
Biên Hòa Đông Phố sẽ là trung tâm hành chính và thương mại sôi động, phát triển gắn với giao thông công cộng (TOD), là mô hình phát triển đô thị kiểu mẫu cho xu hướng phát thải ròng bằng 0 (Net Zero), kết hợp bền vững giữa kiến trúc đô thị và cảnh quan thiên nhiên, với hệ thống không gian xanh rộng lớn liên kết liền mạch các quảng trường và công viên đô thị đến sông Đồng Nai. Đây là nơi giao thoa Di sản, Đổi mới Sáng tạo và Sinh thái, đưa Biên Hòa thành điểm đến làm việc và sinh sống hấp dẫn bậc nhất tại vùng Đông Nam Bộ.
Bối cảnh
Khu công nghiệp Biên Hòa 1, ra đời năm 1963, không chỉ là khu công nghiệp đầu tiên của Việt Nam mà còn từng là biểu tượng rực rỡ của ngành công nghiệp miền Nam. Trực thuộc TP Biên Hòa – thủ phủ công nghiệp của tỉnh Đồng Nai, khu công nghiệp nằm trên hành lang sinh thái của vùng, kết nối từ hồ Trị An đến vịnh Cần Giờ và có vị thế là cửa ngõ – mặt tiền của tỉnh trên các hành lang kinh tế quốc gia.
Tầm nhìn
Với sự phát triển nhanh chóng của đô thị, việc chuyển đổi các công năng hiện hữu thành các trung tâm mới thường đánh mất đi bản sắc địa phương vốn có. Khu công nghiệp Biên Hòa là một biểu tượng phát triển của tỉnh, việc chuyển đổi thành khu trung tâm mới tại nơi đây phải giữ gìn được những dấu ấn thịnh vượng và cùng phát triển với các giá trị đổi mới hiện đại.
Tuy nhiên, dự án này cũng đối mặt với nhiều thách thức như hệ thống đường điện cao thế hiện hữu gây ảnh hưởng đến cảnh quan, thiếu kết nối giao thông đến các trung tâm phía Bắc và phía Nam của thành phố, cũng như nguy cơ ngập lụt đô thị do biến đổi khí hậu.

Việc xây dựng nên một trung tâm TOD cửa ngõ gắn liền với các hành lang giao thông công cộng chiến lược hòa mình vào mạng lưới sinh thái vùng tạo nên mẫu hình đô thị net zero, cùng lúc giải được nhiều bài toán thách thức trong khu vực. “Biên Hòa Đông Phố – trái tim mới của miền Đông” với quy mô diện tích hơn 300ha cùng cách tiếp cận tôn trọng di sản – không chỉ đơn thuần tái phát triển, mà còn giữ lại dấu ấn công nghiệp, tạo nên một không gian di sản sống động ngay giữa lòng đô thị.
GIao thông công cộng sẽ đáp ứng 70% nhu cầu đi lại với việc tích hợp 3 tuyến metro tạo thành một mô hình TOD toàn diện. Việc bổ sung mạng lưới đường đi xe đạp và khuyến khích người dân sử dụng người dân sử dụng xe cá nhân chạy nhiên liệu sạch sẽ giúp giảm thiểu 10 ngàn tấn CO2 mỗi ngày so với mô hình giao thông truyền thống. Đó là chưa kể tới nửa triệu m2 công viên cây xanh công cộng giúp hấp thụ đáng kể CO2.
Chiến lược
Nhằm hiện thực hóa tầm nhìn trên, chúng tôi đã đề xuất 5 chiến lược quy hoạch đột phá.
1. Great by Green – Trải nghiệm sinh thái độc đáo trong lòng trung tâm đô thị
Hệ thống hành lang sinh thái dọc suốt khu đô thị mang lại không gian xanh phong phú, phục vụ cộng đồng, phục hồi môi trường từng bị ảnh hưởng bởi các hoạt động công nghiệp. Đồng thời, hành lang còn hoạt động như một hệ thống lọc, góp phần cải thiện chất lượng nước. Để thích ứng với sự thay đổi khí hậu mới, cao độ nền khu vực được nâng cao và bổ sung các bờ kè đa dạng với các chiến lược thích ứng, hài hòa với cảnh quan bờ sông.

2. River Re-connected – Hướng ra sông, sôi động trên mặt nước
Nhiều hoạt động giao lưu, giải trí và thể thao dành cho người dân được thiết kế dọc hành lang sinh thái thông qua việc hình thành những không gian quảng trường, sân khấu ngoài trời và trên mặt nước. Các hoạt động thương mại và dịch vụ cũng được chú trọng phát triển như tại các khu vực chợ, bến tàu và phố đi bộ, tạo nên một hệ sinh thái đô thị năng động.

3. Heritage Celebrated – Tôn vinh di sản, kiến tạo điểm đến mới hấp dẫn
Những công trình di sản từng gây dấu ấn trong lịch sử tại KCN Biên Hòa 1 được tái sử dụng, tạo nên trục di sản kết nối bờ sông và các tuyến văn hóa, làm nổi bật bản sắc và mang đến trải nghiệm phong phú. Đây không chỉ là điểm check-in độc đáo mà còn mang đến trải nghiệm khám phá sống động, nơi quá khứ và hiện đại hòa quyện, góp phần giữ gìn bản sắc và nâng tầm du lịch địa phương.
4. Invisible Infrastructure – Ẩn hạ tầng, tăng kết nối
Nằm ở vị trí chiến lược cửa ngõ của tỉnh Đồng Nai và vùng Đông Nam Bộ, nơi tập trung rất nhiều các tuyến hạ tầng giao thông cấp vùng và quốc gia, khu vực nghiên cứu có lợi thế về khả năng tiếp cận nhưng cũng gặp thách thức lớn về việc bố tri các hạ tầng phức tạp và khổng lồ trong khi vẫn cần tạo ra không gian đô thị thân thiện, đáng sống. Phương án đã giải quyết được bài toán hóc búa này bằng cách khai thác chênh lệch địa hình, bố trí các tuyến đường sắt bán ngầm, vừa có chi phí thấp, vừa không cản trở tầm nhìn tới các công trình điểm nhấn và không gian xanh, đồng thời giảm tiếng ồn cho khu vực xung quanh.

5. Hill-top Hubs – Tập trung công trình kiến trúc độc đáo trên đỉnh đồi, kiến tạo đường chân trời đặc sắc
Các công trình mới với kiến trúc ấn tượng tạo điểm nhấn mạnh mẽ cho cảnh quan, định hình đường chân trời độc đáo, thúc đẩy niềm tự hào công dân và tạo nên một thành phố sống động, dễ nhận diện.

“Dự án tái phát triển Biên Hòa Đông Phố không chỉ tận dụng tối đa lợi thế kết nối, mà còn định hình một khu đô thị kiểu mẫu theo mô hình phát triển gắn kết với giao thông công cộng (TOD). Với định hướng ưu tiên giao thông xanh và giảm phát thải, khu đô thị được quy hoạch với hệ thống giao thông đa phương thức liên kết chặt chẽ giữa mạng lưới đường đạp xe và đi bộ với hệ thống giao thông công cộng liên vùng, kết hợp hạ tầng xanh để thúc đẩy đa dạng sinh học và phát triển bền vững. Bên cạnh đó, việc bảo tồn di sản được lồng ghép khéo léo, tạo nên những điểm đến độc đáo, vừa gìn giữ giá trị lịch sử, vừa nâng cao chất lượng sống đô thị.” – Phạm Hoàng Hải, Giám đốc Quy hoạch và Hạ tầng enCity.

Biên Hòa Đông Phố sẽ là trung tâm hành chính và thương mại sôi động, phát triển gắn với giao thông công cộng, là mô hình phát triển đô thị kiểu mẫu cho xu hướng net zero, kết hợp bền vững giữa kiến trúc đô thị và cảnh quan thiên nhiên, với hệ thống không gian xanh rộng lớn liên kết liền mạch các quảng trường và công viên đô thị đến sông Đồng Nai. Đây là nơi giao thoa Di sản, Đổi mới Sáng tạo và Sinh thái, đưa Biên Hòa thành điểm đến làm việc và sinh sống hấp dẫn bậc nhất tại vùng Đông Nam Bộ.
Ngày 25/3, tỉnh Đồng Nai đã tổ chức lễ công bố và trao giải thưởng cuộc thi tuyển “Ý tưởng quy hoạch chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1 thành Khu đô thị – thương mại – dịch vụ“. Cuộc thi được UBND tỉnh Đồng Nai phát động từ ngày 4/11 – 2/12/2024, đặt ra yêu cầu chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1 có diện tích 324 ha phải gắn kết hài hòa kiến trúc tổng thể cảnh quan sông Đồng Nai, sông Cái và cù lao Hiệp Hòa; đáp ứng sự hài hòa giữa các công trình kiến trúc, kết nối với khu trung tâm chính trị – hành chính của tỉnh; tạo động lực và vị thế mới cho TP Biên Hòa cũng như các khu vực khác của tỉnh Đồng Nai. KCN Biên Hòa 1 ra đời năm 1963, từng là biểu tượng rực rỡ của ngành công nghiệp miền Nam. Với sự phát triển mạnh mẽ của đô thị, việc chuyển đổi khu vực này thành một trung tâm mới đòi hỏi phải giữ gìn bản sắc công nghiệp, đồng thời thích ứng với những yêu cầu đô thị hiện đại. Liên danh enCITY và URBAN+ đã vượt qua 6 đối thủ tại vòng 2 để giành giải Nhất cuộc thi với dự án “Biên Hòa Đông Phố – trái tim mới của miền Đông“. Dự án thể hiện tầm nhìn chiến lược về một đô thị bền vững, tôn vinh di sản, kết nối hệ sinh thái và hướng đến phát triển xanh, hiện đại. |
(Nguồn: enCity)