Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Tin tức Việt Nam Hà Nội hạ mức đầu tư "chống ùn tắc" còn 9,2 tỷ USD

Hà Nội hạ mức đầu tư "chống ùn tắc" còn 9,2 tỷ USD

Viết email In

Trước những ý kiến cho rằng mức đầu tư 13 tỷ USD để giải quyết ùn tắc giao thông là quá cao, chiều 17/5, UBND Hà Nội đã rà soát, điều chỉnh xuống còn 9,2 tỷ USD. Hàng loạt công trình lớn dự kiến hoàn thành trong 5 năm tới.

Theo kế hoạch tới năm 2015, Hà Nội sẽ hoàn thành quốc lộ 32 (đoạn Cầu Diễn - Nhổn), đường nối Nhật Tân - Nội Bài, đường 1A cũ đoạn Cầu Chui - Cầu Đuống, đường 1A cũ đoạn Văn Điển - Ngọc Hồi, quốc lộ 2 đoạn Phù Lỗ - Nội Bài…

Các tuyến vành đai sẽ hoàn thành, như vành đai 1 đoạn Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu, Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái. Với đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục sẽ được chuẩn bị đầu tư cùng với tuyến đê Hữu Hồng (từ cầu Nhật Tân đến cầu Chương Dương).

Vành đai 2 sẽ hoàn thành đoạn Nhật Tân - Bưởi, cầu Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng và đường trên cao Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở. Vành đai 3 sẽ hoàn thành toàn tuyến từ Pháp Vân đến cầu Thăng Long.

Các tuyến đường trục chính nội đô sẽ được hoàn thành, như: Văn Cao - Hồ Tây, Cát Linh - La Thành, Yên Hòa - Bảo tàng Dân Tộc học, Kim Mã - Trần Phú, Tôn Thất Tùng - vành đai 3, Núi Trúc - Sơn Tây, Tây Thăng Long...

Các cây cầu qua sông cũng được đại diện ban ngành rà soát và đưa ra tiến độ thực hiện như hoàn thành các cầu Đông Trù, Nhật Tân, Vĩnh Tuy giai đoạn 2 và cầu Đuống. Ngoài ra, thành phố sẽ chuẩn bị đầu tư các cầu mới, như: Tứ Liên, Hồng Hà, Mễ Sở, Thượng Cát.

Hà Nội cũng phấn đấu hoàn thành 2 tuyến đường sắt đô thị là Nhổn - ga Hà Nội, Cát Linh - Hà Đông đến năm 2015.

Theo đề án đã được chỉnh sửa, Sở Giao thông Vận tải đề xuất nhu cầu vốn cho hạ tầng giao thông thành phố là 190.487 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương hơn 7.000 tỷ đồng, ngân sách thành phố hơn 130.000 tỷ đồng, vốn ODA 12.500 tỷ đồng và vốn xã hội hóa là 40.000 tỷ đồng.

Tại cuộc họp, Phó chủ tịch thành phố Nguyễn Văn Khôi nhấn mạnh, đến năm 2015 Hà Nội cần có đột phá như giải quyết ách tắc cục bộ tại 9 nút giao và các đường ngang; hoàn thành tuyến vành đai 3, vành đai 2 trên cao và các trục hướng tâm như các quốc lộ 32, 6, 1A cũ và đường Tây Thăng Long; xây dựng xong đường sắt đô thị và xe buýt nhanh.

"Hà Nội phải có các vành đai và đường trục đô thị là điểm nhấn để giải quyết ách tắc cục bộ. Các quận cũng phải có đường trục chính", ông Khôi nhấn mạnh.

Trước đó, ông Trần Đức Vũ, Phó giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư, nhận định thành phố cần chốt một số công trình trọng điểm là điểm nhấn chứ không đầu tư dàn trải và chốt một số mốc hoàn thành.

Đại diện Sở Quy hoạch Kiến trúc cũng bày tỏ, cần xác định công trình nào được đầu tư bằng nguồn xã hội hóa để kêu gọi doanh nghiệp đầu tư. Bên cạnh đó, thành phố cần xác định các công trình giao thông phía tây và nội đô được đầu tư trước để thúc đẩy những khu đô thị vệ tinh phát triển ở khu vực này.

Đoàn Loan - Ảnh: Hoàng Hà

 

"13 tỷ USD cho giao thông Hà Nội là quá lớn" 

Các chuyên gia giao thông cho rằng 260.000 tỷ đồng (tương đương 13 tỷ USD) chiếm hơn 20% GDP của Hà Nội là số tiền quá lớn và khó khả thi.

Chuyện sáng sáng hàng nghìn người mắc kẹt ở những tuyến đường nội đô như Nguyễn Lương Bằng, Ngã Tư Sở đã trở thành cơm bữa. Thậm chí Đại lộ Thăng Long, nơi giao với đường Phạm Hùng, Trần Duy Hưng, Khuất Duy Tiến, vốn được coi là trục hiện đại nhất VN vào giờ tan tầm cũng chật cứng. Đánh giá cao đề xuất “thay áo” cho hạ tầng giao thông Hà Nội, song không ít chuyên gia lo ngại về kinh phí đầu tư lên tới 13 tỷ đôla.

  • Ảnh bên : Đường Hoàng Minh Giám thường xuyên bị tắc vào buổi sáng (Ảnh: Hoàng Hà)

Tiến sĩ Khuất Việt Hùng, Trưởng bộ môn Quy hoạch quản lý giao thông vận tải, Đại học Giao thông Vận tải cho rằng, cần cân nhắc số vốn bỏ ra. Hà Nội cần 260.000 tỷ đồng trong 5 năm để giải quyết ách tắc giao thông tương ứng với số tiền mỗi năm là 52.000 tỷ đồng. Trong khi đó, GDP Hà Nội năm 2010 là 238.000 tỷ đồng. Nếu so sánh với GDP Hà Nội, thì số tiền chi cho hạ tầng giao thông mỗi năm sẽ bằng khoảng 22%.

Hiện nay, cả nước chỉ đầu tư cơ sở hạ tầng cho giao thông một số tiền bằng khoảng 3,5% GDP mỗi năm. Thông thường các nước trên thế giới, ngay cả trong giai đoạn phát triển nóng, cũng chỉ đầu tư cho giao thông khoảng 7-8% hoặc cao nhất là 10% GDP. Do đó, ông Hùng cho rằng Hà Nội bỏ ra số tiền chiếm tới hơn 20% GDP, gấp đôi các nước khác, gấp 6 lần cả nước là một con số kỷ lục.

“Nếu chi một tỷ lệ chiếm tới 22% GDP cho giao thông thì chúng ta sẽ không còn tiền để đầu tư vào các lĩnh vực khác như y tế, giáo dục, nhà ở… Hơn nữa, nguồn thu ngân sách của Hà Nội chỉ khoảng 60.000-70.000 tỷ đồng mỗi năm”, ông Hùng lo ngại.

Ông Hùng đề xuất, Hà Nội chỉ nên bỏ ra số tiền bằng khoảng 10% GDP cho giao thông. Trước mắt, hạ tầng ở những nút cổ chai cần được mở rộng như vành đai 2, đoạn Ngã Tư Sở đến cầu Vĩnh Tuy. Ông Hùng cho rằng, mỗi năm, Hà Nội chỉ nên tăng khoảng 5% diện tích mặt đường. Đến năm 2015 chưa có đường sắt đô thị, cần phải kiểm soát phương tiện cơ giới cá nhân, đặc biệt là ôtô. "Lượng ôtô vào nội đô quá nhiều. Giờ cao điểm, Hà Nội có thể thu phí đỗ ôtô cao hơn để hạn chế luồng ôtô vào thành phố", ông Hùng chia sẻ.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô cũng cho rằng cho rằng, trong hoàn cảnh cắt giảm đầu tư công như hiện nay thì việc huy động vốn lên tới hơn 3 tỷ đôla từ ngân sách nhà nước và thành phố không đơn giản. Ngoài ra, theo ông Hùng, việc kêu gọi vốn thi công đường cao tốc không được nhiều nhà đầu tư mặn mà vì thực tế khả năng hoàn vốn thấp. "Bangkok có tới 3 triệu ôtô, Seoul hơn 4 triệu ôtô, trong khi đó cả VN mới chỉ có khoảng một triệu ôtô. Lượng ôtô trên đường cao tốc không cao dẫn đến số tiền thu phí thấp nên chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư", ông Hùng cho hay.

Ông Hùng cho rằng, Hà Nội phải căn cứ vào nguồn vốn tập trung cho các khu vực "cốt tử" như một số cây cầu dang dở và các đường quốc lộ nối từ Hà Nội tới Hải Phòng, Bắc Ninh, Hà Nam, Thanh Hóa thay vì tập trung vào một số tuyến đường của huyện.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, cần phối hợp giữa các bộ ngành trước khi nâng cấp hạ tầng giao thông. Bà Lan minh họa, giao thông chưa phối hợp được với các ngành liên quan nên đã có tình trạng nhiều tuyến đường như Hoàng Quốc Việt, Trần Hưng Đạo vừa làm xong thì “ông nhà đèn” lại đào tung lên để hạ cáp ngầm. Ngoài ra, chất lượng cơ sở hạ tầng chưa tốt, dự án xây dựng chưa bao lâu đã xuống cấp điển hình là Đại lộ Thăng Long.

“Nên chờ quy hoạch chung của thủ đô được thông qua trước khi trình đề án kế hoạch phát triển hạ tầng đô thị. Ngoài ra, cần phát triển theo hướng mở dần ra phía ngoài, giãn dân ở nội đô thì mới giảm sức ép dân số, bà Lan lo ngại.

Theo giải trình của Sở Giao thông Vận tải, số vốn bỏ ra từ ngân sách thành phố và trung ương lên tới hơn 3,3 tỷ đôla (khoảng hơn 65.000 tỷ đồng). Vốn ODA, BT, BOT và PPP khoảng 9,5 tỷ đôla (gần 200.000 tỷ đồng). Hà Nội cần vốn tập trung xây dựng các tuyến vành đai là khoảng 102.000 tỷ đồng, các trục chính đô thị hơn 50.000 tỷ đồng, quốc lộ hướng tâm 15.800 tỷ đồng... Ngoài việc phát triển đường vành đai, đường tỉnh lộ, Hà Nội còn dự kiến phát triển xây dựng một số trục chính của các huyện Ba Vì, Mỹ Đức, Sóc Sơn...

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho biết, nguồn vốn sẽ được huy động từ nhiều kênh khác nhau, như ngân sách trung ương, thành phố và xã hội hóa... "Đề án mới đang trình sở ban ngành để xin ý kiến đóng góp. Tất cả ý kiến sẽ được Sở xem xét tiếp thu", ông Hùng nói.

Hoàng Lan 

[ Chuyên đề : Giao thông đô thị

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo