Ashui.com

Tuesday
Dec 03rd
Home Tương tác Phản biện Vai trò của quy hoạch đô thị trong việc giải quyết ngập lụt tại TPHCM

Vai trò của quy hoạch đô thị trong việc giải quyết ngập lụt tại TPHCM

Viết email In

Bài viết này được tổng hợp, phân tích từ những nghiên cứu đã có về quy hoạch và phát triển đô thị trong việc ứng phó với tình hình ngập lụt và thích ứng với biến đổi khí hậu, được đối chiếu và bổ sung trong chuyến khảo sát thực địa và làm việc với các chuyên gia về quy hoạch đô thị và biến đổi khí hậu tháng 2/2012.

Nghiên cứu này tổng hợp thực trạng của vấn đề ngập lụt tại TP. Hồ Chí Minh mà đang ngày một nghiêm trọng hơn trong hơn 10 năm qua và sẽ còn nghiêm trọng hơn nữa dưới tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Nghiên cứu chỉ ra nguyên nhân chủ yếu là do phát triển đô thị thiếu hợp lý. Để giải quyết vấn đề, tác giả đặc biệt nhấn mạnh vai trò của công tác quy hoạch đô thị trong việc xây dựng các biện pháp thích ứng đối với các vấn đề do chính quy hoạch và quản lý đô thị chưa tốt gây ra.

Bối cảnh

Nói đến tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) tại Việt Nam có lẽ người ta nói đến TP. Hồ Chí Minh nhiều nhất, ngay cả khi hiện nay những tác động do BĐKH chưa thực sự rõ nét. Và nói đến siêu đô thị số 1 Việt Nam cũng là nói đến TP. Hồ Chí Minh bởi quy mô đô thị và vai trò, tầm cỡ về phát triển kinh tế của nó. Dường như mối liên hệ giữa những rủi ro và sự tổn thất thường được quan tâm nhiều hơn ở những nơi mà sự can thiệp của con người đã trở nên quá mạnh. 


Thống kê số vị trí ngập nước tại các quận vùng trung tâm và các quận vùng ngoại vi thuộc khu vực TP. Hồ Chí Minh từ năm 2003 đến năm 2011. (Nguồn: Trung tâm điều hành Chương trình chống ngập nước TP. Hồ Chí Minh, 2011)

Vấn đề ngập lụt đô thị đã xuất hiện tại TP. Hồ Chí Minh từ nhiều năm nay nhưng đặc biệt trở nên nghiệm trọng trong hơn 10 năm gần đây. Sau khi điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP. Hồ Chí Minh đến năm 2020 được phê duyệt (năm 1998), thành phố đã lập quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 752/QĐ-TTg ngày 19/06/2001 nhằm giải quyết ngập do mưa, xử lý nước thải cho khu vực trung tâm bằng việc nâng cấp, cải tạo hệ thống thoát nước và xây dựng hệ thống thu gom nước thải. Năm 2008, thành phố cũng đã lập quy hoạch thủy lợi chống ngập úng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1547/QĐ-TTg ngày 28/10/2008 nhằm giải quyết ngập do triều cường và điều tiết lũ thượng nguồn trên cơ sở thực hiện xây dựng tuyến đê bao khép kín từ Bến Súc đến sông Kinh Lộ và bao bọc quanh địa phận tỉnh Long An với 13 cống kiểm soát triều lớn và nạo vét, cải tạo các kênh trục để điều tiết lũ, đồng thời nghiên cứu xây dựng các hồ điều tiết nước.

Thực hiện theo các quy hoạch, đến nay thành phố đã triển khai cơ bản hoàn thành một số dự án lớn về thoát nước và vệ sinh môi trường như dự án Vệ sinh môi trường thành phố - lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Cải thiện môi trường nước thành phố - lưu vực Tàu Hủ - Bến Nghé - kênh Đôi - kênh Tẻ, Cải tạo hệ thống thoát nước rạch Hàng Bàng, Nâng cấp đô thị thành phố - lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm... với tổng mức đầu tư hơn 1 tỉ đô la Mỹ. Việc thực hiện các dự án bước đầu đã đem lại hiệu quả rõ rệt. Số lượng các điểm ngập đã giảm dần tại khu vực trung tâm. Số điểm ngập do mưa giảm từ 126 điểm (năm 2008) xuống còn 31 điểm (năm 2011), số điểm ngập do triều giảm từ 95 điểm (năm 2008) xuống còn 09 điểm (năm 2011). 

Tuy nhiên số điểm ngập lại đang có xu hướng tăng lên tại khu vực ngoại vi thành phố. Điều đó cho thấy tốc độ phát triển hệ thống thoát nước không theo kịp tốc độ đô thị hóa và chưa quan tâm đến vấn đề BĐKH và nước biển dâng (NBD) trong các quy hoạch. Các hoạt động chống ngập của thành phố mới chỉ tạm thời cải thiện được tình hình ngập lụt khu vực trung tâm. 08 vùng còn lại trong số 12 lưu vực (chia lưu vực theo Điều chỉnh quy hoạch chung TP. Hồ Chí Minh đến năm 2025 phê duyệt năm 2010) là những vùng nội thành phát triển và ngoại thành (khu vực phát triển đô thị mới) đều chưa có quy hoạch chi tiết hệ thống thoát nước.

Trong bối cảnh đó, các tác động của BĐKH và NBD đã được ghi nhận rõ ràng tại TP. Hồ Chí Minh. Số liệu đo đạc cho thấy, tại TP. HCM và Cần Thơ, nhiệt độ đang tăng lên, cụ thể: từ năm 1960 đến 2005 tăng 0,02oC; từ 1991 đến 2005 tăng lên 0,033oC. Tại thành phố Vũng Tàu, từ năm 1960 đến năm 2005 tăng 2oC. Ngoài ra, mực nước cao nhất đo tại trạm Phú An trên sông Sài Gòn dâng lên khoảng 20cm so với cách đây 10 năm. Vào cuối tháng 11/2008, tại TP. HCM, triều cường đã đạt mức đỉnh trong vòng 50 năm qua [1].

Theo đánh giá của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu IPCC (2007) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế OECD (2008), TP. HCM nằm trong danh sách 10 thành phố bị đe doạ nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu (BĐKH). Thành phố cũng xếp thứ 5 về dân số có thể bị ảnh hưởng của BĐKH vào năm 2070. Kịch bản của Bộ Tài nguyên Môi trường cho biết nếu mực nước biển dâng thêm 75cm thì TP. HCM sẽ có khoảng 204 km2 diện tích đất bị ngập. Nếu mực nước biển dâng khoảng 100cm, diện tích đất bị ngập sẽ tăng lên gấp đôi, tức là khoảng 472 km2.

Theo kết quả nghiên cứu của ICEM (2009), đến năm 2050, khoảng 30-70% hệ thống giao thông của TP có nguy cơ ngập lụt. Gần 70% diện tích đất nông nghiệp còn lại của thành phố có nguy cơ nhiễm mặn 4o/oo. Khoảng 50% nhà máy cấp nước mặt và nước ngầm có nguy cơ ngập lụt và nhiễm mặn 1o/oo. 60% nhà máy xử lý nước thải và 90% bãi chôn lấp rác thải của thành phố có nguy cơ ngập lụt. Hiện TP. HCM có 154 xã, phường thường xuyên ngập úng. Đến năm 2050 sẽ tăng lên 177 xã, phường chiếm 61% diện tích toàn thành phố. Đặc biệt, khi có bão sẽ có thêm 30 xã bị ảnh hưởng, điều đó có nghĩa sẽ có 142.000 ha bị ngập úng khi có bão bất thường vào năm 2050.

  • Ảnh bên: Dự báo phạm vi ngập cực đoan tại TP.HCM đến năm 2050 (Nguồn: ICEM, 2009)

 

Nguyên nhân

Nguyên nhân ngập úng do địa hình và điều kiện khí tượng, thủy văn, hải văn

Nguyên nhân đầu tiên của tình trạng ngập lụt tại TP. HCM phải kể đến là do đặc điểm về điều kiện tự nhiên của thành phố như lượng mưa lớn, địa hình thấp, thủy triều, lũ thượng nguồn. Các đặc điểm về điều kiện tự nhiên này đã dẫn đến 3 hiện tượng ngập:
-    Ngập úng do triều: Do ảnh hưởng của triều biển Đông trong những lúc triều lên hoặc triều cường, mực nước trong sông, kênh lên cao gây khó khăn cho việc tiêu thoát đối với những vùng đất thấp, gây ngập. Mực nước triều lớn nhất ở khu vực TP. HCM dao động trong khoảng 1,5 m trong những đợt triều cường.
-    Ngập úng do mưa: Khi mưa với cường độ khoảng trên 40 mm, thời gian ngắn thường sinh ra ngập úng. Nếu mưa với cường độ lớn hơn, thời gian mưa tập trung dài hơn thì mức độ ngập úng càng nguy hiểm hơn.
-    Ngập úng do lũ: Ngoài lũ trực tiếp từ thượng lưu các sông Đồng Nai, Sài Gòn ảnh hưởng trực tiếp đến TP. HCM, lũ từ lưu vực sông Mê Kông thông qua hệ thống kênh rạch nối liền các sông Vàm Cỏ với vùng TP. HCM làm cho mực nước sông, kênh tăng cao, thậm chí tràn vào đồng ruộng gây ra ngập úng. Tuy nhiên, hiện nay đối với TP. HCM, ảnh hưởng ngập úng do lũ từ sông Mê Kông đã cơ bản được giải quyết nhờ có hệ thống cống kiểm soát lũ ở khu vực này.

Nguyên nhân ngập úng do đô thị hoá

Thay đổi sử dụng đất và bê tông hóa bề mặt:
Trong khi hiểm họa do mực nước biển dâng vẫn còn là mối đe dọa tiềm tàng trong tương lai thì những tác động tiêu cực của quá trình đô thị hóa thiếu kiểm soát có thể đang là nguyên nhân trực tiếp và gián tiếp của tình trạng ngập lụt tại TP. Hồ Chí Minh. Quá trình đô thị hóa tự phát hoặc đô thị hóa dưới những chính sách sai lầm về vị trí phát triển và cách thức phát triển đã gián tiếp gây nên ngập lụt. Điển hình là sự phát triển mạnh mẽ về phía Nam thành phố trên nền đất yếu và thấp hay sự phát triển tự phát hai bên bờ sông Sài Gòn về phía thượng lưu đã khiến cho hàng ngàn ha diện tích chứa nước bị biến mất. Việc đô thị hóa tại vùng ven đô, vốn trước kia sử dụng cho mục đích nông nghiệp, là nguyên nhân dẫn tới ngập lụt theo 2 cách: trước hết, diện tích hồ, ao và kênh, rạch bị san lấp tăng lên khiến cho khả năng chứa nước tại chỗ của khu vực này giảm xuống; sau đó, tỷ lệ diện tích bề mặt tự nhiên giảm xuống trong khi diện tích đất bi bê tông hóa tăng lên khiến cho lượng nước chảy bề mặt gia tăng vì không thấm được vào lòng đất. Quá trình đô thị hóa trong vòng 14 năm trở lại đây tại Tp HCM đã dẫn tới sự biến mất của 47 con kênh với tổng diện tích 16,4 hecta, san lấp 7,4 hecta hồ Bình Tiên, một trong số những hồ chứa quan trọng nhất của khu vực. Trong vòng chỉ 8 năm 2002-2009, khả năng chứa nước của hệ thống hồ, ao và vùng ngập nước trong thành phố giảm gần 10 lần [5].

Thống kê cho thấy diện tích bê tông hóa bề mặt của thành phố gia tăng nhanh hơn nhiều lần tốc độ tăng dân số. Trong vòng 17 năm, từ 1989 tới 2006, diện tích bê tông hóa bề mặt gia tăng 305,5% từ hơn 6000 hecta vào năm 1990 lên tới 24.500 hecta vào năm 2006, trong khi dân số thành phố chỉ tăng 79,5% trong thời kỳ 1990 - 2010. Việc chuyển đổi diện tích bề mặt tự nhiên vốn có khả năng thấm trung bình 50% lượng nước mưa thành bề mặt đô thị vốn chỉ thấm được bình quân 15% lượng nước mưa tất yếu làm gia tăng đáng kể lượng nước chảy trên bề mặt gây ra ngập lụt. Việc gia tăng diện tích bề mặt bị bê tông hóa không chỉ làm gia tăng lượng nước mưa chảy trên bề mặt vì không thể thấm xuống lòng đất, làm giảm lượng nước ngầm và gây lún cho đô thị, mà còn tạo ra hiệu ứng đảo nhiệt. Sự thay đổi về nhiệt độ bề mặt, và do đó nhiệt độ không khí, làm gia tăng cả về số lượng và quy mô những cơn mưa nhiệt đới trong khu vực.


Quá trình đô thị hóa tại TPHCM
(Nguồn: Nikken Sekkei, 2007)

Suy giảm diện tích cây xanh, diện tích thấm bề mặt:
Việc mất diện tích bề mặt tự nhiên không chỉ diễn ra đối với đất nông nghiệp ở vùng ven mà đồng thời xảy ra đối với diện tích công viên - cây xanh trong nội đô. Theo thống kê năm 1998, diện tích công viên của thành phố khoảng 1.000 héc ta. Đến nay toàn bộ diện tích công viên, vườn hoa và cây xanh dải phân cách trên địa bàn thành phố chỉ còn khoảng 535 héc ta, giảm gần 50% so với năm 1998. Nguyên nhân dẫn đến diện tích công viên bị thu hẹp đáng kể trong thời gian qua là do rất nhiều dự án khu dân cư không tuân thủ phát triển mảng xanh đúng như quy hoạch, nhiều diện tích đất dành cho phát triển mảng xanh lại bị sử dụng cho mục đích khác. Quy hoạch mạng lưới công viên cây xanh đến năm 2010 đã được UBND TP. HCM phê duyệt theo Quyết định 661/QĐ-UB-ĐT ngày 26/1/2000. Theo đó, chỉ tiêu diện tích công viên cây xanh đô thị đến năm 2010 phải đạt bình quân 6-7 m²/người (không kể cây xanh đường phố, cây xanh cách ly KCN, cây xanh khuôn viên nhà ở), tuy nhiên con số thống kê năm 2010 cho thấy chỉ tiêu này chỉ đạt 0,7 m2/người.


Thu hẹp dòng chảy tự nhiên

Hệ thống thoát nước không theo kịp tốc độ đô thị hóa và dòng chảy bị lấn chiếm: 
Trong khi khu vực ngoại thành thay đổi sử dụng đất mạnh mẽ và bê tông hóa thì tại khu nội thành, hệ thống tiêu thoát nước cũ kỹ, hư hỏng, không hoặc chưa được duy tu, bảo dưỡng, nạo vét thường xuyên hoặc chưa hoàn chỉnh… Hệ thống thoát nước tự nhiên kênh rạch, ao hồ bị san lấp thu hẹp dòng chảy như rạch Ông Kích, rạch Bà Lài, rạch Cụt, Bình Tiên, Bà Lài, Đầm Sen, ao Sen, v.v… Nhiều kênh rạch khác đang ở trong tình trạng báo động đỏ như rạch Lăng, rạch Bình Lợi, rạch Văn Thánh… cho nên khi có mưa (dù mưa vừa) cũng đã gây nên ngập úng nhiều khu vực của thành phố [7].


Xả rác xuống kênh gây tắc nghẽn dòng chảy

Lún bề mặt:
Nhiều khu vực ở TP Hồ Chí Minh đang lún nhanh và không có dấu hiệu dừng lại. Trong 116 tuyến đường thường xuyên bị ngập do triều cường thì có 79 tuyến đường bị ảnh hưởng do lún mặt đất... Những dấu hiệu mặt đất lún ở TP Hồ Chí Minh đã xuất hiện từ năm 2003. Đó là những vụ sụp đất ở huyện Hóc Môn, quận 9 và hiện tượng các đường ống của nhiều giếng khoan ở quận Bình Tân, huyện Bình Chánh và Nhà Bè bị lồi lên khỏi mặt đất... Tại thời điểm năm 1996 – 1997, thành phố đã xảy ra lún nhưng mức độ không lớn. Nhưng sau thời gian này thì lún tăng dần, đặc biệt tăng nhanh từ năm 2004 đến nay. Nhiều khu vực trên địa bàn TP đã có sự thay đổi độ cao rất lớn, lún từ 20 đến 30cm; nhất là khi bị ảnh hưởng của việc thi công xây dựng công trình thì có nơi bị lún đến 50cm. Ở TP Hồ Chí Minh, từ năm 2000 mực nước ngầm hạ thấp từ 2 đến 3m/năm và liên tục từ 1994 đến 2004 đã hạ sâu 20m, gây tháo khô các tầng chứa nước ngầm có thể là nguyên nhân gây lún mặt đất. Diễn biến lún có mối liên quan với tốc độ phát triển đô thị. Thời điểm nhiều khu vực trên địa bàn TP lún nhanh trùng lắp với khoảng thời gian từ thời điểm tốc độ phát triển đô thị tăng mạnh. Trong đó, hai mốc quan trọng là việc lập thêm 5 quận mới ở thành phố (năm 1997) và việc phát triển đô thị và các khu công nghiệp trên địa bàn (năm 1998).

Nguyên nhân ngập úng do công tác quản lý đô thị chưa tốt

Việc quản lý chưa tốt có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau. Trên thực tế, hiện trạng các hệ thống công trình tiêu còn thiếu, còn yếu thì rõ ràng là việc giải quyết các vấn đề tiêu thoát một cách triệt để là khó khả thi, và thực tế đã chứng minh điều này. Bên cạnh đó, chi phí xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước đối với TP. HCM cần có nguồn vốn lớn. Tuy nhiên, vấn đề này còn có nguyên nhân chủ quan là tiến độ thực hiện các dự án, giải quyết vấn đề thường chậm, mối liên hệ phối hợp trong nghiên cứu, chủ động tìm giải pháp thích hợp chưa được quan tâm đúng mức.

Nguyên nhân ngập úng do ý thức của người dân chưa cao

Người dân thường có những hành vi như xả rác bừa bãi ra đường dẫn đến bít đường ống tiêu thoát nước làm cho tình trạng tiêu thoát nước khó khăn. Bên cạnh đó, TP. HCM cũng đang trong quá trình phát triển và đang là “đại công trường xây dựng” với rất nhiều xe cộ thực hiện vận chuyển các vật liệu xây dựng như cát sỏi gây vương vãi, khi mưa đến tập trung vào các hố ga, miệng cống làm giảm tiết diện tải nước cũng như làm tăng độ nhám của hệ thống, cản trở quá trình di chuyển của dòng chảy làm cho tình trạng ngập úng trầm trọng hơn. Mặt khác nhiều kênh rạch bị san lấp làm mất thể tích trữ nước.

BĐKH toàn cầu và NBD cũng làm trầm trọng hơn vấn đề ngập lụt

Vấn đề ngập lụt tại TP HCM không phải là hệ quả của quá trình NBD dưới tác động của BĐKH. Các nghiên cứu so sánh về mực nước sông và mực nước biển, nhiệt độ bề mặt, lượng mưa và vị trí các điểm ngập đã cung cấp những bằng chứng rõ ràng để xác định nguyên nhân của vấn đề ngập lụt. Thực tế là 75% các điểm ngập tại thành phố có cao độ lớn hơn 2,5 m và 70% các điểm bị ngập khi lượng mưa chỉ 40 mm và bất chấp mực nước ở Phú An thấp hay cao. Điều này có nghĩa rằng phần lớn các điểm ngập hiện nay bị ngập không vì lý do địa hình thấp hay mực nước của sông Sài Gòn lên cao mà gắn với các lý do địa phương [5].

Tuy nhiên về lâu dài, tác động của BĐKH và NBD đối với TP. Hồ Chí Minh là cực kỳ nghiêm trọng. Hiện tại các tác động cục bộ đang tỏ ra vượt trội so với các tác động có tính toàn cầu. Và do đó Các dự án quản lý ngập lụt cho đến nay chủ yếu thiên về quan điểm “chống lại nước”. Nhưng BĐKH và NBD sẽ làm cho các dự án đã và đang thực hiện nhanh chóng trở nên lạc hậu. Những hệ thống thoát nước đang sử dụng số liệu mưa thiết kế xác định theo phương pháp cổ điển sẽ có khả năng tái ngập trong tương lai gần. Các giải pháp kiểm soát ngập truyền thống “dựa trên dự án” sẽ trở nên kém tác dụng và cần được bổ sung bằng các giải pháp mềm dẻo và bền vững hơn.

Quan điểm, cách tiếp cận giải quyết vấn đề ngập lụt trong bối cảnh BĐKH và NBD

Đã có rất nhiều nghiên cứu, tổng hợp, thống kê về tình trạng, nguyên nhân cũng như đề xuất các giải pháp kiểm soát ngập lụt. Hồ Long Phi (2011) đã nghiên cứu căn nguyên của vấn đề ngập lụt và BĐKH tại TP. HCM trong gần 10 năm qua và chứng minh rằng phần lớn nguyên nhân ngập lụt tại TP. HCM không phải do địa hình thấp hay do BĐKH và NBD mà lý do chính là tác động của quá trình đô thị hóa thiếu hợp lý. Tác giả cho rằng việc kiểm soát hoàn toàn tình trạng ngập lụt là điều không thể có. Một chiến lược kiểm soát ngập lụt lý tưởng có thể là một tổng thể cân bằng giữa các hướng Bảo vệ-Thích nghi-Rút lui và Quy hoạch đô thị hợp lý đóng vai trò quyết định đối với chiến lược kiểm soát ngập bền vững trong điều kiện BĐKH. Cần phải có những giải pháp bổ sung được thực hiện để hỗ trợ cho những giải pháp truyền thống như: làm chậm dòng chảy tràn, gia tăng không gian điều tiết, hạn chế khai thác nước ngầm… Việc kiểm soát triều tổng thể cũng chỉ là một trong những giải pháp khả dĩ và cũng chưa hẳn đã là giải pháp hợp lý nhất xét về mặt hiệu quả ngắn hạn. Những giải pháp công trình mang tính bảo vệ như bao đê, nâng cấp cống… là rất cần thiết nhưng vẫn chưa đủ và chưa phải là một trong những giải pháp quan trọng nhất. Tích hợp, mềm dẻo và nâng cấp được là những yêu cầu của một chiến lược quản lý ngập bền vững [3].

Trong nghiên cứu “TP HCM thích ứng với BĐKH” do ICEM (2009) thực hiện có đưa ra một đánh giá định lượng chi tiết về tác dụng của hệ thống đê bao bờ Tây sông Sài Gòn đối với việc bảo vệ thành phố trước rủi ro ngập lụt [1]. Báo cáo mô tả hệ thống đê bao sẽ kiên cố hóa và bê tông hóa bờ sông và dần dần sẽ phá hủy khả năng lọc nước của hệ thống tự nhiên trong vùng. Bản báo cáo cảnh báo một hiện tượng đang ngày càng trở nên rõ ràng là "BĐKH cục bộ do nguyên nhân địa phương gây ra". Báo cáo đặt ra một câu hỏi đối với hiệu quả của hệ thống đê bao: "Nếu như sự gia tăng mực nước sông và thủy triều tại khu vực TP HCM là do những thay đổi về sử dụng đất, thì hệ thống đê bao quy mô lớn có thể gia tăng rủi ro ngập lụt" và "không có những nâng cấp đáng kể hệ thống thoát nước, thì hệ thống đê bao ngăn triều chỉ có vai trò không đáng kể trong việc cải thiện tình trạng ngập lụt tại TP HCM, nhất là dưới áp lực gia tăng lượng mưa cục bộ". Chỉ phụ thuộc vào giải pháp xây dựng công trình, vấn đề sẽ không được giải quyết triệt để mà thậm chí còn trở nên trầm trọng hơn. Hệ thống đê bao dọc bờ Tây sông Sài Gòn sẽ chỉ giảm ngập cho những khu vực thấp vốn chỉ chiếm 30% tổng số điểm ngập toàn thành nhưng lại làm cho chính những khu vực này ngày càng lún và gia tăng rủi ro ngập cho bờ Đông hoặc phía Đồng Nai. [5]

Cùng với nhiều nghiên cứu khác cho thấy, để giải quyết tình trạng ngập lụt trong điều kiện BĐKH và NBD cần dựa trên các quan điểm sau:

-    Nguyên nhân ngập lụt hiện nay chủ yếu do đô thị hóa không hợp lý nên phải giải quyết vấn đề bằng quy hoạch đô thị.
-    Tiếp cận "mềm" cần được ưu tiên thay vì thực hiện các biện pháp công trình thông qua các giải pháp nhằm gia tăng khả năng thoát nước tại chỗ.
-    Một chiến lược kiểm soát ngập lụt bền vững phải là một chiến lược tích hợp, bao gồm các hoạt động “Bảo vệ - Thích nghi - Rút lui” để đối phó với những yếu tố không chắc chắn như BĐKH và NBD.
-    Thoát nước sinh thái và tổ chức hệ thống phân tán là nguyên tắc chính cho các giải pháp thoát nước.

Giải pháp giải quyết tình trạng ngập lụt TP.HCM trong điều kiện BĐKH và NBD

Những giải pháp cần bổ sung

Đổi mới chiến lược thoát nước tổng thể:
Cho đến nay các giải pháp công trình theo hướng tăng cường đầu tư để nâng cao năng lực của hệ thống cống thoát nhằm thoát nhanh nước mưa để tránh ngập vẫn là các giải pháp chủ yếu. Trong khi đó các giải pháp phi công trình hầu như chưa được thực hiện, nước mưa không được thoát theo quy luật tự nhiên từ lúc rơi xuống, phân bố trên mặt bằng, thảm phủ, ngấm vào đất và đi vào các khu vực nhận nước (sông, suối, hồ chứa và ra biển). Nước mưa không được bổ sung cho dự trữ nước ngầm, yếu tố quan trọng để giữ áp suất địa tĩnh chống lún sụt vùng đô thị…

Các vai trò quan trong này chỉ có thể thực hiện khi nước mưa có cơ hội được lưu lại lâu hơn trong lớp đất bề mặt và trong các thảm thực vật. Vì vậy cần xây dựng một hệ thống thoát nước đô thị bền vững - Sustainable Urban Drainage System (SUDS) theo hướng tôn trọng các nguyên lý và chức năng của hê sinh thái tự nhiên. Thay vì thoát thật nhanh nước ra khỏi đô thị bằng các hệ thống kênh thẳng, sâu hoặc hệ thống cống ngầm thì làm chậm lại các quá trình nêu trên và đưa nước mưa phục vụ cộng đồng với những giải pháp kỹ thuật mà trong đó sử dụng triệt để các khả năng lưu giữ và làm sạch của hệ sinh thái tự nhiên vào việc cải thiện chất lượng nước, bổ cập nguồn nước ngầm cộng với việc làm hài hoà cảnh quan thiên nhiên bảo vệ các nhóm loài sinh vật qua việc giữ gìn và tạo nơi cư trú cho chúng; trong đó, xử lý ô nhiễm do nguồn thải phân tán và chống ngập là những vấn đề chủ yếu và cấp bách. Chính vì vậy, hiện nay thành phố đang triển khai lập 2 quy hoạch: Quy hoạch tích hợp giải quyết các vấn đề ngập và Quy hoạch hồ điều tiết tại TP. Hồ Chí Minh cũng là dựa trên quan điểm đó.

Cần một quy hoạch tổng thể với cơ chế điều phối cấp vùng:
Như trên đã phân tích, khi mực nước biển dâng sẽ khiến tình trạng mực nước các sông tại TP. HCM dâng cao. Tuy nhiên tình trạng ngập triều gia tăng tại TP HCM lại là hệ quả tổng hợp của các yếu tố xả lũ từ các hồ chứa thượng nguồn, san lấp lấn chiếm kênh rạch và các khu vực trũng có thể chứa nước. Tốc độ dâng của mực nước biển tại Vũng Tàu trong vài thập niên qua chỉ vào khoảng 0,5 cm/năm, bằng khoảng 1/3 tốc độ dâng của mực nước tại trạm Phú An trên sông Sài Gòn. Việc quản lý các hồ chứa trên thượng nguồn chưa chú trọng đúng mức đến công tác phòng lũ mà chủ yếu vẫn thể hiện mong muốn cực đại hóa lợi nhuận ngành. Cũng như vậy, việc phá hủy diện tích lớn rừng phòng hộ có thể mang lại lợi ích cục bộ cho từng địa phương nhưng lại dẫn đến lũ ngày càng hung hãn. Việc xả lũ với lưu lượng lớn từ các hồ chứa thượng nguồn chắc chắn có ảnh hưởng nghiêm trọng đối với TP HCM. Nếu xảy ra những trận bão lớn vào cuối mùa mưa trên lưu vực thì sẽ cực kỳ nguy hiểm vì khi đó các hồ hầu như đã tích đầy nước và không còn khả năng cắt lũ. Vì vậy cần xác định lại vai trò cắt lũ của các hồ chứa gần với TP HCM như Trị An, Dầu Tiếng, Phước Hòa trong một cơ chế điều phối cấp vùng là hết sức cần thiết.

Lựa chọn không gian phát triển đô thị:
Tình trạng ngập lụt liên quan mật thiết đến việc kiểm soát quá trình đô thị hóa. Vì vậy trong quá trình kiểm soát phát triển đô thị cần thiết lập “Khu vực khuyến khích đô thị hóa”“Khu vực đô thị hóa có kiểm soát” trên cơ sở xem xét điều kiện đất đai như một trong những tiêu chí quan trọng hàng đầu:
-    “Khu vực khuyến khích đô thị hóa” là những khu vực có địa hình cao như khu vực đô thị trung tâm hiện hữu và hướng Bắc, Tây Bắc gắn với Củ Chi, Hóc Môn, dọc quốc lộ 22 - trục xuyên Á nối với tỉnh Tây Ninh và Campuchia. Đây là hướng phát triển kém hấp dẫn hơn các hướng khác, vì vậy cần có sự đầu tư đáng kể về mọi mặt nhằm khuyến khích phát triển.
-    “Khu vực đô thị hóa có kiểm soát” là những khu vực địa hình thấp như hướng Đông Bắc gắn với huyện Dĩ An (Bình Dương) và TP.Biên Hòa (Đồng Nai), gồm các quận 2, 9 và Thủ Đức; hướng Tây Nam dọc quốc lộ 1 trên địa bàn quận Bình Tân và huyện Bình Chánh và hướng Nam, Đông Nam tiến ra biển gắn với khu Nhà Bè, Bình Chánh, Cần Giờ (TP. HCM), Nhơn Trạch - Long Thành (Đồng Nai). Đây lại là những hướng có tốc độ đô thị hóa nhanh chóng như Hiệp Phước, Thủ Thiêm… Việc phát triển tại các khu vực này cần được thiết kế, quy hoạch một cách hết sức cẩn thận và “mềm dẻo” để loại bỏ những nguyên nhân gây ngập lụt như hiện nay. Trong những hướng phát triển này, đối với những khu vực đất trũng thấp, cần đặc biệt quan tâm đến tác động môi trường, tính khả thi và hiệu quả đầu tư. Các giải pháp quy hoạch đô thị, giao thông và kiến trúc tại các khu vực này cần theo hướng giảm bớt dần tỉ lệ diện tích không thấm nước, tăng khả năng điều tiết tại chỗ, tăng hệ số phản xạ bề mặt albedo, tiết kiệm năng lượng để giảm nhiệt độ đô thị là những giải pháp tích cực giúp ngăn chặn quá trình vũ lượng tăng dần. Việc khôi phục lại các không gian điều tiết nước mưa và lũ là điều cần phải thực hiện càng sớm càng tốt. Để ứng phó với diễn biến mưa có vũ lượng ngày càng cao, giải pháp hồ điều tiết phân tán trên lưu vực cũng tỏ ra có hiệu quả.

Hình thái, cấu trúc, mô hình phát triển đô thị:
Nhiệm vụ của quy hoạch đô thị TP. HCM trong việc kiểm soát ngập lụt và thích ứng BĐKH là phải trả lời được các câu hỏi như biện pháp xây dựng như thế nào để thích nghi với sự BĐKH - mực NBD - và sự sụt lún của vùng đất yếu? khu vực nào nên phát triển, khu vực nào dự trữ phòng vệ nước? Kiến trúc đô thị từng khu vực phải như thế nào? Làm sao giữ được cảnh quan đặc trưng từng khu vực? Nên nhấn mạnh đô thị cao tầng hay phát triển kiến trúc thấp tầng xen kẽ cảnh quan thiên nhiên? Và quy mô dân số bao nhiêu là vừa đủ ở mỗi khu vực? Mô hình ở cho mỗi khu vực như thế nào là phù hợp? Phân tán hay tập trung? Phát triển song song hay vuông góc với các kênh trục để không ngăn cản dòng chảy? Hay cần cân nhắc việc xây bờ bao cũng như việc giữ lại hệ sinh thái rừng ngập mặn khi phát triển đô thị…

Rõ ràng rằng quy hoạch đô thị có vai trò rất lớn trong đề xuất các giải pháp phát triển đô thị ứng phó với BĐKH cũng như tình trạng ngập lụt và chỉ có thể trả lời trong từng đồ án quy hoạch cụ thể.

Thiết kế công trình:
Giải pháp áp dụng Kỹ thuật sinh thái (KTST) trong thiết kế cảnh quan đô thị [6] để giải quyết vấn đề điều tiết nước và thich ứng với BĐKH hết sức quan trọng. Đó là giải pháp kỹ thuật hổ trợ rất hiệu quả cho hệ thống cống thoát nước chưa đủ năng lực để giảm ngập, bao gồm:

• Giải pháp kiểm soát tại nguồn (sources control):
-    Sử dụng các hệ thống lưu trữ và tái sử dụng nước mưa tại mỗi gia đình,
-    Giảm tối đa kết nối trực tiếp nước mưa và vùng không thấm,
-    Đưa ra quy định bắt buộc trong xây dựng để giảm tối đa bề mặt không thấm.

• Giải pháp kiểm soát trên khu vực (site control): Áp dụng trên diện tích mặt bằng trong khoảng 2 - 5 ha:
-    Chắn lọc sinh học: Là lớp chắn thực vật được thiết kế xử lý dòng chảy tràn trên bề mặt, lớp thực vật này có chức năng làm giảm tốc độ của dòng chảy, cho phép lắng trầm tích và các loại ô nhiễm khác. Nước mưa có thể thấm qua lớp lọc phía bên dưới, không những cung cấp khả năng xử lý ô nhiễm phân tán cao, mà còn là khoảng không gian xanh và tươi mát cho cộng đồng dân cư.
-    Kênh phủ thực vật: Là kênh chảy chậm, được phủ lớp thực vật 2 bên bờ cũng như dưới đáy, được thiết kế để loại bỏ ô nhiễm như chất rắn lơ lững, kim loại, tăng khả năng thấm, giảm tốc độ dòng chảy tràn, có thể thay thế cho một hệ thống vận chuyển nước mưa.
-    Mương thấm lọc thực vật: Là mương đào cạn, được lắp đầy bởi đá, sỏi để tạo kho chứa có độ rỗng cao bên dưới. Dòng chảy tràn sẽ được lọc qua lớp sỏi, đá trong kênh và có thể thấm vào đất qua đáy và bờ kênh.
-    Lớp bề mặt thấm: Thường được lắp đặt tại các vỉa hè, bãi đỗ xe… và cả trên mặt xa lộ. Chúng bao gồm lớp bề mặt thấm có độ bền cao kết hợp với lớp thấm bên dưới, cung cấp kho chứa nước tạm thời và cho nước thấm qua và thoát đi.
-    Ao lưu nước tạm thời: Giống như trũng thực vật, hầu như là khô, nhưng sẽ tích nước khi mưa, được sử dụng để làm giảm tối đa tốc độ dòng chảy tràn bề mặt.

• Giải pháp kiểm soát trên toàn vùng (regional control): với diện tích >10ha:
-    Khu vực đất ngập nước: Được xây dựng như một vùng đầm lầy nông, có chức năng xử lý ô nhiễm cũng như kiểm soát thể tích nước chảy tràn.
-    Ao lưu nước tạm thời,
-    Ao thấm lọc thực vật,
-    Hồ điều hòa, hồ cảnh quan kết hợp với xử lý nước mưa chảy tràn.

Các giải pháp kỹ thuật sinh thái còn có khả năng kết hợp để xử lý ô nhiễm rất hiệu quả. Trong các giải pháp KTST, ao thấm lọc thực vật, vùng đất ngập nước, vỉa hè thấm, kênh thấm lọc là các giải pháp có tính năng bổ cập cho nước ngầm cao. Ở vùng đô thị, việc giảm bớt lớp phủ bề mặt không thấm sẽ trực tiếp làm giảm lượng nước chảy tràn gây ngập và chất ô nhiễm kéo theo góp phần làm giảm qui mô và chi phí cần thiết để xây dựng cơ sở hạ tầng. Một số phương pháp phổ biến được ứng dụng để giảm diện tích bề mặt không thấm trong đô thị như:
-    Giảm chiều dài và chiều rộng không cần thiết của đường giao thông
-    Thiết kế hợp lý lối đi bộ, ưu tiên sử dụng các vật liệu thấm
-    Giảm bớt diện tích, không bêtông hóa khoảng sân trước nhà, v.v…

Vì vậy đối với TP. HCM cần quy định diện tích bề mặt tự nhiên tối thiểu trong mỗi lô đất, yêu cầu các công trình lớn phải có bể chứa nước mưa, xây dựng "vỉa hè xanh", xây dựng các điểm trữ nước tạm thời khi mưa lớn xảy ra, chiếm lĩnh những không gian xanh còn chưa bị đô thị hóa ven sông để mở rộng lòng sông hoặc xây dựng những công viên có khả năng chứa nước.

Tiêu chuẩn thiết kế:
Ngoài các giải pháp trên, trong thiết kế xây dựng cũng cần thực hiện một số giải pháp sau:
-    TP Hồ Chí Minh cần giám sát lún mặt đất hằng năm để có những biện pháp kỹ thuật phù hợp cho sự phát triển bền vững. Ngoài ra cần xác định lại toàn bộ độ cao khống chế cơ sở trong bối cảnh nước biển dâng, mặt đất lún làm căn cứ để tính cốt nền trong xây dựng, trong các công trình chống ngập.
-    Đối với việc tính toán thiết kế hệ thống thoát nước, các giá trị mưa và triều tính toán cần được xem xét lại trong tình trạng BĐKH. Đây là vấn đề chưa được quan tâm trong các thiết kế trước đây đã dẫn đến tình trạng lạc hậu của các hệ thống thoát nước.

Kết luận

Quá trình phát triển đô thị thiếu kiểm soát trong suốt vài thập niên qua đã vượt xa so với tốc độ nâng cấp hệ thống thoát nước. San lấp lấn chiếm kênh rạch và các khu vực trũng có thể chứa nước cũng như hiện tượng lún hàng năm mà nguyên nhân có thể là khai thác nước ngầm, xây dựng nhà cao tầng và hiện tượng nền đất yếu… dẫn đến hệ quả là tình trạng ngập ở TP HCM đã bắt đầu xuất hiện từ cuối những năm 90 của thế kỷ trước. Khoảng 10 năm gần đây nỗ lực của thành phố trong việc xóa giảm ngập chỉ là để khắc phục hậu quả của việc thiếu đầu tư đồng bộ cho hệ thống thoát nước. Biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng và đặc biệt là việc quản lý các hồ chứa trên thượng nguồn chưa được chú trọng đúng mức đến công tác phòng lũ cũng như việc phá hủy diện tích lớn rừng phòng hộ đã khiến tình trạng mực nước sông dâng cao dẫn đến tình trạng ngập triều gia tăng tại TP HCM.

Như vậy rõ ràng phát triển đô thị không hợp lý trong nhiều năm qua đang gây ra những hệ lụy đòi hỏi các biện pháp giải quyết cực kỳ tốn kém, thậm trí không giải quyết được. Các yếu tố môi trường, sinh thái chưa được quan tâm đúng mức ngay từ khi hoạch định phát triển đô thị mà hậu quả trước hết là ngập lụt đô thị. Trong bối cảnh BĐKH và NBD đang tác động ngày càng rõ ràng đến phát triển đô thị bền vững thì việc xem xét lại vai trò và cách tiếp cận trong quy hoạch và quản lý đô thị là hết sức cần thiết.

Tác giả cho rằng cần phải nhìn nhận lại phương pháp tiếp cận trong cách làm quy hoạch đô thị nói chung và quy hoạch chuyên ngành thoát nước nói riêng theo hướng đối phó với những yếu tố không chắc chắn trong điều kiện BĐKH và NBD. Khi mà cách tiếp cận xây dựng công trình theo truyền thống không còn phù hợp đối với TP. HCM thì qua những kinh nghiệm quốc tế cũng như các nghiên cứu về thực trạng và nguyên nhân ngập lụt tại TP. HCM có thể thấy rằng việc giải quyết vấn đề ngập lụt đô thị và thích ứng với BĐKH và NBD thông qua quy hoạch đô thị phải được nghiên cứu từ bài toán quy hoạch tổng thể cho đến thiết kế chi tiết cho từng khu đô thị, từng công trình theo hướng tiếp cận mềm dẻo, tôn trọng tự nhiên, cân bằng giữa bảo vệ-thích nghi-rút lui phù hợp với đặc điểm từng khu vực cụ thể. Thay việc cố gắng giảm tần suất rủi ro bằng việc thích nghi với rủi ro và giảm thiệt hại. Các nguyên tắc thoát nước sinh thái cần phải được áp dụng vào thiết kế công trình kiến trúc, cảnh quan nhằm tăng diện tích điều tiết nước thay vì các biện pháp bơm sạch, rút nhanh như hiện nay.

Quy hoạch vùng TP. HCM và Điều chỉnh quy hoạch chung TP. HCM đến năm 2025 đã được phê duyệt là điểm khởi đầu đầy thách thức cho công tác xây dựng, quản lý và phát triển đô thị tại TP. HCM trong những năm tới trong việc giảm thiểu, ứng phó, thích nghi với các điều kiện bất lợi của tự nhiên cũng như BĐKH và NBD.

TS.KTS Lưu Đức Cường - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Quy hoạch Môi trường đô thị-nông thôn (VIAP / Bộ Xây dựng)

Tài liệu tham khảo:

1.    ADB-ICEM (2009). Ho Chi Minh City Adaptation Climate Changes.
2.    Phi H.L. (2011). Impacts of Climate Changes and Urbanisation on Urban Inundation in Ho Chi Minh City. 11th International Conference on Urban Drainage, Edinburgh, Scotland, UK, 2008.
3.    Phi H.L. (2011). The Sustainability of Urban  Flood  Management Practices Under Uncertainties in Ho Chi Minh City. Aquaterra, Amsterdam, Nov 2011.
4.    NIKKEN SEKKEI & Viện Quy hoạch Xây dựng TP. HCM. Nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025. Tháng 4/2007.
5.    Nguyễn Đỗ Dũng. Ngập lụt tại TP. Hồ Chí Minh: Hướng tiếp cận "mềm". Tạp chí Quy hoạch Đô thị số 4, năm 2011.
6.    Đoàn Cảnh, Dương Văn Trực (2006). Ứng dụng kỹ thuật sinh thái xây dựng hệ thống tiêu thoát nước đô thị bền vững. Hội thảo “Thoát nước đô thị TP. Hồ Chí Minh, nguyên nhân & giải pháp”.
7.    Tô Văn Trường (2007). Tiêu thoát nước ở Thành phố Hồ Chí Minh.

(Bài tham luận tại Hội thảo "Quy hoạch xây dựng TP HCM với vấn đề biến đổi khí hậu và phát triển KT-XH")


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...