Các hộ gia đình chiếm tới một nửa lượng tiêu thụ năng lượng của thế giới, vì vậy không bất ngờ khi tiết kiệm năng lượng trong mỗi ngôi nhà trở thành yếu tố quan trọng trong việc chống biến đổi khí hậu. Trong lĩnh vực này, nhiều vật liệu xây dựng độc đáo, sáng tạo ra đời nhằm tạo nên những ngôi nhà thân thiện với môi trường.
Theo thống kê, 90% năng lượng tiêu thụ trong các hộ gia đình là để sưởi ấm và làm mát, mà hao tốn nhất là những ngôi nhà không có được sự thông thoáng về mùa hè, thiết bị sưởi ấm đã cũ hay sử dụng vật liệu xây dựng bằng xi măng. Theo Hội đồng doanh nghiệp thế giới vì sự phát triển bền vững (WBCSD), xi măng là vật liệu xây dựng được sử dụng nhiều nhất trên thế giới nhưng công nghệ sản xuất xi măng lại giữ kỷ lục về khí thải CO2, nguồn ô nhiễm cho Trái đất. Trong khi đó, vật liệu truyền thống là gỗ có ưu điểm cách nhiệt tuyệt vời nhưng tài nguyên rừng ở khắp nơi đang dần cạn kiệt. Vì thế, nhiều loại vật liệu mới hữu ích, tiện lợi lại thân thiện môi trường đã ra đời.
Sáp tan chảy thay điều hòa nhiệt độ. Sáp tan chảy ở một nhiệt độ nhất định và khi trộn với vật liệu xây dựng khác, chúng sẽ giúp cho việc kiểm soát nhiệt. Dựa trên đặc tính này, một nhóm các nhà nghiên cứu từ tập đoàn hóa chất BASF của Đức và Viện nghiên cứu Fraunhofer đã phát triển một vật liệu làm mát hữu hiệu, giúp tiết kiệm chi phí năng lượng, đặc biệt đối với khu văn phòng phức hợp làm từ kính và thép… Sản phẩm có tên gọi Micronal PCM đã được phát minh, trong đó những hạt sáp nhỏ xíu được đặt vào phần lõi của kính. Khi nhiệt độ lên tới 26 độ C, sáp tan chảy, thu nhiệt và hạ thấp nhiệt độ phòng tới 4 độC. Vào ban đêm, khi nhiệt độ giảm xuống, các hạt sáp PCM lại co cứng như thường.
Tuyết giúp giữ ấm phòng. Khi xây nhà ở những địa điểm xa xôi, hẻo lánh, điển hình như Bắc Cực khi xây dựng nhà cửa cần đến những vật liệu xây dựng đặc biệt. Từ sau năm 1950, những chiếc lều tuyết truyền thống đã trở nên lỗi thời nhưng giờ chúng bắt đầu được chào đón trở lại. Kiến trúc sư người Áo Benno Reitbauer đã học được kỹ thuật dựng lều tuyết ở miền Bắc Phần Lan, và hiện nay ông đang áp dụng để xây dựng một ngôi làng làm bằng tuyết tại vùng núi Tyrol ở độ cao 1.400m của Áo. “Nhiệt độ bên trong lều luôn ở mức 1-2 độ C. Nghe có vẻ không ấm áp gì nhưng khi nhiệt độ ngoài trời xuống tới -20 độ C thì được ở trong lều là điều kiện lý tưởng”, ông Reitbauer cho biết. Vị kiến trúc sư này thích tuyết bởi các bức tường làm từ tuyết cứng như xi măng, có thể dựng lều cao tới 6m nhưng bên trong hoàn toàn có thể thiết kế đồ nội thất và trang trí thú vị.
Vật liệu tái chế từ phân bò. Vật liệu tái chế ngày càng được ưa chuộng bởi vật liệu xây dựng ngày càng đắt đỏ, đặc biệt là ở các nước đang phát triển, nơi nguồn tài nguyên trở nên khan hiếm. Ví dụ nhiều nơi ở châu Phi, tường nhà hầu hết được xây bằng phân lạc đà trộn với rơm và bùn. Hiện nay, người ta cũng bắt gặp xu hướng này tại các nước công nghiệp phát triển như Đức, khi vật liệu xây tường ở các ngôi nhà gỗ kiểu truyền thống có thành phần phân, đá vôi và đất sét trộn. Những thợ xây dựng kinh nghiệm lâu năm cho biết, tường được dựng lên bằng mùn là kỹ thuật có từ hàng nghìn năm nay, đặc biệt, nếu dùng đất sét trộn với phân bò nơi phòng tắm còn có thể giúp ngăn ngừa nấm mốc vì dạ dày bò có enzyme tiêu diệt được nấm mốc. Tất nhiên, sau 5 đến 7 tiếng đồng hồ, khi tường đã khô, người ta không ngửi thấy mùi khó chịu đặc trưng kia nữa.
Bảo Nhi (lược dịch)
- Gạch xây tường 150mm - Sự lựa chọn hợp lý?
- Những góc nhìn đa chiều về amiăng trắng
- Gạch xây chống thấm - Bảo vệ "sức khỏe" công trình
- Vì sao thị trường gạch không nung ảm đạm?
- Gạch - vật liệu không thể thiếu trong cuộc sống
- Panel cách nhiệt và giá trị gia tăng cho phế phẩm
- Vòng lẩn quẩn của vật liệu "xanh"
- Sản xuất gạch block từ SIT
- Tình hình sử dụng, sản xuất gạch không nung ở Quảng Trị
- Gạch bền vững - Nhà an khang