Ashui.com

Wednesday
Jan 08th
Home Chuyên mục Bất động sản Quyền lợi người dân trong khu quy hoạch

Quyền lợi người dân trong khu quy hoạch

Viết email In

Phải bảo đảm quyền lợi người dân trong khu quy hoạch là chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín tại hội nghị giải quyết một số vướng mắc liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết 16/2012 của HĐND TPHCM về công tác lập, tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch đô thị trên địa bàn TPHCM vào ngày 13/6. Tại đây, 3 vấn đề đang vướng mắc nhiều nhất, đó là cấp phép xây dựng (GPXD), cấp giấy chứng nhận nhà đất (GCN) và tách thửa đã được đưa ra để bàn các biện pháp tháo gỡ cụ thể.  

Thêm nhiều trường hợp được CPXD 

Ông Quách Hồng Tuyến, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP cho biết, việc cấp GPXD trên địa bàn TP theo NĐ 64/2013 của Chính phủ gặp nhiều khó khăn vì các điều kiện thực tế liên quan đến quy hoạch, thiết kế đô thị… tại TPHCM chưa đủ để CPXD theo quy định của nghị định này. 

UBND TP cũng đã ban hành QĐ 21/2013 quy định về cấp GPXD tại TP nhằm gỡ vướng một phần cho người dân nhưng vẫn còn nhiều trường hợp chưa được cấp. Nhằm giải quyết quyền lợi chính đáng và hợp pháp của người dân có nhà, đất trong khu quy hoạch, Sở Xây dựng đề nghị thêm nhiều trường hợp trong khu quy hoạch vẫn được xem xét cấp GPXD nhằm giải quyết những vướng mắc hiện tại của người dân. 

  • Ảnh bên: Nhiều trường hợp nhà trên tuyến đường Võ Văn Kiệt gặp khó khăn trong việc xin giấy phép xây dựng sau khi có thiết kế đô thị. (Ảnh: Huy Anh) 
Liên quan đến vấn đề cấp GCN, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Tín cho biết Luật Đất đai 2013 và NĐ 43 đã giải quyết nhiều vấn đề vướng mắc trong cấp GCN, do đó các quận - huyện phải đẩy mạnh việc cấp GCN nhà đất cho 123.000 trường hợp không đủ điều kiện. 

Cụ thể, đối với nhà ở riêng lẻ nằm trong quy hoạch lộ giới mở rộng các tuyến đường, hẻm hiện hữu trong đô thị đã được duyệt, công bố nhưng chưa có quyết định thu hồi đất vẫn được cấp GPXD tạm. Sở Xây dựng cũng đề xuất trường hợp nhà ở hiện hữu thuộc hành lang bảo vệ cầu, bờ sông, kênh rạch tồn tại trước ngày 9/6/2004 (thời điểm QĐ 150/2004 quy định về quản lý, sử dụng hành lang trên bờ sông, kênh rạch tại TP có hiệu lực) trong phạm vi từ 20m-50m tính từ mép bờ cao được xem xét cấp giấy phép sửa chữa, cải tạo theo hiện trạng cũ hoặc cấp GPXD tạm để xây dựng lại nhà với quy mô 1 tầng.

Còn trong phạm vi mép bờ cao vào 20m chỉ được sửa chữa theo hiện trạng nhà cũ. Sở Xây dựng cũng đã kiến nghị CPXD chính thức 3 tầng cho các trường hợp nhà nằm trong khu vực không phù hợp với chức năng sử dụng đất theo quy hoạch phân khu hay thiết kế đô thị đã được duyệt mà chưa có quyết định thu hồi đất. 

Sở Xây dựng cũng đề xuất thời gian sử dụng công trình, nhà ở riêng lẻ ghi trong GPXD tạm là thời gian thực hiện quy hoạch theo kế hoạch được duyệt kể từ ngày 1/7/2013 (ngày ban hành Luật Đất đai 2013) hoặc kể từ ngày quy hoạch được công bố đối với các trường hợp quy hoạch được duyệt sau ngày 1/7/2013.

Đây là thời điểm căn cứ để tính sau 5 năm nếu nhà nước chưa thực hiện quy hoạch thì phần được cấp GPXD tạm, người dân vẫn được bồi thường khi thực hiện quy hoạch. Đa số các kiến nghị của Sở Xây dựng trên nhận được sự đồng tình của các quận - huyện. Tuy nhiên, đại diện UBND quận Bình Tân cho rằng, trên địa bàn quận hiện nay có nhiều trường hợp đã cấp GPXD tạm trước khi có NĐ 64/CP, nếu tính từ mốc thời gian trên thì sẽ thiệt thòi cho người dân nên quận kiến nghị không hồi tố mốc thời gian để xác định thời điểm 5 năm sau đó để tính bồi thường. 

Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Tín cho biết, thời gian qua, các dự án chậm triển khai trên địa bàn TP đã được giải quyết 80% qua việc điều chỉnh, thu hồi dự án. Số còn lại chủ yếu là các dự án công ích, công trình công cộng. “Riêng đối với dự án chưa có quyết định thu hồi đất thì mọi quyền lợi của người dân phải được đảm bảo. Tôi yêu cầu các quận - huyện phải thực hiện nghiêm việc này” - Phó chủ tịch nhấn mạnh. 

  • Ảnh bên: Xa lộ Hà Nội, một trong 3 tuyến đường vừa có thiết kế đô thị. (Ảnh: Cao Thăng) 

Tách thửa 

Để giải quyết những vướng mắc trong tách thửa của các địa phương khi áp dụng QĐ 19/2009 quy định về diện tích tối thiểu khi tách thửa tại TP, Sở TN-MT đưa ra 2 phương án thay thế QĐ 19/2009. Cụ thể, phương án 1 dựa theo QĐ 19/2009 và cập nhật các quy định mới được quy định tại Luật Đất đai 2013. Phương án 2 sẽ thực hiện Luật Đất đai 2013 theo hướng chỉ quy định diện tích tối thiểu sau khi tách thửa đối với đất ở nông thôn và đất ở đô thị.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở TN-MT cho biết, QĐ 19/2009 của UBND TP quy định diện tích tối thiểu để tách thửa với tất cả các lại đất, trong khi đó Luật Đất đai 2013 có hiệu lực từ ngày 1/7/2014 và NĐ 43/2014 hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2013 không quy định về tách thửa đất nông nghiệp mà chỉ giao UBND các tỉnh - thành quy định diện tích tối thiểu đối với đất ở đô thị và đất ở nông thôn. Chính vì thế Sở TN-MT đề xuất chọn phương án 2, tức không quy định về tách thửa đất nông nghiệp.

Một số quận - huyện đồng tình chọn phương án 2 nhưng cũng có một số quận - huyện lại cho rằng nên chọn phương án 1 và bổ sung, sửa đổi các quy định phù hợp với thực tế. Trong đó, các quận - huyện đề nghị quy định rõ các trường hợp như thế nào là “gia đình có hoàn cảnh khó khăn” vì theo quy định UBND quận - huyện được xem xét giải quyết cho tách thửa với diện tích tối thiểu sau khi tách thửa không quá 25m2 đối với gia đình khó khăn. Vì nếu không quy định rõ thì ai cũng viện lý do khó khăn để được tách thửa nhỏ…

Do nhiều nội dung trong 2 dự thảo về CPXD và tách thửa được UBND các quận - huyện đề xuất bổ sung, sửa đổi nên Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Tín yêu cầu Sở Xây dựng và Sở TN-MT ghi nhận ý kiến đóng góp của các quận - huyện, sở - ngành để hoàn chỉnh dự thảo theo hướng giải quyết hài hòa, đồng bộ lợi ích của nhà nước, xã hội cũng như quyền lợi hợp pháp của người dân. Phó Chủ tịch UBNDTP Nguyễn Hữu Tín yêu cầu dự thảo phải được hoàn chỉnh trong thời gian 10 ngày, trình UBND TP để TP ban hành trong tháng 7/2014. 

Nhung Nguyễn 

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...