
Thời buổi thông tin ngập tràn, đồng thời việc thiết kế, thi công nhà ở hiện nay đã đi theo hướng chuyên môn hóa tại đô thị lớn, nên hầu như thế giới có kiểu nào là Việt Nam có hết. Tuy nhiên các biến động kinh tế-xã hội toàn cầu khiến gánh nặng từ cơm áo gạo tiền vẫn là cản trở cơ bản, khiến các kiêng kỵ tốt xấu phong thủy luôn nằm trong số chuyện “biết rồi khổ lắm nói mãi”. Bài viết này mang tính ghi nhận các ý kiến mạn đàm quanh vấn đề: Phong thủy ở thời trí tuệ nhân tạo, công nghệ 4.0 hiện nay tại Việt Nam đang ra sao, cần ứng xử thế nào.
Các ứng dụng AI hiện nay có thể giúp phân tích và đưa ra giải pháp tư vấn về phong thủy như hướng nhà, vị bếp và bàn thờ, đồ nội thất… khá nhanh chóng. Theo anh/chị thực tế việc tận dụng công nghệ có giúp ngôi nhà trở nên hài hòa và tốt lành không?
Kỹ sư Phương Bùi (thầu xây dựng): Tôi thấy nhờ dữ liệu và trợ giúp của AI mà thời gian gần đây sự thay đổi trong nhận thức của giới chuyên môn khá rõ. Thay vì chỉ đáp ứng thuần túy về diện tích, công năng, kỹ thuật… thì kiến trúc sư giờ đây đã quan tâm nhiều hơn các yếu tố về văn hóa, cách thức ứng xử, và cá tính riêng. Ở phía khách hàng giờ đây thay vì nói mình đi coi thầy thế này, mình tin vào phong thủy kiểu kia… thì đã có sự hiểu biết, mô tả cụ thể về kỹ thuật, thiết bị và vật liệu để được tư vấn tốt hơn, giúp đầu tư hiệu quả hơn. Điều đó buộc giới chuyên môn phải có kiến thức và kinh nghiệm thực tế nhiều hơn để tư vấn, chứ không phải chỉ vẽ kiểu dáng nhìn cho nịnh mắt, hoặc ngược lại, thấy thiên hạ làm sao thì mình chạy theo vậy. Phong thủy trong mắt “bà con ta” cũng là một cách nhìn nhận, nhân tâm tùy thích. Các phần mềm và ứng dụng thông minh có thể dựa trên sơ sở dữ liệu đa dạng để đưa ra các gợi ý phù hợp về cách bài trí nội thất, chọn màu sắc hay bố trí nhà cửa. Rồi chính những giải pháp đó sẽ quay lại để “dạy máy” làm việc trợ giúp hiệu quả hơn cho con người.
Thạc sĩ nghệ thuật Hà Mỹ, nhà thiết kế nội thất: AI hiện nay hỗ trợ đắc lực khi cần xác định các yếu tố phong thủy dựa trên dữ liệu cá nhân của người sử dụng. AI có thể đề xuất bảng phối màu sắc, vật liệu, và các yếu tố trang trí phù hợp với mệnh và tuổi của gia chủ, giúp tăng cảm giác an yên và hạnh phúc. Tuy nhiên quyết định chọn lựa và khả năng ráp nối dữ liệu vào bản thiết kế thì vẫn cần nhà chuyên môn dùng “trí tuệ nhân tạo chạy bằng… cơm” với vô số các biến động từ cảm xúc đến lý trí, để làm chủ và chọn lựa.
Càng ngày tôi thấy những ngôi nhà thuần về hình khối, sơn một màu trắng toát như cách nay vài năm… ngày càng bớt đi, mà thay vào đó là những ngôi nhà mang rõ nét hơn phong cách của địa phương cụ thể, có tính truyền thống hơn, với sự chọn lọc và có nhiều cách tân khác nhau. Có gia chủ thích quay trở lại kiểu làm nhà tô đá mài, đá rửa như thời trước, với kỹ thuật và tạo hình trau chuốt hơn, đang lan dần từ quán xá về nhà ở, nhất là trong mảng nhà nhỏ, nhà sửa chữa khu dân cư cũ, nhà vùng quê khai thác làm homestay, không gian văn phòng co-working… Thời buổi truyền thông mạng nở rộ khiến người ta chịu đầu tư cho hình thức, chịu tìm tòi các phong cách có tên gọi đàng hoàng, như kiểu Địa Trung Hải, kiểu Bắc Âu… Về nội thất, gia chủ cũng bắt đầu thích làm một hai mảng nhấn quan trọng mà có chất, chứ không trang trí rải rác nhiều chỗ nữa.
Như vậy, liệu tình trạng “ăn cắp ý tưởng” thông qua trí tuệ nhân tạo sẽ ngày càng phổ biến hơn chăng? Theo anh/chị, liệu có thể ngăn chặn tình trạng “đạo nhái ý tưởng” trên mạng hiện nay trong ngành kiến trúc – nội thất? Và dưới khía cạnh phong thủy, liệu những “lá số giống hệt nhau” theo tuổi của gia chủ có làm nên những ngôi nhà giống nhau?
Lê Thành Trung, doanh nhân, chủ đầu tư: Theo tôi, dù những “lá số giống hệt nhau” theo tuổi của gia chủ có thể dẫn đến những gợi ý tương tự về hướng nhà, bố cục, hoặc sắp xếp nội thất, nhưng việc làm nên những ngôi nhà giống hệt nhau thì không thể, không có và khó xảy ra, vì biến số lớn nhất ở đây chính là con người cụ thể, nôm na là “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”. Ví dụ, phong thủy luôn chịu chi phối bởi địa hình, địa thế khiến một ngôi nhà ở vùng đồng bằng sẽ khác vùng núi, hoặc khu đô thị này sẽ chịu tác động khác với khu dân cư nọ bởi môi trường tự nhiên và nhân tạo xung quanh. Thậm chí cùng một gia chủ tuổi đó nhưng xây nhà ở nơi có lượng ánh sáng, gió, và hoàn cảnh chung quanh khác nhau, thì dẫn đến cách bố trí và thiết kế phải tùy chỉnh. Do đó theo tôi biết và tra cứu bằng trí tuệ nhân tạo(!) thì hiện nay làm phong thủy không chỉ dựa trên phái Bát Trạch (tính theo mệnh tuổi năm sinh âm lịch của gia chủ) mà phụ thuộc thêm nhiều yếu tố khác khoa học hơn. Đồng thời, một điểm quan trọng mà có lẽ các AI hiện nay vẫn chưa đạt được, đó là các “điểm chạm” tinh tế về mặt cảm xúc khi ở trong một ngôi nhà không chỉ cảm thụ qua các giác quan thông thường hay vài nguyên tắc bất di bất dịch.
Nhà thiết kế Hà Mỹ: Bên cạnh đó, chuyện “sông có khúc người có lúc” là lẽ đương nhiên của tạo hóa. Mỗi gia đình và gia chủ có nhu cầu, thói quen, và phát triển riêng biệt theo thời gian. Từ cơ cấu nhân khẩu gia đình, cho đến ngành nghề, tính cách của từng thành viên luôn khác nhau. Ví dụ người làm nghệ thuật có thể yêu cầu không gian sáng tạo, trong khi người làm kinh doanh cần văn phòng tại nhà để tiện giao dịch. Rồi các biến số như sức khỏe, tinh thần hoặc bệnh lý sẽ ảnh hưởng đến cảm thụ không gian sống. Do vậy nếu áp dụng một cách rập khuôn theo AI chỉ định thì những ngôi nhà giống nhau sẽ không thể đáp ứng được những nhu cầu cụ thể của từng gia đình. Mặt khác, ai khi xây hay sửa nhà đều không muốn nhà mình giống nhà người khác. Đây là chuyện mâu thuẫn nhưng có thật: Người ta tham khảo rất nhiều trên mạng, gửi cho nhà thiết kế xem nhưng lại hay “thòng” một câu: Anh/chị thấy thích kiểu đó thôi, chứ em đừng làm giống thế! Có lẽ việc sở hữu một không gian giống của ai đó sẽ tạo cảm giác thiếu cá tính, ảnh hưởng tiêu cực đến tinh thần của gia chủ. Thiệt tình mình làm nhà thì cũng phải có gì đó “khoe cho thiên hạ” thấy gu riêng của mình chứ!
Kỹ sư Phương Bùi: Theo tôi biết, để ngăn chặn tình trạng “đạo nhái ý tưởng” hiện nay, các nước tiên tiến đã có một số giải pháp, chúng ta có thể tham khảo:
– Tăng cường luật pháp và chính sách: Cần có các quy định rõ ràng về quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm do AI tạo ra hoặc hỗ trợ. Các cơ quan quản lý nên xây dựng hệ thống pháp lý chặt chẽ để bảo vệ ý tưởng sáng tạo, đồng thời áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với hành vi vi phạm.
– Áp dụng công nghệ blockchain: Blockchain có thể được sử dụng để ghi nhận quyền tác giả và theo dõi nguồn gốc của các thiết kế kiến trúc. Mỗi thiết kế khi được tạo ra có thể được mã hóa và gắn liền với một “chữ ký” kỹ thuật số, giúp xác minh quyền sở hữu.
– Công cụ kiểm tra sao chép: Các nền tảng AI có thể phát triển các công cụ kiểm tra và phát hiện việc sao chép ý tưởng. Ví dụ, những thuật toán phân tích có thể so sánh thiết kế mới với cơ sở dữ liệu hiện có để nhận diện mức độ tương đồng và cảnh báo về khả năng vi phạm bản quyền.
– Nâng cao nhận thức cộng đồng: Tăng cường giáo dục về đạo đức nghề nghiệp và giá trị của sự sáng tạo độc lập. Việc nhấn mạnh vào tầm quan trọng của việc tôn trọng tác giả và nỗ lực sáng tạo cá nhân sẽ giúp giảm thiểu tình trạng sao chép. Nói ra có vẻ chung chung nhưng chính Luật Kiến trúc và các đợt kiểm tra – thi chứng chỉ hành nghề hiện nay là những khung pháp lý phù hợp, cần nghiêm túc tuân thủ.
– Kiểm soát và minh bạch dữ liệu AI: Cần có các biện pháp để đảm bảo rằng dữ liệu mà AI học và sử dụng được minh bạch, có kiểm soát, tránh việc AI sao chép trực tiếp các thiết kế đã tồn tại. Một số trường chuyên về thiết kế đã có cơ sở dữ liệu chung mà cộng đồng tham khảo, chỉ ra được các lỗi “đạo nhái” trong quá trình sáng tạo, hình thành tác phẩm thiết kế.

Như vậy, để khai thác tốt thế mạnh của AI trong thiết kế, nhất là từ khâu xử lý dữ liệu, đến tối ưu hóa các xử lý, cụ thể như phong thủy… thì theo các anh/chị cần quan tâm đến vấn đề gì?
Kỹ sư Phương Bùi: Không chỉ chuyện phong thủy, mà các khâu trong quá trình làm nhà đều cần tránh lạm dụng trí tuệ nhân tạo một cách rập khuôn. Các nước có khuynh hướng “hiện đại mà vẫn giữ gìn bản sắc dân tộc” như Singapore, Nhật Bản… đều làm tốt việc này qua các nhóm giải pháp sau:
– Xem phong thủy như một lựa chọn mang tính cá nhân hoặc thẩm mỹ, giảm sự ràng buộc bởi các quy tắc chặt chẽ về phương hướng, màu sắc hay bố cục không gian mà chỉ tập trung vào việc tạo ra sự thoải mái và phù hợp với lối sống của mình.
– Nhìn nhận một ngôi nhà tốt là nơi thể hiện tính cách và sở thích của người sống trong đó. Ngôi nhà cũng chỉ là một phần tài sản, thậm chí là tiêu sản, hao mòn và thay đổi tùy sự dịch chuyển của người chủ theo mỗi giai đoạn cuộc đời.
– Để giảm bớt các lệch lạc trong vận dụng AI vào thiết kế nhà cửa, cần dung hòa giữa niềm tin truyền thống và thực tế hiện đại, đồng thời chú trọng vào việc xây dựng không gian sống phù hợp với nhu cầu cá nhân thay vì chỉ chạy theo những quy tắc cứng nhắc.
Nhà thiết kế Hà Mỹ: Dù sống trong thời kỳ công nghệ phát triển, người Việt ta vẫn mang tâm lý lo lắng việc “sai phong thủy”, sợ xui xẻo bất lợi. Có lẽ do sự truyền miệng từ thế hệ trước, các câu chuyện về hậu quả khi phạm phải “đại kỵ phong thủy” đã in sâu vào tư duy.
Ngoài ra, với tốc độ đô thị hóa nhanh, không gian sống ngày càng thu hẹp, người Việt càng chú trọng vào phong thủy để bù đắp cho những hạn chế của môi trường sống. Điều này dẫn đến tranh cãi trong gia đình hoặc cộng đồng về việc tuân theo nguyên tắc phong thủy. Ở Việt Nam, một ngôi nhà không hợp phong thủy dễ bị cộng đồng chung quanh xem là gia chủ thiếu cẩn trọng, phải biết “có thờ có thiêng”… Theo tôi để khai thác AI trong chuyện phong thủy, có thể tập trung vào các vấn đề sau:
– Tối ưu hóa không gian: Dựa trên các thông số liên quan từng gia chủ, gia đình, AI có thể đề xuất nhiều cách tùy chỉnh bố trí đồ nội thất, ánh sáng, sao cho “khớp nối” tốt với hoàn cảnh cụ thể gia đình.
– Hóa giải hạn chế: Nhà thiết kế có hiểu biết phong thủy sẽ tư vấn thêm các biện pháp hóa giải hoặc tăng cường năng lượng tốt một cách khoa học nhờ dữ liệu phong phú tích lũy theo kinh nghiệm “thực chiến”.
– Tôn trọng cá tính gia chủ: Mọi thiết kế đều cần trả lời câu hỏi “cho ai?” để phản ánh thói quen sống và phong cách của gia chủ, đảm bảo không gian sống vừa hợp phong thủy vừa mang cá tính riêng của chủ sử dụng.
Doanh nhân Lê Thành Trung: Theo tôi cần giữ quan niệm “Trung Đạo” trong tiếp cận kiến thức phong thủy để làm sao cân bằng, không cực đoan, dung hòa nguyên tắc lý thuyết và điều kiện thực tế. Đây là một lối đi không thiên kiến, không lệch lạc, nhằm đạt được hiệu quả trong việc ứng dụng phong thủy vào cuộc sống. “Liệu cơm gắp mắm” sao cho hợp với điều kiện thực tiễn, như quan niệm Trung Đạo sẽ dẫn đến giải quyết không nhất thiết thay đổi cấu trúc nhà, mà thay vào đó, có thể hóa giải nhờ sắp xếp nội thất hợp lý. Từ đó, việc sao chép, áp dụng cứng nhắc phong thủy vào thiết kế cũng không thể xảy ra vì yếu tố con người và thái độ sẽ quyết định giải pháp được chọn.
Trung Đạo cũng khuyến khích việc gìn giữ giá trị truyền thống trong phong thủy, nhưng không gạt bỏ các yếu tố khoa học và tiện nghi hiện đại. Ví dụ: Thay vì bài trí nhà theo cách “cổ điển” hoàn toàn, có thể sử dụng công nghệ nhà thông minh (như hệ thống ánh sáng hoặc điều hòa tự động) sao cho vẫn hợp phong thủy, vừa đáp ứng nhu cầu tiện nghi. Do phong thủy chứa đựng cả yếu tố tâm linh (niềm tin về năng lượng và vận mệnh) và logic thực tế (khí động học, ánh sáng, không gian), quan điểm Trung Đạo không thiên hẳn về tâm linh hoặc khoa học, mà sử dụng cả hai yếu tố để giải thích và áp dụng. Ví dụ việc chọn loại cây xanh nào đưa vào nhà không chỉ vì ý nghĩa “hút tài lộc” mà còn xem xét khả năng cải thiện không khí, mức độ chăm sóc và tạo thư giãn tới đâu. Trung Đạo nhấn mạnh rằng phong thủy là một công cụ hỗ trợ, không phải yếu tố quyết định hoàn toàn thành bại trong cuộc sống, không sa vào cực đoan hay giáo điều. Đây có thể coi là một lối đi bền vững, giúp phong thủy thực sự phát huy giá trị mà không thành gánh nặng hoặc giới hạn.
ThS.KTS Hà Anh Tuấn (ghi chép và tổng hợp)