Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt định hướng quy hoạch phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam giai đoạn đến năm 2030.
Theo quy hoạch, mục tiêu phát triển điện hạt nhân nước ta từ nay đến năm 2030 được chia thành 3 giai đoạn.
Giai đoạn 1: từ nay đến năm 2015 sẽ hoàn thành phê duyệt dự án đầu tư, phê duyệt địa điểm, tổ chức lựa chọn nhà thầu, chuẩn bị đội ngũ cán bộ quản lý dự án và các chuyên gia kỹ thuật nòng cốt đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ khởi công xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên. Giai đoạn này sẽ tiến hành xây dựng các cơ chế, chính sách thúc đẩy và chuẩn bị năng lực cho các ngành công nghiệp trong nước tham gia cung cấp vật tư, thiết bị, xây dựng, lắp đặt, quản lý dự án, giám sát và kiểm tra chất lượng nhà máy điện hạt nhân. Hoàn tất việc chuẩn bị địa điểm cho khởi công xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên.
- Ảnh bên : Nhà máy điện hạt nhân Oi của Nhật Bản
Giai đoạn 2: từ năm 2015 đến 2020 sẽ hoàn thành việc xây dựng và đưa tổ máy đầu tiên của Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 vào vận hành phát điện thương mại năm 2020, tổ máy 2 vào vận hành năm 2021, đồng thời khởi công xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 và tiến hành công tác chuẩn bị địa điểm cho việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân tiếp theo.
Giai đoạn 3: từ 2020 đến năm 2030 sẽ triển khai xây dựng các nhà máy điện hạt nhân tiếp theo, đưa điện hạt nhân thành một trong những nguồn năng lượng chủ lực của đất nước. Giai đoạn này, Việt Nam sẽ phấn đấu tự làm chủ được công nghệ thiết kế nhà máy điện hạt nhân và có khả năng tham gia thiết kế cùng với đối tác nước ngoài; các ngành công nghiệp trong nước tham gia vào các công trình nhà máy điện hạt nhân với giá trị hợp đồng chiếm từ 30 - 40% tổng giá trị xây lắp công trình.
Theo định hướng quy hoạch phát triển, đến năm 2020, tổ máy điện hạt nhân đầu tiên với công suất khoảng 1.000 MW sẽ đi vào vận hành. Đến năm 2025, tổng công suất các nhà máy điện hạt nhân khoảng 8.000 MW và sẽ tăng lên 15.000 MW vào năm 2030 (chiếm khoảng 10% tổng công suất nguồn điện). Định hướng quy hoạch phát triển điện hạt nhân đưa ra 8 điểm dự kiến xây dựng nhà máy tại 5 tỉnh: Ninh Thuận, Bình Định, Phú Yên, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, mỗi địa điểm có khả năng xây dựng từ 4 - 6 tổ máy điện hạt nhân.
Thanh Huyền
>>
- Quy hoạch khu kinh tế cửa khẩu Đồng Tháp thành khu vực đô thị biên giới phát triển
- Phục hồi hoàn chỉnh di tích cố đô Huế vào năm 2020
- Xử lý môi trường tại các điểm ô nhiễm nặng dioxin
- Quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở
- Công bố Khu dự trữ sinh quyển thế giới Kiên Giang
- Bốn tòa nhà Việt Nam đoạt giải hiệu quả năng lượng
- Sẽ xây dựng 5 cổng chào lớn vào trung tâm Hà Nội
- Đề xuất xây tuyến tàu điện trên cao ở Hà Nội để giảm ùn tắc
- Hà Nội: Cấp bách cải tạo, vệ sinh sông Tô Lịch, Kim Ngưu
- Quốc hội 'bác' dự án đường sắt cao tốc