Ashui.com

Tuesday
Jul 16th
Home Tin tức Việt Nam Xây dựng Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng sạch của miền Trung

Xây dựng Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng sạch của miền Trung

Viết email In

Theo quy hoạch, tỉnh Quảng Trị cần thực hiện nhiệm vụ trọng tâm trở thành trung tâm năng lượng sạch của miền Trung vào năm 2030, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, xây dựng kết cấu hạ tầng logistics chất lượng và hiệu quả, góp phần tạo lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn...  

UBND tỉnh Quảng Trị vừa tổ chức hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư vào tỉnh Quảng Trị.


"Cánh đồng" điện gió tại huyện Hướng Hóa, Quảng Trị.
(Ảnh Hoàng Táo)

Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1737/QĐ-TTg ngày 29/12/2023. Quy hoạch đặt ra mục tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) bình quân giai đoạn 2021 - 2030 của tỉnh Quảng Trị đạt 8,2%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 140 - 170 triệu đồng/người.

Xây dựng nền kinh tế vững mạnh với cơ cấu chính là công nghiệp - dịch vụ

Mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Quảng Trị đạt trình độ phát triển thuộc nhóm tỉnh khá của cả nước, có cơ cấu kinh tế cơ bản là một tỉnh công nghiệp – dịch vụ; là một trong những trung tâm kinh tế tổng hợp của khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, trung tâm hậu cần và trung chuyển hàng hóa của khu vực Đông Nam Á và các hành lang giao thông trong khu vực ASEAN, tiểu vùng sông Mê Kông (GMS).

Tầm nhìn đến năm 2050, Quảng Trị trở thành tỉnh có nền kinh tế vững mạnh với cơ cấu chính là công nghiệp - dịch vụ và là một trong những động lực phát triển của khu vực, quốc phòng an ninh được đảm bảo, Nhân dân có cuộc sống hạnh phúc.


Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long; Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung trao quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho lãnh đạo tỉnh Quảng Trị
(Ảnh: Lê An)

Quy hoạch cũng xác định rõ các khâu đột phá phát triển, bao gồm: Xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; hoàn thành thực hiện chuyển đổi số; chuẩn bị và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tạo môi trường sinh sống và làm việc hấp dẫn nhằm thu hút nhân tài.

Đồng thời, đề ra các nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện, trong đó quyết tâm xây dựng Quảng Trị trở thành Trung tâm năng lượng sạch của miền Trung vào năm 2030; phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; xây dựng kết cấu hạ tầng logistics chất lượng và hiệu quả, góp phần tạo lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn; phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo ứng dụng công nghệ tiên tiến.

Đảm bảo 5 triển khai trong quy hoạch

Tại hội nghị trên, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng khẳng định, tỉnh Quảng Trị đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt và tổ chức triển khai nghiêm túc, kịp thời việc lập quy hoạch theo phương pháp mới, xem đây là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt.

Tỉnh cũng đã bám sát các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, định hướng phát triển của Quy hoạch tổng thể quốc gia; Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ, các quy hoạch ngành quốc gia và Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ giai đoạn 2020 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong các định hướng phát triển.


Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
(Ảnh: Lê An)

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long nhấn mạnh Quảng Trị cần khẩn trương triển khai quy hoạch với chương trình hành động, kế hoạch cụ thể, tiến hành phân công, phân nhiệm rõ ràng giữa các cơ quan; tổ chức thực hiện bài bản, hiệu quả những nhiệm vụ đã đề ra trong quy hoạch. Tỉnh cần lưu ý 5 bảo đảm trong triển khai quy hoạch: Bảo đảm tính tuân thủ của quy hoạch, bảo đảm tính đồng bộ của quy hoạch, bảo đảm tính liên kết của quy hoạch, bảo đảm tính mở rộng của quy hoạch, bảo đảm tính kế thừa của quy hoạch.

Tỉnh quan tâm đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội theo hướng đồng bộ, đặc biệt hạ tầng giao thông kết nối, tạo không gian phát triển mới, đặc biệt là đầu tư hoàn thành Cảng Hàng không Quảng Trị và Cảng nước sâu Mỹ Thủy - coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm hàng đầu; phát triển hệ thống đô thị, nghiên cứu mở rộng không gian phát triển Khu Kinh tế Đông Nam, gắn kết với các khu vực thuận lợi phát triển dọc hành lang đường bộ cao tốc Bắc - Nam và dọc quốc lộ 15D. Xây dựng Khu kinh tế Thương mại đặc biệt Lao Bảo thành trung tâm thương mại - dịch vụ - du lịch tổng hợp, hướng tới hình thành Khu kinh tế Thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo (Việt Nam) - Đensavằn (Lào).

Tỉnh cần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng năng suất lao động, nâng cao sức cạnh tranh các ngành, lĩnh vực có thế mạnh, tiềm năng trên nền tảng chuyển đổi số, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, gia tăng giá trị hàm lượng tri thức, khai thác hiệu quả lợi thế so sánh, nhất là kinh tế biển, du lịch, kinh tế tuần hoàn, sáng tạo và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đồng thời quan tâm tỉnh Quảng Trị bảo vệ môi trường, phục hồi sinh thái và bảo tồn đa dạng sinh học, vừa tôn tạo vừa khai thác phát huy các giá trị sinh thái đặc thù; tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh trạnh, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp; cải thiện và nâng cao các chỉ số như PAPI, PCI...

Nguyễn Thuấn - Thiên Anh

(VnEconomy)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo