Ashui.com

Wednesday
Dec 11th
Home Tin tức Việt Nam Việt Nam sẽ có khu công nghiệp, đô thị không phát thải

Việt Nam sẽ có khu công nghiệp, đô thị không phát thải

Viết email In

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết sẽ quy hoạch các đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất theo mô hình tuần hoàn, không phát thải chất thải, khí thải.

Tại “Hội nghị khởi động xây dựng kế hoạch quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn” ngày 28/6, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhấn mạnh kinh tế tuần hoàn là giải pháp để phát triển bền vững cùng kinh tế xanh, kinh tế carbon thấp.

"So với mô hình kinh tế tuyến tính truyền thống, việc thúc đẩy các hành động theo mô hình kinh tế tuần hoàn góp phần thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 sẽ mang lại nhiều lợi ích cho quốc gia và doanh nghiệp", ông Hà nói thêm.


Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu khai mạc hội nghị.
(Ảnh: MONRE)

Sẽ có quy định về trách nhiệm sản xuất

Cụ thể, kinh tế tuần hoàn giúp tận dụng được nguồn nguyên vật liệu đã qua sử dụng thay vì tiêu tốn chi phí xử lý; giảm thiểu khai thác, tận dụng tối đa tài nguyên thiên nhiên; hạn chế chất thải, khí thải ra môi trường.

Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ thúc đẩy kiến tạo thể chế, cụ thể hóa các quy định trong Luật Bảo vệ môi trường, nhất là những quy định về trách nhiệm của nhà sản xuất, nhà phân phối trong việc thu hồi, phân loại, tái chế hoặc chi trả chi phí xử lý các sản phẩm thải bỏ dựa trên số lượng sản phẩm bán ra trên thị trường.

Trong tương lai sẽ ban hành các cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ thúc đẩy công nghiệp môi trường, trong đó, có công nghiệp tái chế; ban hành các tiêu chí về mua sắm công xanh, sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc vật liệu tái chế…

Việt Nam sẽ đưa ra lộ trình thay thế các nhiên liệu, sản phẩm sử dụng nguyên liệu nguy hại, sản phẩm sử dụng một lần (đồ nhựa, túi nylon) bằng các nhiên liệu, nguyên liệu thân thiện với môi trường, sản phẩm sử dụng nhiều lần, kéo dài thời gian sử dụng hữu ích của sản phẩm.

Đồng thời, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ lồng ghép kinh tế tuần hoàn vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển các đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, trung tâm nhiệt điện…theo mô hình tuần hoàn, không phát thải chất thải, khí thải và nước thải.

Quyết tâm chính trị để phát thải ròng bằng 0

Ông Bùi Trung Nghĩa, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết để đạt được mục tiêu phát thải ròng thấp hướng tới mức bằng 0 thì cần cả quyết tâm về chính trị và sự vào cuộc của các thành phần kinh tế - xã hội khác nhau.

Lãnh đạo VCCI chỉ ra mô hình tuần hoàn trong doanh nghiệp hiện vẫn còn hạn chế; năng lực và khả năng chuyển đổi còn thấp; khả năng liên kết tạo thành chuỗi cung ứng - sản xuất rất hạn chế trên phạm vi cả nước, khu vực và quốc tế.

Do đó, để thúc đẩy việc chuyển đổi mô hình, vị này đề ra giải pháp quan trọng là cần tiếp tục tăng cường hợp tác giữa Nhà nước, Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp.

Đại diện VCCI đưa ra 5 kiến nghị trong trung và dài hạn để tiếp tục tăng cường hợp tác giữa Nhà nước, Chính phủ và doanh nghiệp trong thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.

Thứ nhất là xây dựng cơ chế khuyến khích việc chuyển đổi mô hình. Thứ hai là thúc đẩy và tham gia hợp tác quốc tế hiệu quả trong các hiệp định, cam kết quốc tế về chống biến đổi khí hậu và phát triển xanh.

Thứ ba là tập trung xây dựng các mô hình kinh tế tuần hoàn ở một số ngành, lĩnh vực thành công để làm cơ sở phổ biến, nhân rộng.

Thứ tư là hỗ trợ tiếp cận theo phương thức đầu tư hợp tác công tư nhằm huy động tối đa nguồn lực các bên liên quan. Cuối cùng là sự cần thiết đầu tư nâng cao năng lực và vai trò của các tổ chức đại diện doanh nghiệp.

Phát biểu tại hội nghị, ông Roongrote Rangsiyopash, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành tập đoàn SCG, cho rằng kinh tế tuần hoàn đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa các công ty, khách hàng, chuỗi cung ứng và những bên liên quan tham gia trong chuỗi giá trị.

Vị này nhấn mạnh các doanh nghiệp Thái Lan đang nỗ lực hợp tác với các tổ chức công - tư tại Việt nam để triển khai nhiều dự án trong lĩnh vực này. "Mục tiêu của chúng tôi là bắt tay cùng các đối tác để cùng phát triển hướng đến sự bền vững trong tương lai. Hơn thế nữa, tôi tin rằng, đây sẽ là một phần quan trọng hướng đến mục tiêu bền vững lớn hơn và phát thải carbon ròng bằng 0 trong tương lai", ông nói.

Đầu tháng 6, Chính phủ đã phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam nhằm góp phần cụ thể hóa mục tiêu giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP ít nhất 15% vào năm 2030 so với năm 2014, hướng tới mục tiêu phát thải ròng về “0” vào năm 2050.

Đề án cũng nhằm tăng cường nhận thức, sự quan tâm đầu tư của các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước đối với mô hình kinh tế tuần hoàn. Đẩy mạnh ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thúc đẩy xanh hóa các ngành kinh tế.

Huy Lê

(Zing.vn)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo