Hội nghị lần thứ 10 Ban chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội ngày 23/11 đã thông qua nghị quyết, theo đó 2 thành phố trong thủ đô dự kiến được xây dựng là Bắc sông Hồng (Mê Linh – Sóc Sơn – Đông Anh) và Tây Hà Nội (Hòa Lạc – Xuân Mai).
Ban chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội đã thống nhất nội dung điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó sẽ xây dựng 2 thành phố trực thuộc thủ đô trong tương lai là Bắc sông Hồng gồm các huyện Mê Linh, Sóc Sơn, Đông Anh và thành phố phía Tây Hà Nội gồm các khu vực Hòa Lạc, Xuân Mai. Đây là tiền đề để phát triển kinh tế – xã hội đối với khu vực phía bắc, phía đông và phía tây của thành phố.
Khu đô thị Láng – Hòa Lạc sẽ trở thành trung tâm của thành phố mới Tây Hà Nội trong lòng thủ đô (Ảnh: TL)
Trước đó, trong phần tiếp thu, giải trình ý kiến thảo luận, Phó chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn thông tin, ngoài định hướng xây dựng 2 thành phố Bắc sông Hồng và Tây Hà Nội, có ý kiến đề nghị nghiên cứu các thành phố khác nếu đủ điều kiện, ví dụ khôi phục lại thành phố Sơn Tây.
Theo ông Tuấn, trong quá trình hoàn thiện đồ án đô thị trung tâm từ vành đai 4 trở vào, thành phố đã nghiên cứu phát triển thêm một cực về phía bắc, một cực về phía tây; trường hợp phân bố phát triển hoàn chỉnh, ví dụ phía nam với đô thị vệ tinh Phú Xuyên, nếu gắn được với sân bay phía nam thì có cơ sở hình thành thành phố sau năm 2030. Những nơi có trọng tâm như thành phố Sơn Tây sẽ được nghiên cứu sau.
Kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định thành phố sẽ tiếp tục nghiên cứu định hướng phát triển khu vực nông thôn gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của làng quê Bắc bộ; phát triển các huyện phía nam, vùng xa, giáp ranh với các tỉnh khác như: Phú Xuyên, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Ba Vì (vốn là các địa phương còn nhiều hạn chế trong phát triển kinh tế – xã hội), tránh hình thành các “vùng trũng” về phát triển.
Để định hướng khả thi, có chiều sâu, trong quá trình nghiên cứu định hướng điều chỉnh tổng thể, Thành ủy Hà Nội yêu cầu cơ quan chuyên ngành của thành phố cần bám sát nội dung các nghị quyết của trung ương liên quan đến phát triển thủ đô, vùng Đồng bằng sông Hồng và nghị quyết quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam.
Hà Nội hiện có 12 quận, một thị xã và 17 huyện (đạt 43% đơn vị hành chính đô thị). Dự kiến đến năm 2030, Hà Nội có thêm 8 quận Hoài Đức, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng, Thanh Oai, Thường Tín, Mê Linh.
Trước đây, tỉnh Hà Tây (cũ) có 2 thành phố trực thuộc là thành phố Hà Đông và Sơn Tây. Năm 2008, khi Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội, 2 thành phố này thành thị xã, hiện Hà Đông đã lên quận.
Thái Huy
(KTSG Online /Theo TTXVN và Văn phòng Thành ủy Hà Nội)
- Bắc Kạn: Bãi bỏ các văn bản chấp thuận chủ trương tài trợ quy hoạch
- Thủ tướng: Phát triển xanh là yêu cầu tất yếu, khách quan đối với Việt Nam
- Bộ trưởng Bộ Xây dựng: Nâng cao chất lượng đô thị, thực hiện đồng bộ các chính sách giải nén, giảm tải cho các đô thị lớn
- Hà Nội hỏa tốc xin lùi quy định nhà ở phải đủ 20m2 mới được thường trú
- Thừa Thiên - Huế phát triển Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô năng động, bền vững đến năm 2045
- TP.HCM kiến nghị 17 nội dung về đất đai, môi trường
- Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
- Cần Thơ khởi công đường vành đai phía Tây thành phố
- Nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị hướng đến phát triển bền vững
- Kỳ vọng kinh tế đô thị đóng góp 85% GDP vào năm 2030