Sáng 20/5, tại Trung tâm Hội nghị thành phố Hải Phòng, UBND thành phố phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị công bố Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 323/QĐ-TTg ngày 30/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn trao Quyết định phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.
Đưa thành phố Hải Phòng phát triển hàng đầu châu Á
Theo quyết định, phạm vi lập quy hoạch gồm toàn bộ diện tích theo địa giới hành chính thành phố Hải Phòng, với tổng diện tích khoảng 1.526,52km2. Tầm nhìn đến năm 2045 - 2050, Hải Phòng trở thành thành phố có trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố hàng đầu châu Á và thế giới.
Mục tiêu xây dựng và phát triển Hải Phòng trở thành thành phố đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; động lực phát triển của vùng Bắc bộ và của cả nước; có công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững. Kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại kết nối thuận lợi với trong nước và quốc tế bằng cả đường bộ, đường sắt, hàng hải, đường hàng không và đường thủy nội địa; trọng điểm dịch vụ logistics và du lịch; trung tâm quốc tế về giáo dục, đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ, kinh tế biển.
Về tính chất, chức năng đô thị, thành phố Hải Phòng được xác định là đô thị loại I trực thuộc Trung ương, một trọng điểm kinh tế biển của cả nước, trung tâm giáo dục, y tế và khoa học công nghệ của vùng Duyên hải Bắc bộ; là thành phố cảng xanh, văn minh, hiện đại; là đầu mối giao thông, giao lưu trong nước và quốc tế; có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng an ninh.
Cũng theo Quy hoạch này, tỷ lệ đô thị hóa dự kiến của Hải Phòng sẽ đạt 80 - 86%. Dự báo dân số Hải Phòng đến năm 2030 khoảng 2,8 - 3,0 triệu người, dân số đô thị khoảng 2,0 - 2,2 triệu người, tỷ lệ đô thị hóa 74 - 76%; dân số đến năm 2040 khoảng 3,9 - 4,7 triệu người, dân số đô thị khoảng 3,2 - 4,0 triệu người.
Về định hướng phát triển vùng không gian ven biển, Hải Phòng ưu tiên phát triển các chức năng cảng, dịch vụ cảng, khai thác cải tạo luồng lạch, hệ thống đường dây đường ống kỹ thuật, không gian du lịch, vui chơi giải trí và bảo tồn hệ sinh thái rừng ngập mặn.
Bên cạnh đó, Hải Phòng trình UNESCO công nhận vịnh Hạ Long - Cát Bà là di sản thiên nhiên thế giới. Hải Phòng quy hoạch mạng lưới du lịch đến năm 2030 có đủ khả năng đáp ứng cho 30 - 35 triệu lượt khách, đến năm 2040 khoảng 35 - 40 triệu lượt khách.
Phát triển mô hình đô thị đa trung tâm
Đối với mô hình không gian đô thị, Hải Phòng sẽ phát triển từ mô hình “Đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh" thành mô hình “Đô thị đa trung tâm và các đô thị vệ tinh". Cấu trúc không gian đô thị: Hai vành đai - ba hành lang - ba trung tâm và các đô thị vệ tinh.
Trong đó, hai vành đai kinh tế gồm: Vành đai kinh tế ven biển phát triển dịch vụ - du lịch - đô thị hướng ra biển; Vành đai kinh tế công nghiệp dịch vụ từ cảng Lạch Huyện đến phía Bắc (huyện Thủy Nguyên), phía Tây (dọc Quốc lộ 10), phía Nam (dọc sông Văn Úc) kết nối với mạng lưới khu, cụm công nghiệp vùng Đồng bằng sông Hồng và hệ thống cảng Hải Phòng.
Ba hành lang cảnh quan gồm: Hành lang sông Cấm, sông Lạch Tray và Văn Úc.
Ba trung tâm đô thị và các đô thị vệ tinh: Trung tâm đô thị lịch sử và đô thị hành chính mới Bắc sông Cấm; Trung tâm thương mại, tài chính quốc tế (CBD) ở Hải An và Dương Kinh; Đô thị sân bay Tiên Lãng. Các đô thị vệ tinh gồm các đô thị trong vùng sinh thái biển, nông nghiệp, nông thôn...
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn đánh giá cao sự nỗ lực của cả bộ máy chính trị thành phố Hải Phòng, của nhiều cơ quan, tổ chức, chuyên gia trong quá trình lập quy hoạch. Hải Phòng đã có một bản quy hoạch mới với một tầm nhìn mới, định hướng mới, gợi mở ra nhiều cơ hội phát triển cho Hải Phòng.
“Đồ án đến nay được phê duyệt là căn cứ để thành phố Hải Phòng làm cơ sở cho quản lý hoạt động xây dựng trên địa bàn thành phố; tổ chức thực hiện, triển khai công tác lập quy hoạch đô thị và các dự án đầu tư xây dựng đảm bảo các quan điểm, nguyên tắc, tuân thủ định hướng phát triển không gian; định hướng hệ thống hạ tầng kỹ thuật theo Quy hoạch chung thành phố Hải Phòng” - Thứ trưởng Bộ Xây dựng nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn cũng đề nghị thành phố Hải Phòng cùng các Sở, Ban, ngành phối hợp với các Bộ, Ban, ngành có liên quan sớm tổ chức rà soát và lập các chương trình, khu vực và kế hoạch phát triển đô thị; tổ chức lập và ban hành Quy chế quản lý kiến trúc thành phố Hải Phòng. Tổ chức lập điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải; Quy hoạch xây dựng: Khu du lịch quốc gia Cát Bà, đô thị Thủy Nguyên, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật, quy hoạch không gian ngầm và các quy hoạch cấp dưới phù hợp với quy hoạch chung thành phố. Xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch đồng bộ với việc đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong đô thị.
Đối với chủ trương di dời các cơ quan, nhà máy trong khu vực đô thị trung tâm để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cần đặc biệt xem xét lộ trình, đảm bảo lợi ích của Nhà nước và chủ đầu tư; tuân thủ theo các quy định của pháp luật...
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hải Phòng Lê Anh Quân cho biết: Quyết định phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 đóng vai trò quan trọng trong việc tiếp tục kế thừa những kết quả đã đạt được về mục tiêu, chủ trương được Thủ tướng Chính phủ hoạch định tại Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thành phố đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1448/QĐ-TTg ngày 16/9/2009 và mở ra triển vọng phát triển mới của đô thị Hải Phòng trong thời gian tới.
Chính quyền thành phố Hải Phòng rất vinh hạnh được hợp tác với các nhà đầu tư và doanh nghiệp trên chặng đường tạo dựng và lan tỏa những giá trị mới vượt trội, hy vọng các nhà đầu tư, doanh nghiệp luôn đồng hành cùng với thành phố, cùng kiến tạo, hiện thực hóa khát vọng để phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới. Thành phố Hải Phòng cam kết thực hiện cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, đặt sự thành công của nhà đầu tư chính là thành công của thành phố.
Vĩnh Bảo
(Báo Xây dựng)
- Dự án Luật Tài nguyên nước: Hướng tới quản lý tài nguyên trên nền tảng số
- Tháp Chăm nghìn năm tuổi bị "muối hóa" sau trùng tu
- Hà Nội thông qua chủ trương quy hoạch phân khu thứ 7 đô thị Sóc Sơn
- Anh hỗ trợ Việt Nam thực hiện chuyển dịch sang năng lượng xanh
- Dự kiến từ ngày 1/7, TPHCM được thí điểm một số cơ chế đặc thù
- Triển khai các quy hoạch phân khu xây dựng các khu chức năng thuộc Khu kinh tế Vân Phong
- Nghiên cứu quy hoạch phát triển 2 thành phố tại Bắc sông Hồng và Tây Hà Nội
- Nghiên cứu phát triển tổ hợp Trung tâm Nghệ thuật biểu diễn quốc gia
- Thủ tướng Chính phủ chính thức phê duyệt Quy hoạch điện VIII
- Cần Thơ dự tính xây dựng đường hầm vượt sông