Trong 10-25 năm tới, trình độ phát triển của TPHCM phải ngang tầm với thành phố lớn châu Á, là điểm đến của tầng lớp trung lưu, trí thức, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng kỳ vọng ở sự phát triển của vùng kinh tế Đông Nam bộ tại hội nghị về phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ ngày 23/10.
Tại hội nghị toàn quốc triển khai Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, vùng Đông nam bộ bao gồm TPHCM, Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu với phần lớn diện tích là đồng bằng, giáp biển nửa bình nguyên, có vị trí chiến lược và vai trò đặc biệt quan trọng và là vùng động lực phát triển lớn nhất, đầu tầu kinh tế của cả nước.
(Ảnh minh họa: TTXVN)
Trong đó, TPHCM là hạt nhân, thành phố kinh tế tri thức, trung tâm tài chính quốc tế, là điểm đến của tầng lớp trung lưu, trí thức, nhất là trí thức trẻ. Trình độ phát triển của TPHCM cần ngang tầm với thành phố lớn châu Á, một cực tăng trưởng của vùng Đông Nam bộ và cả nước.
Tuy nhiên, kinh tế – xã hội của vùng còn nhiều hạn chế, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Tốc độ tăng trưởng xu hướng chậm lại và thấp hơn cả nước; đóng góp vào tổng thu ngân sách nhà nước giảm, mạng lưới kết cấu hạ tầng và giao thông yếu, là điểm nghẽn cản trở sự phát triển. Cùng với đó là một loạt vấn đề dân sinh bức xúc như y tế, môi trường, giáo dục, việc làm…
Theo Tổng bí thư, nghị quyết của Bộ Chính trị đã xác định mục tiêu tổng quát và một số chỉ tiêu cụ thể. Đến năm 2030, Đông Nam bộ phát triển nhanh hệ thống đô thị thông minh và hiện đại; hoàn thành hệ thống giao thông kết nối nội vùng, liên vùng và khu vực; đầu mối giao thương, hội nhập khu vực và thế giới. Lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục – đào tạo, y tế phát triển, đứng đầu cả nước.
Tầm nhìn đến năm 2045, Đông Nam bộ trở thành vùng phát triển, có tiềm lực kinh tế mạnh, cơ cấu kinh tế hiện đại; trung tâm khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo thuộc nhóm đầu của khu vực và thế giới. Chất lượng cuộc sống cao, có trình độ y tế, giáo dục thuộc nhóm dẫn đầu Đông Nam Á.
Vì vậy, theo Tổng bí thư, Đông Nam bộ cần đổi mới mạnh mẽ, tạo chuyển biến có tính đột phá trong việc tiếp tục xây dựng và phát triển, trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số hàng đầu của cả nước và Đông Nam Á. Vùng cần giữ vai trò đầu tàu trong liên kết phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, Nam Trung bộ và cả nước.
Trước đó, Chủ tịch UBND TPHCM – ông Phan Văn Mãi giải trình rằng, thể chế hiện hành chưa khuyến khích các địa phương chủ động, sáng tạo và tăng cường liên kết vùng. Vai trò của Hội đồng vùng chưa được phát huy đúng mức. Quy hoạch vùng và từng địa phương đang tạo nên “lực níu kéo”, thay vì “lực đẩy” cho phát triển, bởi quy hoạch trùng lắp chức năng, dẫn đến cạnh tranh, thiếu liên kết.
Ông Mãi đề xuất hoàn thiện cơ chế liên kết, điều phối phát triển vùng và bộ máy giúp việc. Cụ thể, khu vực cần có ban chỉ đạo vùng ở địa phương gồm bí thư 8 tỉnh, thành và do một Ủy viên Bộ Chính trị phụ trách. Đồng thời, cần xác định rõ những nội dung mà Chính phủ không quyết định theo kiến nghị từng tỉnh mà phải giải quyết theo sự thống nhất chung của vùng như dự án giao thông trọng điểm; mở rộng sân bay, cảng biển; điều chỉnh chức năng các khu kinh tế, khu công nghiệp; xử lý rác; hỗ trợ xúc tiến đầu tư thương mại, du lịch…
Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương – ông Nguyễn Văn Lợi nhìn nhận, thời gian qua các tỉnh, thành trong vùng vẫn chủ yếu “mạnh ai nấy làm” và chỉ tập trung cho địa phương mình phát triển. Điều này dẫn đến tình trạng vùng không có tiếng nói chung trong quy hoạch, hỗ trợ nhau để cùng phát triển.
Theo ông Lợi, Bình Dương từng nhiều lần đề xuất Bí thư TPHCM Nguyễn Văn Nên làm chỉ huy vùng, nhưng TPHCM cho rằng TPHCM không thể là cấp trên của các địa phương khác, chỉ làm việc trên cơ sở đồng thuận… Do đó, theo ông Lợi, lần này ông đề xuất “nhạc trưởng vùng” nên là một phó thủ tướng.
Về nhiệm vụ giải pháp cho vùng Đông Nam bộ, Tổng bí thư yêu cầu xác định rõ tiềm năng, lợi thế và những khó khăn, thách thức, điểm nghẽn đối với phát triển kinh tế – xã hội ở vùng để đề ra chính sách, biện pháp cụ thể, khả thi cao. Huy động tối đa nguồn lực cho phát triển của vùng, trong đó xác định lấy nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định; kết hợp hài hòa với ngoại lực là quan trọng, đột phá.
Tổng bí thư đề nghị Chính phủ và cơ quan trung ương tăng cường phối hợp với địa phương trong vùng, khẩn trương xây dựng, hoàn thiện, ban hành và triển khai thực hiện luật pháp, chính sách ưu tiên, có tính đặc thù cho phát triển vùng.
Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là thực hiện tốt quy hoạch phát triển vùng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo hướng xanh, bền vững và toàn diện; phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, bảo đảm tích hợp, đa ngành; gắn kết giữa nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; đô thị với nông thôn mới.
Chương trình hành động phải bám sát quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và nội dung của nghị quyết, bảo đảm phù hợp với từng địa phương trong vùng và tiểu vùng, giúp Đông Nam bộ phát triển xứng tầm và phù hợp thực tiễn hơn, Tổng bí thư kết luận.
(Theo TTXVN)
- TPHCM: Dự kiến cấm xe khách vào trung tâm từ tháng 12/2022
- Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Đất đai (sửa đổi)
- TPHCM: Trung tâm dữ liệu và điều hành thông minh Quận 3 giúp điều hành đô thị tốt hơn
- Hà Nội ủy quyền cho 5 huyện lập đề án thành lập quận
- Bộ Xây dựng ban hành Kế hoạch triển khai Đề án “Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030”
- Quy hoạch Thủ Đức cần chú trọng tính khả thi và cơ hội phát triển
- Huế sẽ trở thành đô thị trực thuộc Trung ương
- TPHCM sẽ có thêm 3 bãi đậu xe ô tô lắp ghép
- Thí điểm phân cấp thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị thuộc tỉnh Khánh Hòa
- Nhiệm vụ Quy hoạch Thủ đô rất chậm so với yêu cầu