Ashui.com

Friday
Apr 19th
Home Chuyên mục Bất động sản 9 giải pháp phát triển thị trường bất động sản

9 giải pháp phát triển thị trường bất động sản

Viết email In

Thống nhất hệ thống đăng ký sở hữu bất động sản; đẩy mạnh đấu giá quyền sử dụng đất; khuyến khích đầu tư nước ngoài vào bất động sản cao cấp… là những giải pháp phát triển thị trường bất động sản được Bộ Xây dựng đề xuất trong Tờ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về Chiến lược phát triển thị trường bất động sản.  

Đánh giá và định hướng thị trường bất động sản là cần thiết 

Theo Bộ Xây dựng, thị trường bất động sản nước ta thời gian qua đã có bước phát triển quan trọng. Nhiều dự án phát triển nhà ở, công trình dịch vụ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ đã được hình thành, làm thay đổi bộ mặt đô thị, nâng cao điều kiện sống của các tầng lớp dân cư, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, từng bước đáp ứng nhu cầu về nhà ở của các tầng lớp nhân dân, góp phần bảo đảm an sinh xã hội… 

Đặc biệt, thị trường bất động sản cũng đã thu hút một số lượng lớn vốn đầu tư nước ngoài. Tính đến ngày 31/12/2013 đã có 407 dự án đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bất động sản được cấp phép với tổng vốn đầu tư 49,03 tỷ USD. 

Đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bất động sản chiếm khoảng 21% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Số thu ngân sách từ tiền thuê đất của khu vực đầu tư nước ngoài trong giai đoạn 2001-2011 ước đạt 4.700 tỷ đồng, trong đó năm 2011 đạt cao nhất với 1.047 tỷ đồng, năm 2012 - 2013 ước trung bình mỗi năm thu khoảng 1 nghìn tỷ đồng từ tiền thuê đất của các nhà đầu tư nước ngoài... góp phần tích cực vào phát triển kinh tế của đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực đã đạt được, hoạt động của thị trường bất động sản thời gian vừa qua đã bộc lộ những yếu kém, phát triển thiếu lành mạnh và không ổn định. 

Giá cả hàng hóa bất động sản, đặc biệt là giá nhà ở vẫn đứng ở mức cao, diễn biến phức tạp, nhất là tại các đô thị lớn. Cơ cấu hàng hóa bất động sản nhà ở mất cân đối, thiếu hàng hóa có quy mô vừa và nhỏ, có giá cả phù hợp với đa số nhu cầu của người dân, đặc biệt thiếu loại hình nhà ở cho thuê…

Bên cạnh đó, việc huy động nguồn lực để triển khai các chương trình phát triển nhà ở xã hội phục vụ các đối tượng chính sách xã hội, người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, công nhân lao động tại các khu công nghiệp còn hạn chế. Vì vậy quỹ nhà ở xã hội có sự điều tiết của Nhà nước còn thiếu, gây khó khăn cho việc giải quyết nhà ở cho một bộ phận lớn dân cư đô thị.

Chưa kể, tình trạng đầu tư tràn lan, tự phát hay các dự án chậm tiến độ, đầu tư không đồng bộ, thiếu kết nối hạ tầng còn diễn ra phổ biến. Hàng tồn kho nhiều gây lãng phí tài nguyên đất đai và vốn đầu tư của xã hội.

Vì vậy, việc nghiên cứu đánh giá thị trường, đề ra những định hướng phát triển cho thị trường bất động sản cho những năm tới và các giải pháp để thực hiện định hướng đó là hết sức cần thiết. 

9 giải pháp phát triển thị trường bất động sản 

Theo Tờ trình, Bộ Xây đựng đề xuất 9 giải pháp phát triển thị trường bất động sản.

Cụ thể, một là hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm thúc đẩy và quản lý thị trường bất động sản phát triển ổn định, bền vững và lành mạnh.

Trong đó có đề xuất thống nhất hệ thống đăng ký sở hữu bất động sản, đăng ký quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản trên đất một cách khoa học, đơn giản về thủ tục, tin học hóa hệ thống đăng ký để người dân tự nguyện đăng ký, được Nhà nước bảo hộ và dễ dàng thực hiện các quyền đối với tài sản theo quy định của pháp luật. 

Hai là, về công tác quy hoạch, Bộ đề xuất đổi mới công tác lập quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành và quy hoạch phát triển đô thị, nông thôn, bảo đảm thị trường bất động sản phát triển theo quy hoạch, có kế hoạch, khắc phục tình trạng phát triển đô thị, bất động sản một cách tự phát.

Ba là, tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước trong khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn lực đất đai nhằm kiểm soát, điều tiết thị trường bất động sản phát triển bền vững. Trong giải pháp này, sẽ đẩy mạnh hình thức đấu giá quyền sử dụng đất để điều tiết thị trường và tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước thống nhất quản lý việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Bốn là, tái cơ cấu thị trường bất động sản, phát triển đa dạng các loại hàng hoá bất động sản, nhất là nhà ở cho phù hợp với nhu cầu của thị trường, khắc phục lệch pha cung - cầu hàng hoá trên thị trường bất động sản, chủ động bình ổn thị trường, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội.

Năm là, hình thành và tạo điều kiện để các định chế tài chính phát triển nhằm thu hút các nguồn vốn cho thị trường bất động sản, điều chỉnh chính sách tín dụng linh hoạt để tạo điều kiện về vốn cho các chủ thể tham gia thị trường bất động sản.

Sáu là, hoàn thiện chính sách thuế, phí và lệ phí liên quan tới bất động sản để khuyến khích sử dụng có hiệu quả bất động sản, giao dịch chính thức trên thị trường, hạn chế đầu cơ, trốn lậu thuế cũng như tăng nguồn thu cho Nhà nước. Điều này được thực hiện trên cơ sở phải sửa đổi, bổ sung Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập cá nhân, quy định về lệ phí trước bạ liên quan tới bất động sản.

Bảy là, hoàn thiện cơ cấu, tổ chức và nâng cao năng lực các chủ thể tham gia thị trường bất động sản để bảo đảm thị trường bất động sản hoạt động một cách lành mạnh và chuyên nghiệp. Trong đó, khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực bất động sản cao cấp như khách sạn hạng cao cấp, các khu nghỉ dưỡng cao cấp, căn hộ cao cấp và hạ tầng các khu công nghiệp cần vốn đầu tư lớn cũng như các khu đô thị lớn mang tính đặc thù.

Tám là, xây dựng hệ thống thông tin, dự báo về thị trường bất động sản thống nhất, tin cậy từ Trung ương đến địa phương làm cơ sở cho hoạch định chính sách, quản lý thị trường bất động sản; thực hiện cung cấp thông tin, bảo đảm thị trường bất động sản hoạt động một cách công khai, minh bạch.

Chín là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước đối với thị trường bất động sản trong việc công khai các thủ tục dịch vụ công liên quan đến việc đăng ký, xác lập quyền sở hữu, chuyển dịch sở hữu, mua bán bất động sản, sao lục hồ sơ bất động sản, giao đất, cho thuê đất…

(Báo Xây dựng) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo