Ashui.com

Sunday
Apr 28th
Home Tin tức Việt Nam Đông Nam bộ đề xuất định hướng quy hoạch ven sông Sài Gòn - Đồng Nai

Đông Nam bộ đề xuất định hướng quy hoạch ven sông Sài Gòn - Đồng Nai

Viết email In

Quy hoạch ven sông Sài Gòn, sông Đồng Nai có ý nghĩa quan trọng nhằm khai thác tiềm lực về kinh tế ven sông, cảng, du lịch, giao thông thủy, bảo vệ môi trường, sinh thái và an ninh nguồn nước của các địa phương...

Hội nghị vùng Đông Nam bộ lần thứ 3 dự kiến sẽ diễn ra trong quý 3/2023 tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Đây là hội nghị trao đổi, hợp tác giữa TP.HCM với các tỉnh vùng Đông Nam bộ được tổ chức mỗi quý một lần. Lần đầu tiên đã được tổ chức tại tỉnh Bình Dương vào ngày 03/3/2023. Lần thứ hai vào ngày 07/7/2023 tại TP.HCM.


Quy hoạch vùng ven sông Sài Gòn có ý nghĩa quan trọng nhằm khai thác tiềm lực kinh tế ven sông...

Văn phòng Ủy ban nhân dân TP.HCM vừa có Thông báo kết luận của lãnh đạo Ủy ban nhân dân TP.HCM - tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu - tỉnh Bình Dương - tỉnh Bình Phước - tỉnh Đồng Nai - tỉnh Tây Ninh tại hội nghị trao đổi, hợp tác giữa TP.HCM với các tỉnh vùng Đông Nam bộ lần thứ hai vừa qua.

Cụ thể, sau hội nghị lần thứ nhất giữa TP.HCM với các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương và Đồng Nai, được tổ chức tại tỉnh Bình Dương, công tác tổ chức, triển khai đã đạt được nhiều kết quả ý nghĩa. Bao gồm: Khởi công dự án đường Vành đai 3 TP.HCM; nghiên cứu, chuẩn bị đầu tư dự án đường Vành đai 4 TP.HCM; chuẩn bị đầu tư dự án đường cao tốc TPHCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành. Các địa phương đã đóng góp ý kiến cho phương án thiết kế nút giao Sóng Thần (Dĩ An, Bình Dương),…

Kết luận đánh giá cao công tác phối hợp giữa các sở, ngành TP.HCM với các địa phương vùng Đông Nam bộ trong việc chuẩn bị chu đáo các nội dung trao đổi, thảo luận tại hội nghị nhằm kịp thời triển khai hiệu quả Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế xã hội và bả đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; và Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Các địa phương đã thống nhất tiếp tục duy trì tổ chức hội nghị vùng mỗi quý một lần, luân phiên giữa các địa phương. Lần thứ 3 sắp tới sẽ diễn ra tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và lần thứ 4 sẽ được tổ chức tại tỉnh Bình Phước.

Tại hội nghị vào quý 3/2023, hội nghị thống nhất tập trung vào một số nội dung, trong đó đề xuất định hướng quy hoạch ven sông Sài Gòn, sông Đồng Nai nhằm khai thác tiềm lực về kinh tế ven sông, cảng, du lịch, giao thông thủy, bảo vệ môi trường, sinh thái, an ninh nguồn nước của các địa phương.

Theo đó, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp đơn vị tư vấn và các địa phương trong vùng nghiên cứu quy hoạch phát triển hành lang sông Sài Gòn kết nối đồng bộ, toàn diện hệ thống hạ tầng kỹ thuật gồm cầu vượt sông, đường, bến thủy nội địa, cảng hàng hóa,… với tỉnh Bình Dương và các tỉnh ở thượng nguồn. Sau đó báo cáo, đề xuất Uỷ ban nhân dân TP.HCM xem xét chỉ đạo cập nhật vào Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.

Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP.HCM cũng chịu trách nhiệm phối hợp với sở xây dựng các địa phương Đông Nam Bộ tham mưu triển khai các nội dung nói trên; đồng thời gửi các địa phương góp ý định hướng quy hoạch chung vùng ven sông Sài Gòn, sông Đồng Nai trong tháng 8/2023, chuẩn bị cho hội nghị lần 3 sắp diễn ra.

Ngoài nội dung định hướng quy hoạch vùng ven sông nói trên, các địa phương thống nhất đề xuất cơ chế xây dựng quỹ phát triển hạ tầng giao thông vùng.

Vừa qua, tại hội nghị lần thứ nhất của Hội đồng Điều phối vùng Đông Nam Bộ, diễn ra vào ngày 18/7/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thống nhất kết luận chỉ đạo giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan nghiên cứu hình thành quỹ phát triển hạ tầng vùng, phấn đấu hoàn thành trong quý 3/2023.

TP.HCM và các địa phương Đông Nam bộ đã thống nhất, chủ động, phối hợp tích cực với Bộ Tài chính để tham mưu Thủ tướng Chính phủ đồng thời chủ động rà soát, bố trí các nguồn lực từ ngân sách, xã hội hóa hợp lý để tham gia xây dựng quỹ phát triển hạ tầng giao thông vùng. Theo đó, lãnh đạo các địa phương sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng thống nhất xác định các công trình hạ tầng giao thông nào, quy mô vốn bao nhiêu được đề xuất sử dụng quỹ phát triển hạ tầng giao thông vùng.

Anh Khuê

(VnEconomy)


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo