá nặng nề, hai vòm lại hợp với nhau ở đỉnh cầu (không song song) nên hình đáy càng nặng hơn và thiếu sự tinh tế và nhẹ nhàng thơ mộng của kiến trúc cầu qua sông Hương. Nếu được chọn, nên bỏ phần vui chơi cho người đi bộ ở giữa và nghiên cứu tốt hơn kiến trúc cầu để kiến trúc được thanh thoát và hợp lý.
Phối cảnh phương án cầu vòm I156 nhìn từ đường dẫn lên cầu.
Phương án I156, có ý tưởng tốt và chọn lọc trong thiết kế. Là cầu vòm dễ trở thành biểu tượng của danh lam thắng cảnh cho Huể cả ban ngày và đặc biệt vào ban đêm. Hình thức kiến trúc đơn giản, đẹp phù hợp với kỹ thuật nhưng lại truyền tải được nghệ thuật kiến trúc cầu qua sông (vòm 1 nhịp) nên dễ gây được sự chú ý, hài hòa với giao thông cầu qua sông và có kiến trúc vòm parabol làm điểm nhấn phía Tây thành phố Huế.
Dáng cầu thanh tao, hơi cong lên ở giữa và được thiết kế như sóng sông Hương. Phương án không có nơi vui chơi cho người dân, chỉ dùng riêng cho làn đường đi bộ hai bên là thích hợp và đủ để người dân đi bộ trên cầu ngắm cảnh. Hình dáng cầu hiện đại nhưng mềm mại và ấn tượng, đặc biệt là chiếu sáng về ban đêm.
Nhược điểm là đảo giao thông hai đầu cầu cần được nghiên cứu sâu hơn. Kiến nghị, phương án nếu được chọn, cần xem lại giao thông hai đầu cầu và nghiên cứu sâu hơn các chi tiết của ống bảo vệ cáp treo để tạo ấn tượng.
Trước đó, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tổ chức hai cuộc thi tuyển chọn phương án kiến trúc công trình cầu vượt sông Hương, đường Nguyễn Hoàng (thành phố Huế). Cuộc thi nhằm chọn ra phương án kiến trúc phù hợp để xây dựng công trình giao thông trọng điểm trên tuyến đường vành đai III và cũng là công trình mang tính biểu tượng cho tỉnh Thừa Thiên - Huế. Tuy nhiên, qua hai cuộc thi vẫn chưa chọn ra phương án nào phù hợp để lập dự án đầu tư.
Công trình cầu vượt Sông Hương được xây dựng tại vị trí đường Nguyễn Hoàng và Nguyễn Phúc Nguyên qua đường Bùi Thị Xuân (thành phố Huế). Công trình có chiều dài dự kiến 385m, chiều rộng 40,5m với 6 làn xe. Tải trọng thiết kế cầu HL93; khổ thông thuyền theo tĩnh không thông thuyền của cầu Dã Viên là +4,75m; khổ thông thuyền có thể thay đổi theo phương án kiến trúc dự tuyển. |
Trí Đức
(Báo Xây dựng)
- Ngành Xây dựng sẽ sớm hoàn thành các quy hoạch ngành quốc gia
- Bình Định: Phê duyệt quy hoạch khu du lịch Hòn Đất
- Chuyển điểm lấy nước thô để tránh ô nhiễm trên sông Sài Gòn
- Đà Nẵng: Quy định về phát triển điện mặt trời trên mái nhà
- [Infographics] Thừa Thiên-Huế: Ngọ Môn đón khách sau 8 năm trùng tu
- Đưa hầm Hải Vân 2 và ba công trình giao thông vào khai thác trước Tết
- Phú Quốc thành thành phố
- Đà Lạt bắt đầu số hóa quy hoạch đô thị
- Khởi công giai đoạn 1 dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành
- Đề nghị Hà Nội, TP HCM thu hồi xe cũ nát