Để phát triển một dự án resort khoảng 300 phòng tiêu chuẩn 4-5 sao trên diện tích trung bình 10 héc-ta tại Việt Nam, nhà đầu tư cần 167 tháng, tức gần 14 năm, để thực hiện từ khâu ý tưởng đến khi đưa resort vào hoạt động.
Thông tin trên có thể khiến nhiều người bất ngờ. Tuy nhiên, ông Thân Thanh Vũ, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Du lịch Việt Nam và là Giám đốc điều hành của Công ty Bất động sản Phú Quốc Land khẳng định rằng đây là thông tin thực tế do ông đúc kết từ 13 năm kinh nghiệm trong ngành bất động sản du lịch và ghi nhận từ nhiều thành viên trong hiệp hội.
Một resort ở Phú Quốc (nguồn: Ảnh du lịch Phú Quốc)
Theo ông Vũ, chỉ riêng thời gian để biết được giá đất, nhà đầu tư mất khoảng 63 tháng, tính từ khi có chủ trương đầu tư. Để phát triển dự án quy mô như trên, nhà đầu tư phải thực hiện 44 nhóm công việc lớn và một nửa trong số này liên quan đến sự quản lý và phê duyệt của chính quyền.
Chính quyền mà doanh nhân này vừa nhắc đến là 12 cơ quan ban ngành với hàng trăm cán bộ liên quan từ tỉnh ủy, UBND cùng với phần xem xét, hướng dẫn, tham mưu, góp ý của quận, huyện, xã, phường, sở kế hoạch và đầu tư, sở Văn hóa Thể thao và Du lịch...
"Tiến trình này có thể nhanh hơn nếu sẵn đất sạch, quy hoạch 1/2000, 1/500 nhưng thường thì địa phương không có quy hoạch này khi nhà đầu tư đến", ông Vũ nói trong Đại hội Hiệp hội Bất động sản Du lịch Việt Nam diễn ra vào chiều 25/7 tại TPHCM.
Cũng đồng ý với nhận định này, ông Kenneth Atkinson, Chủ tịch Công ty TNHH Grant Thornton Việt Nam cho rằng tại Việt Nam, muốn phát triển một dự án bất động sản du lịch thì phải mất đến ba năm để hoàn thành một số giấy tờ hồ sơ, trong khi ở tại một số quốc gia khác thì chỉ cần vài tháng.
Không tham dự đại hội nhưng trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online về vấn đề này, bà Dương Thanh Thủy, Chủ tịch tập đoàn Trung Thủy, cho biết thực sự nhà đầu tư đang lệ thuộc quá nhiều vào vấn đề giải tỏa và giá cho thuê đất.
Theo bà Thủy, nếu lãi suất ổn định thì cần đến 20 năm để một dự án bất động sản du lịch thu hồi vốn. Một dự án mà nhà đầu tư thuê đất đến 50 năm thì địa phương phải đảm bảo giá đất ổn định ít nhất là 10 năm mới thay đổi một lần thì nhà đầu tư mới có thể tính toán việc đầu tư. Tuy nhiên, rất ít địa phương làm được việc này. Chính vì lý do đó, công ty bà từng buộc phải bỏ một dự án khá tiềm năng do khi ký hợp đồng đầu tư, tỉnh đã đột ngột tăng giá thuê đất lên 10 lần so với thỏa thuận ban đầu.
Vấn đề đền bù giải tỏa để có đất sạch cũng là vấn đề khó khăn và mất rất nhiều thời gian, làm chậm tiến độ phát triển dự án. Tại công ty Trung Thủy có dự án, công ty đã phải mất đến 5 năm thực hiện việc giải tỏa để có đất sạch.
"Chỉ cần thủ tục nhanh, có đất sạch và giá ổn định là chúng tôi có thể đẩy dự án phát triển rất nhanh. Tuy nhiên, cho đến nay thì đây vẫn là vấn đề chưa giải quyết được", bà Thủy nói.
Đào Loan (Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online)
- 21 tỷ USD quy mô thị trường bất động sản Việt Nam
- Bong bóng bất động sản và bài học từ Nhật Bản
- Vốn ngoại trở lại với bất động sản
- Nam Long - Cú lội ngược dòng
- Hàng chục nghìn tỷ đang vào “thỏi nam châm” Phú Quốc
- Nhà phố đa sở hữu: Lối đi mới cho thị trường bất động sản
- Khóc ròng vì luật thay đổi
- Bán chênh giá căn hộ: Lách luật hay thổi giá?
- Bộ Xây dựng: Căn hộ không nhất thiết phải lớn hơn 45 m²
- Chai dần với các gói ngàn tỉ