Ashui.com

Tuesday
Dec 03rd
Home Tương tác Nhìn ra thế giới Thủ đô Bogota - Tấm gương sáng trong quản lý đô thị

Thủ đô Bogota - Tấm gương sáng trong quản lý đô thị

Viết email In

Bogota là Thủ đô của Colombia và là một trong số các thành phố lớn nhất Mỹ Latin. Trong nhiều năm, Bogota bị mang tiếng xấu là giao thông “nghẹt thở”, bạo lực hoành hành, nghèo đói tràn lan và bất bình đẳng xã hội. Nhưng kể từ năm 2004, tuy vẫn còn nhiều vấn đề phải giải quyết, song Bogota được đánh giá là một thành phố (TP) điển hình về phát triển bền vững và công bằng xã hội. Nhờ đâu mà TP lại có sự thay đổi tích cực như vậy?  


Bogata trước năm 2004: Đô thị tắc nghẽn và đầy dãy bất bình đẳng xã hội. 

Lãnh đạo TP và các chuyên gia phát triển đô thị Bogota đã ứng dụng hệ thống quy hoạch bền vững và giao thông đa phương thức. Quy hoạch bền vững ở đây được hiểu là quy hoạch hướng tới phần lớn người nghèo đô thị. Với ý tưởng ban đầu là mục tiêu xã hội, làm sao mang nhiều lợi ích cho xã hội về mặt chất lượng sống hơn là về thu nhập, làm sao phải mang lại lợi ích về sức khỏe, môi trường lành mạnh cho cộng đồng? Lãnh đạo TP tin rằng tính năng di chuyển an toàn và quy hoạch chú trọng người nghèo chính là giải pháp cho một TP sống tốt. 

Từ đó, TP thực hiện quy hoạch thêm nhiều làn xe dành cho xe đạp, hệ thống vỉa hè liên kết thuận tiện với hệ thống xe công cộng đa phương thức. Dĩ nhiên, để làm được điều này không đơn giản, đòi hỏi các nhà lãnh đạo phải quyết đoán và quyết tâm thực hiện đến cùng. Trong khuôn khổ có hạn, bài viết không thể đề cập chi tiết, chỉ biết rằng TP đã áp dụng phương thức loại bỏ dần xe cá nhân, thay thế bằng hệ thống giao thông công cộng và đi bộ. Các nhà lãnh đạo quan niệm rằng với đầu tư triệt để, hệ thống giao thông công cộng giúp cho toàn thể người dân, không phân biệt địa vị xã hội, giới tính hay chủng tộc. Đây là giải pháp duy nhất làm cho người dân cảm nhận: Công dân kiếm được 300 USD/tháng cũng chỉ bình đẳng như người có thu nhập 30.000 USD/tháng mà thôi! 

Tuy nhiên ban đầu, tầng lớp thượng lưu có sự phản đối kịch liệt bởi họ có quyền được sở hữu nhiều xe hơi đắt tiền và sang trọng, họ thấy bất tiện và xấu hổ khi doanh nhân phải đi xe đạp hay sử dụng các phương tiện khác để di chuyển, rất khó để họ chấp nhận sự thay đổi. Nhưng theo thời gian, bằng cách áp dụng biện pháp mạnh (đánh thuế cao, cấm xe hai lần một tuần trong TP trong giờ cao điểm đã giảm 40% lưu lượng xe), qua các phương tiện truyền thông, giáo dục trong nhà trường và nhiều biện pháp khác nên kết quả là đã có ảnh hưởng nhất định đến tầng lớp này. Đến nay, tình hình đã có sự đảo ngược: Người đi xe hơi không được ưu tiên và tôn trọng như người đi xe đạp và đi bộ. Cũng như các nước phát triển đã áp dụng, người đi xe đạp và đi bộ luôn được hoan nghênh, người đi xe hơi luôn phải nhường đường cho họ và nếu có sự cố xảy ra, người đi xe đạp và đi bộ luôn luôn đúng dù bất cứ hoàn cảnh nào. [Ashui.com]


Bogata sau năm 2004: Dù còn nhiều vấn đề phải giải quyết nhưng đô thị ngày nay sáng sủa hơn với tiến bộ vượt bậc về bình đẳng xã hội. 

Sau năm 2004, có hơn 300km đường dành cho xe đạp được quy hoạch. Đến nay, TP ra chỉ thị là sẽ tăng gấp đôi mạng lưới đường dành cho xe đạp và đi bộ vào năm 2015. Hơn nữa, để khuyến khích người dân, các nhà quy hoạch đã thiết kế các con đường đi bộ có những thảm thực vật cây xanh, hoa lá vô cùng phong phú, bắt mắt, tạo cảm giác bình yên và thanh thản cho người dân đô thị. Điều này được đặc biệt chú trọng ở trong các khu phố nghèo nhất Thủ đô, vì thế người nghèo lại càng cảm thấy họ không bị phân biệt đối xử, từ đó mỗi công dân đều có ý thức về hành vi xã hội của mình. Chính sách phát triển diện tích cây xanh cho các tuyến đường đi xe đạp và đi bộ, không gian xanh lúc này của TP đã tăng gần gấp đôi từ 2,5 - 4,1m2/người và đang phấn đấu để đạt được gấp đôi vào năm 2015. Nhờ có cơ sở hạ tầng thuận tiện, nhiều người dân đã chọn giải pháp dùng xe đạp làm phương tiện di chuyển chính. Vào thời điểm năm 2000 chỉ có 0,1% dân số sử dụng xe đạp, đến nay đã tăng lên 4,5% - đó là con số tương đối cao đối với một nước chưa phát triển mạnh, trong khi đó các nước phát triển như ở Bắc Âu thì tỷ lệ dùng xe đạp cũng chỉ chiếm 15%. 

Ngoài ra, chính quyền TP còn áp dụng giải pháp khuyến khích hoạt động khác như vào chủ nhật hàng tuần, có các tuyến phố cấm xe hơi, chỉ có người đi bộ với các hoạt động xã hội ngoài trời. TP huy động giới nghệ sĩ mở các lớp học miễn phí về thể dục nhịp điệu, khiêu vũ thể thao, cổ điển… cho cả người lớn và trẻ em trên các tuyến phố này để thúc đẩy người dân đô thị tham gia các hoạt động thể chất, thay vì ở nhà xem truyền hình, lướt web hoặc ngồi lì một chỗ. Do đó người dân đô thị lúc này cảm thấy bớt cô đơn hơn, khỏe mạnh hơn và họ có ý thức hơn về sự văn minh trong các hành vi xã hội. 

Nằm trong hệ thống các quốc gia đang phát triển nhưng Bogota có hệ thống quản lý và phát triển đô thị khá văn minh và nhân bản, thậm chí khá tốt hơn cả với các nước đã phát triển. Điều này quả là đáng mừng và là tấm gương sáng truyền cảm hứng cho rất nhiều đô thị của các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. 

Bắc Thái (Báo Xây dựng

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...