Ashui.com

Monday
Jan 20th
Home Tin tức Việt Nam Đà Nẵng: Quy hoạch sẽ tích hợp văn hóa vào phát triển đô thị, du lịch

Đà Nẵng: Quy hoạch sẽ tích hợp văn hóa vào phát triển đô thị, du lịch

Viết email In

Đà Nẵng đặt mục tiêu trở thành một trong những trung tâm thương mại lớn của khu vực và cả nước, với hai điểm nhấn là khu logistics, dịch vụ hỗ trợ chợ đầu mối...

Trong định hướng quy hoạch quốc gia, Đà Nẵng được xác định là một trung tâm của cực tăng trưởng vùng động lực miền Trung (từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi).


Khu vực ven sông Hàn, Đà Nẵng.

Tích hợp văn hoá trong phát triển du lịch

Tại phiên họp Hội đồng thẩm định quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, diễn ra ngày 27/12/2022, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng quy hoạch phải được coi là cơ hội để sắp xếp, tổ chức lại, khắc phục điểm nghẽn, tạo ra giá trị mới.

“Đà Nẵng có vị trí, vai trò quan trọng, trung tâm của miền Trung. Đây là vai trò, sứ mệnh mới của thành phố trong thời gian tới”, ông Dũng nhấn mạnh.


Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư: "Sự phát triển của Đà Nẵng gần đây có chững lại, có thể là do dư địa không gian, do quỹ đất, các động lực đã đến mức tới hạn" (Ảnh: MP)

Trong thời gian qua, Đà Nẵng có mức phát triển ấn tượng với tốc độ tăng trưởng bình quân cao, diện mạo thay đổi, cơ cấu kinh tế, quy mô kinh tế đạt kết quả tốt.

Tuy nhiên, gần đây có mức chững lại, có thể là do dư địa không gian, do quỹ đất, các động lực đã đến mức tới hạn. Do đó, ông Dũng cho rằng vấn đề đặt ra đối với Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 phải có những đột phá tạo nên những giá trị mới, cao hơn, chẳng hạn như triển khai hướng xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực, thương mại tự do, công nghệ cao…

Báo cáo quy hoạch của thành phố Đà Nẵng, ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Đà Nẵng, cho biết thành phố đã đặt quan điểm tập trung phát triển theo 03 trụ cột. Trong đó, đã nghiên cứu tích hợp đồng bộ yếu tố văn hóa vào sự phát triển du lịch trở thành một trụ cột quan trọng là du lịch gắn với bất động sản nghỉ dưỡng, trung tâm tổ chức sự kiện quốc tế và yếu tố văn hóa, tạo nên sự độc đáo, khác biệt.

Trụ cột thứ hai là kinh tế tri thức với 02 mũi nhọn: công nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị sáng tạo; khởi nghiệp; công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số.

Trụ cột thứ ba là trung tâm dịch vụ chất lượng cao với 02 mũi nhọn là cảng biển, cảng hàng không gắn với dịch vụ logistics và trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực.

6 nhóm ngành ưu tiên

Báo cáo quy hoạch cũng xác định Đà Nẵng sẽ có 6 nhóm ngành, lĩnh vực cần ưu tiên.

Theo đó, ngành du lịch sẽ định hướng ưu tiên hình thành các sản phẩm, dịch vụ đạt chuẩn chất lượng cao, nhất là các dòng sản phẩm, dịch vụ cao cấp và siêu sang gắn với các khu vực trọng điểm: Quần thể du lịch Bà Nà - Suối Mơ, Khu du lịch thể thao, nghỉ dưỡng Hồ Hóc Khế; Khu phức hợp đô thị và du lịch Làng Vân; khu vực sinh thái nghỉ dưỡng dọc chân bán đảo Sơn Trà.

Đối với ngành thương mại, Đà Nẵng đặt mục tiêu trở thành một trong những trung tâm thương mại lớn của khu vực và cả nước, với hai điểm nhấn là khu logistics, dịch vụ hỗ trợ chợ đầu mối, như: Chợ đầu mối Hòa Phước và Tổ hợp Thể thao, giải trí, thương mại Hòa Xuân.

Bên cạnh đó, các dịch vụ thương mại cao cấp liên quan đến các bến du thuyền và khu phi thuế quan cũng là những định hướng quan trọng về thương mại được quy hoạch.

Đối với ngành logistics, định hướng Đà Nẵng trở thành trung tâm logistics của quốc gia trên hành lang kinh tế Đông - Tây, trong khu vực ASEAN và quốc tế. Trọng tâm là cảng Liên Chiểu và cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng. Theo đó, trên địa bàn thành phố dự kiến sẽ hình thành 7 trung tâm logistics tập trung, trong đó có 1 trung tâm logistics cấp vùng và các trung tâm logistics phụ trợ để đáp ứng mục tiêu quy hoạch.

Đối với ngành thông tin và truyền thông, mục tiêu sau thời kỳ quy hoạch Đà Nẵng sẽ thuộc nhóm 3 địa phương dẫn đầu về chuyển đổi số và an toàn thông tin, thương mại điện tử của cả nước.

Các dự án trọng tâm sẽ hình thành các trung tâm dữ liệu cấp quốc gia và khu vực, triển khai thêm mới một trạm cập bờ cáp quang biển; phát triển Khu Công nghệ thông tin Công viên phần mềm Đà Nẵng, bao gồm cả khu công viên phần mềm số 2 liên kết với các Khu Công nghệ thông tin tập trung của FPT, Viettel, VNPT trở thành các khu công nghệ thông tin tập trung trọng điểm của quốc gia.

Đối với nhóm ngành công nghiệp, Đà Nẵng định hướng sẽ di dời hầu hết các cơ sở sản xuất công nghiệp ra khỏi các khu dân cư và ưu tiên phát triển cho các ngành có hàm lượng cao về công nghệ, tri thức, thân thiện với môi trường…

Ngoài ra, thành phố cũng đẩy nhanh tiến độ hình thành khu làm việc và đào tạo khởi nghiệp; nâng cấp, mở rộng Trung tâm Công nghệ sinh học Đà Nẵng…

Trên cơ sở định hướng, tổ chức không gian phát triển 06 nhóm ngành nêu trên, quy hoạch thành phố cũng đã khoanh định 7 khu vực trọng điểm phát triển kinh tế.

Cụ thể, đó là khu vực trung tâm thành phố; khu trung tâm công nghiệp công nghệ cao gắn với Khu Công nghệ cao Đà Nẵng và các khu công nghệ thông tin tập trung; khu vực trung tâm cảng biển và dịch vụ logistics gắn với cảng Liên Chiểu, ga đường sắt và Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng; khu trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng ven biển; khu vực trung tâm dịch vụ đào tạo và nghiên cứu ở phía đông nam thành phố, trọng tâm là khu đô thị đại học Đà Nẵng; khu vực trung tâm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại phía tây nam huyện Hòa Vang; các cực du lịch sinh thái núi gắn với các không gian, sản phẩm du lịch cao cấp của thành phố.

Các khu vực trọng điểm phát triển kinh tế được kết nối thông qua hai tuyến vành đai và 5 hành lang kinh tế.

Như vậy, quy hoạch đề ra mục tiêu xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ; cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên.


Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh phát biểu tại phiên họp
(Ảnh: MP)

Tại phiên họp, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND Đà Nẵng, cho biết sẽ hoàn thiện hồ sơ quy hoạch với chất lượng cao nhất để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời làm rõ thêm một số nội dung về phát triển kinh tế biển; phát triển văn hóa đồng bộ với kinh tế…

Trước đó, ngày 15/3/2021, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 359 phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045.

Quy hoạch mới chia Đà Nẵng thành 12 phân khu đô thị. Hiện thành phố triển khai thành 19 đồ án quy hoạch phân khu và đang lần lượt công khai các dự thảo đồ án để lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân.

Ban Mai

(VnEconomy)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...