Ashui.com

Saturday
Nov 23rd
Home Tương tác Nhìn ra thế giới Thử chui vào bộ não của Nữ thần Tự do

Thử chui vào bộ não của Nữ thần Tự do

Viết email In

4/7 tới đây, ngày quốc khánh của nước Mỹ, người ta lại có cơ hội leo lên độ cao 90 mét để ngắm nhìn New York từ… trong vương miện của Nữ thần Tự do, sau gần 8 năm đóng cửa. Trước ngày mở cửa lại chính thức nói trên, phóng viên tạp chí Spiegel (Đức) đã tìm cách leo trước “lên đầu” bức tượng khổng lồ xem nó thú vị như thế nào.


Lady Liberty nhìn ra cảng New York, như một nữ thần chào đón những người nhập cư, vượt đại dương đến với nước Mỹ

Tượng đài có tên chính thức là Tự do soi sáng thế giới (Liberty Enlightening the World), nhưng trong ngôn ngữ hàng ngày, người Mỹ vẫn gọi là “Lady Liberty”, được dịch một cách mỹ miều sang tiếng Việt là Nữ thần Tự do. Bộ óc của Lady Liberty thật ra là một phòng rỗng, tường gồ ghề, trần thấp và rất bí. Để lên tới căn phòng nhỏ hẹp này, du khách phải leo 354 bậc thang hình xoáy trôn ốc. Lúc đầu, các bậc thang còn khá rộng rãi và thoải mái đối với du khách. Càng lên cao, chiếc cầu thang xoáy trôn ốc càng thắt lại và cuối cùng là những bậc thang vừa dốc vừa nhỏ hẹp. Dần dần, du khách cũng leo lên tới vương miện sau khi đã chứng kiến “bộ xương” của Nữ thần Tự do thật ra chỉ là một kết cấu gồm những thanh thép chịu lực, được bao bọc bởi một “lớp da” là những lá đồng mỏng, chỉ dày có 2,4mm, tán đầy đinh.


Vành vương miện của Nữ thần Tự do có 25 ô tượng trưng cho 25 loại đá quý của thế giới và có 7 tia tượng trưng cho 7 lục địa cũng như 7 đại dương.

Phần vương miện nằm ở độ cao khoảng 90 mét, chỉ chứa được tối đa 10 người và dĩ nhiên không dành cho các du khách yếu tim, sợ độ cao. Do vỏ tượng rất mỏng, nên chỉ cần một máy bay trực thăng bay qua nó đã rung lên bần bật.

Vành vương miện của Nữ thần Tự do có 25 ô tượng trưng cho 25 loại đá quý của thế giới. Đây cũng chính là những ô cửa sổ để du khách nhìn ra ngoài. Trước khi tới phần trán, những ô này nằm chéo góc. Ở phía trái, những du khách nào dũng cảm cố nghiêng người theo chiều nghiêng của ô kính có thể nhìn thấy những người bảo vệ ở dưới chân tượng, trông bé xíu như những chú lính chì đồ chơi, cũng như một phần của thành phố New York. Từ những ô cửa này, người ta còn có thể nhìn từ cự ly gần cánh tay phải giơ ngọn đuốc của Nữ thần với những “mạch máu” nổi rõ. Riêng cánh tay này đã cao 12,8 m, trong đó ngón tay trỏ dài tới 2,4 m. Khi ngoặt vào đoạn các ô cửa ở phần trán, khách tham quan sẽ thấy 7 tia của vương miện, tượng trưng cho 7 lục địa hoặc 7 đại dương, tùy theo niềm tin của mỗi người.


Lúc đầu, các bậc thang còn khá rộng rãi...

Ngày nay, các cửa sổ đều có vách kính chịu lực. Trước đây thì không như vậy. Vì thế một anh chàng có tên là Ralph Gleason đã được “lưu danh sử sách” với tư cách là người đầu tiên và cũng là duy nhất cho tới nay tự tử... thành công từ vương miện của Lady Liberty. Chuyện xảy ra năm 1929, được những người chứng kiến kể lại với tờ New York Times như sau: Gleason đã chui qua một ô cửa, không hiểu thế nào lại cố gắng quay trở lại, nhưng đã bị trượt trân và “như một trái táo rụng rơi đánh bịch xuống bộ ngực của pho tượng”, tiếp đó rơi xuống thảm cỏ dưới chân tượng và dĩ nhiên chết ngay tại chỗ.

Muốn gây tiếng vang, một tên khủng bố chắc chắn sẽ nghĩ ngay tới việc phải cố gắng tấn công một điểm như tượng Nữ thần Tự do” - ông Darren Boch, một trong những người quản lý tượng đài này, nói. Đó cũng chính là lý do vì sao nhà chức trách đã ngưng không cho du khách tham quan bên trong Lady Liberty suốt gần 8 năm nay. Sau vụ tấn công khủng bố đánh sập Tháp đôi WTC ngày 11/9/2001, việc leo lên vương miện của tượng Nữ thần Tự do bị coi là mạo hiểm, do cầu thang quá nhỏ hẹp không đủ chỗ cho du khách thoát hiểm và lính cứu hỏa làm việc, trong trường hợp bất trắc xảy ra.


... sau đó chúng bị thu hẹp lại thành những bậc thang vừa nhỏm  vừa dốc hình xoáy trôn ốc
 
Kể từ năm 2004 đến nay, sau khi khu tượng đài này được tu bổ tốn phí hết 20 triệu USD, trong đó có một loạt các biện pháp an ninh được thiết lập, phần trong của bệ tượng cao 47 mét đã được mở cửa lại cho du khách. Nhưng việc tham quan phần trong của tượng nữ thần cao 46m vẫn không được phép cho tới ngày 4/7 tới đây.

Khi Bộ trưởng Nội vụ Mỹ Ken Salazar đề nghị phần trong của tượng Nữ thần Tự do cũng cần phải được mở cửa trở lại, ông đã vấp phải sự phản đối kịch liệt của Cơ quan dịch vụ công viên New York. Tại một phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ năm 2007, Phó giám đốc cơ quan này là Daniel Wenk cảnh báo nhà điêu khắc Pháp Bartholdi khi xây dựng bức tượng hoàn toàn không tính tới việc cho du khách leo lên đỉnh tượng đài, bởi cầu thang xoáy trôn ốc “được ông thiết kế chỉ dành riêng cho đội ngũ nhân viên tu bổ tượng đài, chứ không hề dành cho hàng nghìn du khách lên xuống mỗi ngày”.


Trước khi tới phần trán, những ô cửa sổ nằm chéo góc...

Khi tượng Nữ thần Tự do được trao cho Cơ quan dịch vụ công viên New York quản lý hồi năm 1933, đảo Tự do chỉ đón có 200.000 du khách/năm. Nhưng hiện tại con số này đã lên tới 2,5 triệu khách/năm, nghĩa là trung bình khoảng 7.000 người/ngày. Chắc chắn là cái cầu thang xoáy chôn ốc mỏng mảnh đó không thể nào tải nổi lượng khách khổng lồ như vậy.

Theo ban quản lý tượng Nữ thần Tự do, cách duy nhất để giải quyết tình trạng tắc nghẽn bên trong tượng là xây dựng một tòa tháp 22 tầng bên cạnh tượng và có cầu thang lên xuống rộng rãi. Nhưng khốn nỗi đây lại là một đề nghị “không thể nào chấp nhận” vì nó phá vỡ hoàn toàn cảnh quan của bức tượng cũng như hòn đảo Tự do.


...và đích cuối cùng: Bên trong vương miện của Nữ thần Tự do chỉ đủ chỗ cho 10 du khách không phải là những kẻ yếu tim hoặc sợ độ cao
 
Tuy nhiên phe ủng hộ việc mở cửa lại, trong đó tích cực nhất là nghị sĩ Dân chủ Anthony Weiner - người rất có thể sẽ ra tranh chức Thị trưởng New York vào năm tới - đã thắng thế. Rốt cuộc, người ta cũng tìm ra một giải pháp mang tính thỏa hiệp. Bắt đầu từ 4/7/2009, các du khách sẽ được chia thành mỗi nhóm 10 người, lần lượt vượt 354 bậc thang xoáy trôn ốc leo lên vương miện của Nữ thần Tự do.

Có nghĩa trung bình mỗi ngày chỉ có vài trăm người vinh dự được leo lên đỉnh tượng. Những người này được chọn một cách bất kỳ qua hình thức quay xổ số.

QUÀ TẶNG CỦA NGƯỜI PHÁP

Theo kế hoạch ban đầu, lẽ ra người Pháp tặng Tượng Nữ thần Tự do cho nước Mỹ đúng vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày nước Mỹ tuyên bố độc lập (1776- 1876). Năm 1871, nhà điêu khắc Pháp Frédéric Bartholdi, tác giả tượng Nữ thần Tự do, đã chọn đảo Bedloe làm nơi đặt tượng.

Tuy nhiên sau một thời gian dài tranh cãi với việc nhiều bản thiết kế, trong đó có thiết kế tượng Nữ thần Tự do cầm ngọn đuốc bằng tay trái - bị bác bỏ, công việc xây dựng “biểu tượng của nước Mỹ” mới được bắt đầu và mãi tới ngày 4/7/1884, bức tượng mới được Pháp chính thức giao cho nhân dân Mỹ.

Bức tượng đồng cao 46 m và nặng 204 tấn này được đúc ở Paris, sau đó được tách ra thành 350 chi tiết và được vận chuyển bằng tàu thủy đến New York trong 214 chiếc thùng gỗ lớn.

Hơn hai năm sau vào ngày 28/10/1886, khu tượng đài Nữ thần Tự do ở New York mới được Tổng thống Mỹ thời đó là Grover Cleveland cắt băng khánh thành. Trùm xuất bản Joseph Pulitzer là người quyên góp nhiều tiền nhất cho việc xây dựng phần bệ tượng cao 47 m, theo thiết kế của kiến trúc sư Mỹ Richard Morris Hunt. 

Minh Bích (dịch)


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...