Trong 17 kiến nghị có 12 kiến nghị liên quan đến đất đai nhằm giúp TP.HCM tiếp tục có cơ chế đặc thù, đẩy nhanh tốc độ phát triển…
Ngày 21/11/2022, UBND TP.HCM có văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường về kiến nghị 17 nội dung liên quan đến lĩnh vực tài nguyên, môi trường để đưa vào dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.
(Ảnh minh họa: Ashui.com)
Theo đó, đối với lĩnh vực đất đai, TP.HCM kiến nghị cho phép thành phố xây dựng và ban hành hệ số điều chỉnh giá đất phù hợp với tình hình thực tiễn của thành phố, trình HĐND thành phố thông qua. Trên cơ sở đó, UBND TP.HCM ban hành hệ số điều chỉnh giá đất tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với tất cả các khu đất, thửa đất (không phân biệt giá trị tính theo bảng giá đất).
Đồng thời, cho phép TP.HCM áp dụng việc bồi thường được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, nếu không có đất cùng mục đích sử dụng thì bồi thường bằng đất có mục đích sử dụng khác với loại đất thu hồi theo tỷ lệ phần trăm. Giao UBND TP.HCM tổng kết thực tiễn và quyết định tỷ lệ phần trăm này phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Cho phép thành phố được tách riêng việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án đầu tư công độc lập đối với các dự án nhóm B trên địa bàn.
Lập Trung tâm phát triển quỹ đất TP. Thủ Đức (trực thuộc UBND TP. Thủ Đức) thực hiện chức năng, nhiệm vụ như Trung tâm Phát triển quỹ đất cấp tỉnh trên cơ sở tổ chức lại Ban bồi thường, giải phóng mặt bằng TP. Thủ Đức. Đồng thời cho phép trung tâm phát triển quỹ đất được khai thác ngắn hạn các khu đất do đơn vị này quản lý mà chưa có quyết định giao đất, cho thuê đất.
Cho phép UBND TP.HCM được thí điểm tách phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 để thực hiện độc lập; sau khi hoàn tất sẽ tích hợp vào quy hoạch TP.HCM.
Cho phép TP.HCM thí điểm việc cho phép các tổ chức sử dụng đất được thế chấp, cho thuê và chuyển nhượng “quyền thuê đất” đóng tiền hàng năm. UBND TP.HCM phân cấp cho UBND cấp huyện xác định giá đất để bồi thường, hỗ trợ.
Cho phép TP.HCM thí điểm thực hiện áp dụng “Căn cứ để giao đất, cho thuê đất là văn bản phê duyệt kết quả trúng đấu giá, đấu thầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền” đối với các quỹ đất được chấp thuận chủ trương thanh toán cho các dự án đầu tư theo hợp đồng BT trước ngày 01/01/2021.
TP.HCM thực hiện thủ tục về thuê đất, thuê đất có mặt nước đối với các dự án về cảng biển (kể cả dự án lấn biển). TP.HCM được thí điểm gia hạn sử dụng đất đối với một số trường hợp.
Đối với lĩnh vực môi trường, cho phép UBND các cấp được sử dụng các thiết bị sẵn có tại địa phương: camera, smart phone, cameara giao thông, camera giám sát an ninh trật tự tại địa phương để phát hiện các hành vi xả rác, tiểu tiện không đúng nơi quy định (vi phạm vệ sinh nơi công cộng). Được sử dụng hình ảnh vi phạm vệ sinh nơi công cộng ghi nhận từ các thiết bị thu hình ảnh trên để làm căn cứ xử phạt trực tiếp đối tượng vi phạm.
Đồng thời, cho phép thành phố được thí điểm áp dụng biện pháp ngắt điện, ngắt nước công đoạn sản xuất trong cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, thi hành biện pháp khắc phục hậu quả về bảo vệ môi trường.
Phân cấp cho TP.HCM thẩm định, phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp Giấy phép môi trường đối với dự án đầu tư có cấu phần xây dựng thuộc thẩm quyền quyết định, chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã phân cấp cho HĐND TP.HCM quyết định chủ trương đầu tư theo Điều 4 Nghị quyết 54/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội…
Mộc Miên
(VnEconomy)
- Thủ tướng: Phát triển xanh là yêu cầu tất yếu, khách quan đối với Việt Nam
- Bộ trưởng Bộ Xây dựng: Nâng cao chất lượng đô thị, thực hiện đồng bộ các chính sách giải nén, giảm tải cho các đô thị lớn
- Hà Nội hỏa tốc xin lùi quy định nhà ở phải đủ 20m2 mới được thường trú
- Thừa Thiên - Huế phát triển Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô năng động, bền vững đến năm 2045
- Hà Nội sẽ xây dựng 2 thành phố trong thủ đô
- Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
- Cần Thơ khởi công đường vành đai phía Tây thành phố
- Nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị hướng đến phát triển bền vững
- Kỳ vọng kinh tế đô thị đóng góp 85% GDP vào năm 2030
- Nghiên cứu đường sắt Bắc Nam tốc độ 250 km/h