Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Tin tức Việt Nam Pháp muốn tài trợ vốn cho các dự án hạ tầng của TPHCM

Pháp muốn tài trợ vốn cho các dự án hạ tầng của TPHCM

Viết email In

Tuyến xe buýt nhanh (BRT), nhà máy xử lý bùn Đa Phước và nâng cấp hệ thống đê bao sông Sài Gòn là ba dự án hạ tầng ở TPHCM mà Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) đặc biệt quan tâm.

Tại cuộc họp ngày 6/9 với Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân TPHCM Nguyễn Hữu Tín, cả hai vị giám đốc cũ và mới của AFD là Alain Henri và Jean-Marc Gravellini đều tỏ ý sẵn sàng tham gia tài trợ vốn không chỉ cho các công trình này mà cả những dự án mới.

Theo báo cáo tóm lược của Sở Kế hoạch Đầu tư TPHCM, tuyến xe buýt nhanh (BRT) là một trong số hai hợp phần của dự án “Giao thông xanh” dự kiến sẽ tiến hành trong giai đoạn 2012 – 2014 với tổng kinh phí dự trù là 290 triệu đô la Mỹ.

  • Ảnh bên: Cựu giám đốc Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tại Việt Nam Alain Henri (giữa) và tân giám đốc Jean-Marc Gravellini (trái) tại cuộc họp với Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân TPHCM Nguyễn Hữu Tín trưa 6/9/2011 (Ảnh: Kinh Luân)

Để triển khai sớm dự án này, trước đây Ủy ban Nhân dân TPHCM đã gửi công văn lên Bộ Kế hoạch Đầu tư đề nghị đưa dự án này vào chương trình tài trợ vốn cho Việt Nam giai đoạn 2012 – 2014 của Ngân hàng Thế giới (World Bank – WB) và câu trả lời có lẽ chỉ có được sau phiên họp ngày 12/9 tới đây giữa bộ và WB.

Mặc dù chưa có quyết định chính thức nhưng nhà tài trợ này đã cử tư vấn vào TPHCM giúp xây dựng nghiên cứu khả thi, thậm chí cả việc lập hồ sơ xin vay vốn thực hiện công đoạn này. Trong bối cảnh ấy, tại cuộc họp ngày 6/9, ông Henri - người vừa kết thúc nhiệm kỳ 4 năm làm giám đốc AFD tại Việt Nam - đã nhấn mạnh rằng “AFD sẵn sàng phối hợp với WB tài trợ vốn cho dự án BRT”.

Bổ sung thêm cho người tiền nhiệm của mình, ông Gravellini giải thích: "Chúng tôi có nhiều giải pháp tài chính phù hợp với các đối tượng khác nhau… Việc cho vay có thể thông qua những định chế tài chính như đã làm trong nhiều năm qua với Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TPHCM. Ngoài ra, AFD cũng có thể cho vay trực tiếp”.

Về dự án nhà máy xử lý bùn Đa Phước, cũng theo bản báo cáo trên thì đây là đề xuất của Công ty Thoát nước đô thị nhưng đến nay vẫn chưa được Sở Tài nguyên Môi trường TPHCM xem xét “do không đủ cơ sở”- cụ thể là chưa xác định rõ đầu vào, công nghệ xử lý, nguồn vốn... Trả lời lãnh đạo AFD, ông Tín cho biết hiện thành phố đã dành 40 hec ta để xây dựng nhà máy này dù chưa đưa vào danh mục xin vay vốn ODA. “Tuần trước tôi đã làm việc với WB, và nhà tài trợ này không phản đối việc hỗ trợ vốn cho dự án. Tuy nhiên, tất cả chỉ mới trong bước đầu thương thảo”, ông Tín nói. 

Trả lời ông Henri về sự chậm trễ của dự án nâng cấp đê bao sông Sài Gòn, ông Tín cho biết là ủy ban sẽ làm việc với các đơn vị và địa phương có liên quan để đẩy nhanh tiến độ di dời các hộ dân, sớm giải phóng mặt bằng - cụ thể là Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn TPHCM (tả ngạn) và Ban quản lý Đầu tư Xây dựng dự án thủy lợi 9  - ICMV9 (hữu ngạn).

Ông Tín cũng đề nghị AFD hợp tác chặt chẽ hơn nữa với Sở Kế hoạch Đầu tư để nắm được nhu cầu vốn trong nhiều dự án khác mà thành phố sẽ triển khai trong thời gian tới, đặc biệt là trong lãnh vực hạ tầng và môi trường đô thị.

Kinh Luân 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo