Sau 6 năm Hà Nội thực hiện lộ trình di dời các nhà máy, xí nghiệp sản xuất, trường đại học, bệnh viện từ khu vực nội thành ra ngoại thành, đến nay việc tổ chức thực hiện vẫn còn chậm. Trả lời kiến nghị của cử tri, Bộ Xây dựng cho biết hiện Hà Nội chưa di dời được các nhà máy, xí nghiệp sản xuất ra ngoại thành được do sự phối hợp thực hiện của các cơ quan có liên quan chưa cao.
Sau khi cử tri thành phố Hà Nội gửi kiến nghị về nội dung nêu trên tới Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chuyển kiến nghị này đến Bộ Xây dựng giải đáp.
Công ty cổ phần Xây lắp và Cơ khí Cầu đường (Đống Đa, Hà Nội) thuộc diện di dời ra khỏi nội đô. (Ảnh minh họa: TTXVN)
Theo đó cử tri tiếp tục đề nghị di dời các nhà máy, xí nghiệp sản xuất, trường đại học, bệnh viện từ khu vực nội thành Hà Nội ra ngoại thành để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông trong khu vực nội đô.
Về vấn đề này, Bộ Xây dựng đã trả lời như sau: ngày 23/1/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 130/QĐ-TTg về biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị trong nội thành Hà Nội.
Theo đó, các cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp trong danh mục cần phải di dời ra ngoài nội thành với lộ trình và biện pháp di dời cụ thể được xác định phù hợp với điều kiện, địa điểm cụ thể và đặc điểm của từng cơ sở cần phải di dời, đảm bảo tính khả thi.
UBND thành phố Hà Nội chủ trì thực hiện lập danh mục, xác định các tiêu chí, lộ trình và biện pháp di dời cụ thể đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp. Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì thực hiện đối với các cơ sở giáo dục đào tạo. Bộ Y tế chủ trì thực hiện đối với các cơ sở y tế cần phải di dời ra ngoài khu vực nội thành Hà Nội, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Về tình hình triển khai công tác di dời cơ sở sản xuất công nghiệp tại thành phố Hà Nội, Bộ Xây dựng cho biết Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã thành lập ban chỉ đạo công tác di dời. Xây dựng danh mục công trình cần di dời cụ thể, đề xuất nguyên tắc phân nhóm tiêu chí, thứ tự di dời theo các giai đoạn trên địa bàn 12 quận nội thành, xác định lộ trình và tổ chức thực hiện.
Đối với công tác di dời cơ sở y tế và giáo dục đào tạo, thực hiện quy định của Luật Quy hoạch năm 2017, Bộ Y tế đang triển khai lập quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 648/QĐ-TTg ngày 18/05/2020.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang triển khai lập Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 209/QĐ-TTg ngày 17/02/2021, làm cơ sở triển khai thực hiện các bước tiếp theo theo quy hoạch được duyệt.
Bộ Xây dựng cũng cho rằng việc di dời các nhà máy, xí nghiệp sản xuất, trường đại học, bệnh viện từ khu vực nội thành ra ngoài ngoại thành để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông trong khu vực nội đô thành phố Hà Nội là rất cần thiết.
Tuy nhiên, Bộ Xây dựng cũng cho biết việc tổ chức triển khai từ khâu lập quy hoạch, đề án di dời cho đến tổ chức thực hiện còn chậm do nhiều nguyên nhân như: có sự thay đổi về chủ trương, chính sách pháp luật liên quan ảnh hưởng tới tiến độ lập quy hoạch, đề án di dời. Quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn trong huy động nguồn lực, bố trí nguồn vốn thực hiện trong khi công tác di dời đỏi hòi nhu cầu vốn ngân sách rất lớn. Sự chủ động, phối hợp thực hiện của các cơ quan có liên quan chưa cao…
Từ thực tế nêu trên, đại diện Bộ Xây dựng cho rằng để thực hiện tốt nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao từ 6 năm trước, các bộ, ngành, địa phương có liên quan cần thúc đẩy tiến độ lập các quy hoạch ngành, xác định danh mục cơ sở cần phải di dời, lộ trình và biện pháp thực hiện; đề xuất các cơ chế chính sách hỗ trợ cần thiết.
Về phần mình, Bộ Xây dựng sẽ tập trung hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng để tạo hành lang pháp lý trong công tác quản lý, triển khai thực hiện theo quy hoạch, đáp ứng yêu cầu thực tế; tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, Ủy ban Nhân dân các tỉnh trong vùng Thủ đô trong quá trình thực hiện.
Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng sẽ phối hợp với địa phương tổ chức thực hiện Quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm phân bổ nguồn lực đầu tư phát triển có hiệu quả; tạo sự liên kết không gian vùng, tạo động lực, sức hấp dẫn cho các đô thị vệ tinh, khai thác tiềm năng đô thị trung tâm nhằm giảm áp lực gia tăng dân số cơ học vào đô thị lớn...
Vân Ly
(KTSG Online)
- Dự kiến trình Bộ Chính trị Đề án về phát triển kinh tế đô thị vào tháng 7 tới
- Đề xuất chính sách mới xây dựng cụm, tuyến dân cư, nhà ở vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long
- Tạo động lực vùng “bát giác kim cương”, sớm thống nhất hướng tuyến cao tốc TP.HCM
- Thành lập Khu công nghệ thông tin tập trung thành phố Cần Thơ
- TPHCM chấm dứt khai thác nước ngầm, đưa 100% nước sạch đến với người dân
- Huế dùng 1.500 tỉ vốn kết dư để cải thiện hạ tầng đô thị
- Hội thảo tham vấn lần 1 Xây dựng Hướng dẫn thiết kế hạ tầng dành cho xe đạp trong đô thị
- Thừa Thiên – Huế: Công bố kết quả thi tuyển phương án thiết kế kiến trúc cầu vượt sông Hương
- 6 địa phương sắp bị kiểm tra về quản lý và phát triển nhà ở
- Cuộc thi và triển lãm ảnh Di sản văn hóa toàn quốc lần thứ nhất