Tỉnh Quảng Nam sẽ chia ra hai vùng động lực ở phía đông và phía tây để phát triển kinh tế kết hợp với quan tâm bảo vệ sinh thái và tự nhiên. Đây là cơ sở để tỉnh này có được tăng trưởng xanh và bền vững trong thời gian sắp đến.
Thông tin này được ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, đưa ra tại buổi họp báo chiều ngày 1/3. Sự kiện nhằm công bố quy hoạch tỉnh Quảng nam giai đoạn 2021 – 2030 tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng phê duyệt trong tháng 1 vừa qua. Sự kiện này cũng thông tin về dự án Năm Phục hồi đa dạng sinh học quốc gia – Quảng Nam 2024 sẽ khai mạc ngày 16/3.
“Trong quá trình phát triển, việc bảo tồn đa dạng sinh học đóng vai trò quan trọng. Chúng tôi sẽ không quá chú trọng phát triển kinh tế mà không để ý đến bảo vệ sinh thái và tự nhiên”, ông Thanh nói và chia sẻ thêm với báo chí rằng Quảng Nam sẽ không vội vàng lắp đầy khu vực quy hoạch, thay vào đó là cẩn trọng kêu gọi nhà đầu tư chiến lược thực sự đem lại giá trị cho tỉnh.
Vùng phía đông: Công nghiệp và du lịch
Một góc cảng biển Chu Lai tại tỉnh Quảng Nam. (Ảnh: Nguồn Thaco)
Theo thông tin tại buổi họp báo, Quảng Nam đặt mục tiêu về kinh tế với tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 – 2030 đạt trên 8%/năm và GRDP bình quân đầu người đạt trên 7.500 đô la. Bên cạnh đó, đầu tư Cảng hàng không Chu Lai đạt tiêu chuẩn cảng hàng không quốc tế với quy mô cấp 4F (cao nhất trong hệ thống hàng không) và Cảng biển Quảng Nam đạt tiêu chuẩn loại I tiếp nhận tàu đến 50.000 DWT.
Để làm được điều này Quảng Nam thực hiện mô hình cấu trúc không gian phát triển “hai vùng, hai cụm động lực, ba hành lang phát triển”. Trong đó, nhìn theo quy hoạch này thì động lực để phát triển kinh tế Quảng Nam chủ yếu nằm ở 2 khu vực phía đông và tây.
Cụ thể, Quảng Nam phát triển không gian vùng phía đông gồm các huyện, thị xã, thành phố đồng bằng ven biển và trung du, với các ngành kinh tế chủ đạo là kinh tế biển, dịch vụ, công nghiệp sạch, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao. Trong đó, Tam Kỳ là đô thị trung tâm hành chính, kinh tế, giáo dục, đào tạo; Hội An là đô thị di sản, du lịch, giao lưu quốc tế với các sản phẩm đặc sắc có chiều sâu văn hóa; Điện Bàn là đô thị phát triển công nghiệp, khoa học, đổi mới sáng tạo và Núi Thành là đô thị công nghiệp, đầu mối trung tâm logistics.
Trong đó, Quảng Nam sẽ phát triển Chu Lai là khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, với hạt nhân là ngành công nghiệp cơ khí ô tô. Tiếp tục tái cấu trúc, tổ chức sản xuất các sản phẩm mới phù hợp với xu thế công nghệ. Đồng thời liên kết với tỉnh Quảng Ngãi trở thành cực tăng trưởng kinh tế trọng điểm của tỉnh.
Vùng phía tây: Động lực tăng trưởng xanh
Một góc miền núi tỉnh Quảng Nam nhìn từ trên cao. (Ảnh: Nhân Tâm)
Nếu vùng đông có thế mạnh phát triển kinh tế công nghiệp và du lịch thì vùng phía tây có tiềm năng phát triển kinh tế vườn, rừng kết hợp với du lịch và bảo tồn đa dạng sinh học với định hướng kinh doanh tín chỉ carbon bền vững.
Cụ thể vùng phía tây gồm các huyện miền núi, là vùng bảo tồn hệ sinh thái rừng tự nhiên; phát triển vùng nguyên liệu lâm sản và dược liệu quốc gia; kinh tế vườn, trang trại, chăn nuôi; khai thác thuỷ điện, khoáng sản; bảo vệ khu vực biên giới. Đô thị Khâm Đức – Phước Sơn và Thạnh Mỹ – Nam Giang là các đô thị chuyển tiếp, kết nối, giao lưu phát triển giữa khu vực đồng bằng tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng với Tây Nguyên và các nước trên Hành lang quốc tế Đông Tây.
Trong quy hoạch này, Quảng Nam sẽ duy trì, bảo vệ hành lang đa dạng sinh học của tỉnh kết nối Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Sao La, Vườn quốc gia Sông Thanh và Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Voi. Mở rộng hệ thống các cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học. Bảo vệ các nguồn gen đặc hữu, quý, hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng; nguồn gen giống cây trồng, vật nuôi bản địa, các loài đặc hữu, nguy cấp, quý, hiếm, ưu tiên bảo vệ, có giá trị khoa học, kinh tế, giáo dục…
Ngoài ra, bảo vệ và phát triển các khu vực đa dạng sinh học cao, các hệ sinh thái đặc thù, có giá trị cao về đa dạng sinh học và có vai trò lớn trong bảo vệ môi trường, phát triển du lịch, phòng chống thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu xây dựng; thực hiện và nhân rộng các mô hình, chương trình, dự án về bảo tồn và phát triển có hiệu quả các nguồn gen có giá trị. Kiểm soát hiệu quả loài ngoại lai xâm hại và có nguy cơ xâm hại.
Theo ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, khi những kế hoạch này được thực hiện thông suốt sẽ tạo điều kiện để Quảng Nam có thể thu lợi từ rừng mà cụ thể là kinh doanh tín chỉ carbon, bền vững.
Có khả năng trong một năm tỉnh Quảng Nam sẽ thu về khoảng lợi nhuận tương đương hơn 100 tỉ đồng. Số tiền này sẽ được dùng đầu tư lại để phát triển rừng. Đây chính là quy trình hướng đến tăng trưởng xanh mà Quảng Nam đang hướng đến.
Nhân Tâm
(KTSG Online)
- Nghệ An: Phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch vùng huyện Quỳ Hợp
- Điều chỉnh một số chỉ tiêu sử dụng đất đến năm 2025
- Doanh nghiệp hướng đến Net Zero trong Xây dựng
- Lào Cai: Nâng cao chất lượng quy hoạch trong năm 2024
- Hành lang sông Sài Gòn là điểm nhấn trong quy hoạch TPHCM
- Quy hoạch Cam Lâm thành đô thị sân bay tầm quốc tế
- Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Pleiku đến năm 2045
- Năng lượng tái tạo là đột phá ưu tiên, quan trọng của Bình Thuận
- Hà Nội: Gìn giữ lâu dài các giá trị hiện hữu của chùa Tây Phương
- Điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045