Dự án Lotte Center Hanoi đang hoàn thiện những hạng mục cuối cùng để vận hành tòa cao ốc hỗn hợp đắt giá bậc nhất Hà Nội trong sự hoài nghi của giới đầu tư về mức độ thành công của dự án này.
Ai có dịp qua ngã ba Đào Tấn - Liễu Giai (quận Ba Đình, Hà Nội) vào những ngày này, có thể hưởng chút không khí mát mẻ đứt quãng từ việc thử nghiệm hệ thống điều hòa trung tâm của Lotte Center Hanoi tỏa ra bốn phía.
Thông tin từ một nhà thầu đề nghị không nêu tên, chỉ riêng hệ thống làm mát này của Lotte Center Hanoi đã tiêu tốn của chủ đầu tư vài chục triệu USD để duy trì sự sống cho tòa cao ốc khổng lồ có tổng diện tích xây dựng lên đến gần 250.000 m2 này.
Không khí mát mẻ phả ra từ chân tòa cao ốc dường như càng làm cho không khí trên cao nóng bỏng hơn - vô tình lại là chỉ báo về một cuộc cạnh tranh quyết liệt mà Lotte phải đối mặt trên một thị trường bất động sản cạnh tranh nóng bỏng hiện nay.
Dự án Cao ốc hỗn hợp Lotte Center Hanoi được Tập đoàn Lotte mua lại từ Tập đoàn Daewoo, khởi công xây dựng tháng 10/2009, dự kiến hoàn thành vào tháng 10/2014. Thời điểm Lotte đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng Dự án là thời kỳ hoàng kim của thị trường bất động sản. Khi đó, vào năm 2009, Hà Nội có khoảng 12 trung tâm mua sắm chất lượng cao với tổng diện tích gần 160.000 m2. Mức giá thuê mặt bằng bán lẻ tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM thời đó dao động trong khoảng 50 - 100 USD/m2/tháng.
Năm năm sau, thị trường bất động sản đã khác xa. Tổng diện tích mặt bằng bán lẻ tại Hà Nội đã đạt con số hơn 1 triệu m2. Giá thuê trung bình toàn thị trường đã giảm từ mức “đỉnh” 100 USD/m2/tháng xuống chỉ còn 38,9 USD/m2/tháng. Điều đó không đáng lo ngại bằng con số thống kê tỷ lệ bỏ trống tại các trung tâm thương mại liên tiếp gia tăng từ năm 2012 đến nay. Tỷ lệ trống toàn thị trường trong quý II/2014 là 18,2%, tăng 3,8% so với quý I/2014 và 2,3% so với cùng kỳ năm 2013.
“Tại Hà Nội, giá chào thuê sẽ tiếp tục giảm, đặc biệt là với việc Lotte Center khai trương trong quý tới, nguồn cung tiếp tục vượt quá mức nhu cầu thị trường, làm gia tăng cạnh tranh giữa các chủ tòa nhà. Dự báo, xu hướng giảm giá còn kéo dài tại thị trường văn phòng cho thuê Hà Nội”, ông Alex Crane, Giám đốc Bộ phận tư vấn cho thuê mặt bằng văn phòng (Cushman & Wakefield Việt Nam) nhận định.
Thống kê của CBRE Việt Nam cho biết, năm 2014, hàng loạt cao ốc hỗn hợp với diện tích khủng khác cũng gia nhập thị trường gồm: Gelex Tower (52, Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng), diện tích 18.300 m2; HANDICO Tower (Khu đô thị Mễ Trì, quận Từ Liêm), diện tích 29.040 m2; PSID Tower (148, Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy), diện tích 10.634 m2) và EVN Tower (11, Cửa Bắc, quận Ba Đình), diện tích 18.194 m2. Các dự án này sẽ làm tăng áp lực lên giá thuê, cũng như diện tích văn phòng, trung tâm thương mại bỏ trống trên toàn thị trường khiến bài toán cạnh tranh của Lotte Center Hanoi trở nên khó khăn hơn.
Hai năm trước, đối mặt với áp lực cạnh tranh của thị trường, phương án được đối thủ của Lotte là Tập đoàn Keangnam (cũng đến từ Hàn Quốc) sử dụng khi khai trương Dự án Cao ốc hỗn hợp Keangnam Landmark Tower (quận Cầu Giấy, Hà Nội) là kêu gọi các bạn hàng, đối tác có “xuất xứ” Hàn Quốc, Nhật Bản di dời văn phòng về đóng tại tòa nhà.
Cách làm của Keangnam đã khiến nhiều tòa nhà văn phòng cho thuê tại Cầu Giấy, Đống Đa mất đi một lượng khách thuê đáng kể. Một phần trong số đó, chủ đầu tư phải “tái cơ cấu” thành căn hộ cho thuê. Tuy nhiên, nếu làm theo cách của Keangnam, Lotte Center Hanoi hiện sẽ có ít lựa chọn hơn, bởi nhiều tập đoàn lớn xuất xứ từ Hàn Quốc đã lựa chọn Keangnam Landmark Tower làm “đại bản doanh” (dù vậy, văn phòng cho thuê ở Keangnam Landmark Tower vẫn còn một diện tích lớn bỏ trống).
Và sắp đến ngày khánh thành, sự hoài nghi lớn hơn khi đại diện truyền thông của Lotte từ chối không đưa ra bất cứ câu trả lời nào. Phải chăng, họ đã có cho mình một chiêu thức kinh doanh mới?
Hà Quang (Báo Đầu tư)
- Nhà phố đa sở hữu: Lối đi mới cho thị trường bất động sản
- Khóc ròng vì luật thay đổi
- Bán chênh giá căn hộ: Lách luật hay thổi giá?
- Bộ Xây dựng: Căn hộ không nhất thiết phải lớn hơn 45 m²
- Chai dần với các gói ngàn tỉ
- "Làng Pháp" bỏ hoang và nỗi ám ảnh dân giàu Hà Nội
- 9 giải pháp phát triển thị trường bất động sản
- Giao dịch qua sàn bất động sản: Không quản được thì bỏ?
- Hà Nội nâng diện tích nhà ở lên 23,1 m2/người năm 2015
- Căn hộ bình dân được ưa chuộng