Vào thời Lý, ở nước ta có lệ phong đất cho những người có công to với đất nước bằng cách “phóng lao”. Người được phong chọn một đỉnh núi cao rồi phóng cây lao bay xa hết mức có thể, bay xa bao nhiêu thì vua cấp bấy nhiêu đất, đất phong này gọi là “đất phóng lao”. Trước khi thủ đô Hà Nội được mở rộng thêm gấp 3,6 lần, các quan ở tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc) và bốn xã của huyện Lương Sơn (tỉnh Hoà Bình) cũng mở một đợt “phóng lao” như vậy. Chỉ khác là con cháu ngày nay hiện đại hơn các cụ ngày xưa, không tốn cây lao nào mà chỉ cần cây bút với con dấu. Với quyết tâm “cải cách hành chính”, trong một thời gian ngắn, các quan tỉnh này đã kịp phê duyệt 772 dự án, giao 76.695ha đất dù những cá nhân và công ty được phong đất có lẽ không có công lao đến cỡ “vị quốc vong thân” như các bậc danh tướng ngày xưa.
Vua nhà Lý dùng lao phong đất thì quốc thái dân an, người người đều phục còn các quan ở Hà Tây, Vĩnh Phúc và Hoà Bình “phóng” xong thì dân ta thán, cấp trên phẫn nộ, nhà đầu tư kêu trời. Dân vì mất đất mà bức xúc. Chính phủ không muốn thủ đô mở rộng trở nên lộn xộn nên đình chỉ tất cả dự án, làm nhà đầu tư cũng “méo mặt”. Còn theo kết luận của tổ công tác rà soát các đồ án quy hoạch và dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội, các dự án này đã làm tiềm ẩn một tương lai “phát triển không bền vững cho thủ đô”.
Chưa biết có tiêu cực hay uẩn khúc gì trong vụ “phong đất thủ đô” này hay không, chỉ xét về mặt văn hoá thì dường như các quan tỉnh Hà Tây, Vĩnh Phúc và Hoà Bình vẫn còn cái “tư duy phong đất” của thời phong kiến. Xưa, toàn bộ đất đai là thuộc sở hữu của nhà vua, dân chỉ là người đi mướn đất của vua để cày cấy và phải nộp tô thuế, đi phu đi lính. Nay, theo luật, “đất đai là sở hữu toàn dân, do nhà nước quản lý”. Như vậy nhân dân mới là người chủ hợp pháp của toàn bộ đất đai. Nhưng trong trường hợp Hà Nội mở rộng vừa qua, các quan đại diện cho Nhà nước lại giống như ông vua đem đất đai “sở hữu toàn dân” phong cho một số cá nhân và công ty. Quyền lực giao đất của các ông vua này được đảm bảo bằng quy định: “Nhà nước thu hồi đất khi có nhu cầu sử dụng đất vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và phát triển kinh tế”. Nhiều người dân vì cái “lợi ích” mơ hồ này mà sáng ngủ dậy bỗng mất đi mảnh đất bao năm gắn bó và thấy mình trở thành những cư dân không “tấc đất cắm dùi” của thành phố Hà Nội mở rộng.
Đất đai là căn bản của một quốc gia nông nghiệp như Việt Nam. Xin đừng để cái “văn hoá cấp đất” theo kiểu phong kiến sống dậy ở đất nước “của dân, do dân và vì dân” này.
Đinh Quang Duy
[ Chuyên đề : Quy hoạch Hà Nội mở rộng ]
- 556 dự án nhà ở xã hội, hơn 80.149 tỉ đồng ngân sách: Không chắc có người mua
- Về mạng lưới chợ Hà Nội xưa và nay
- Bao giờ Việt Nam có đô thị sinh thái?
- Để không còn chia chác đất công
- Bán đảo "treo"
- Tính chuyện xóa những khu “ổ chuột”
- Tham vấn công chúng
- Thừa Thiên Huế : Cả tỉnh "lên" thành phố
- Hà Nội sau một năm mở rộng: Những dự án dang dở
- Hà Nội sau một năm mở rộng: Thương tiếc đồng quê