Cuối tuần qua, tại Hà Nội, Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) và Tập đoàn Thiên Thanh đã giới thiệu chuỗi liên kết “4 nhà” gồm nhà sản xuất vật liệu xây dựng, nhà đầu tư, nhà tổ chức và ngân hàng tham gia bảo lãnh thanh toán.
Cơ chế vận hành chuỗi liên kết này là: nhà sản xuất, phân phối cung cấp vật liệu xây dựng, trang thiết bị nội thất trực tiếp đến nhà thầu/nhà đầu tư thông qua sự kết nối của nhà tổ chức (Tập đoàn Thiên Thanh và VNCB) và các ngân hàng tham gia bảo lãnh thanh toán, bảo lãnh thực hiện hợp đồng hoặc cho vay tái sản xuất - kinh doanh.
Việc triển khai sản phẩm tín dụng liên kết 4 nhà nhằm kiểm soát dòng vốn đúng mục đích. (Ảnh: Đức Thanh)
Khoản tín dụng 50.000 tỷ đồng từ các đối tác tham gia “chuỗi liên kết 4 nhà” là sự đảm bảo để các bên tham gia tái khởi động các dự án xây dựng dở dang, đắp chiếu. |
Ông Phan Thành Mai, Tổng giám đốc VNCB cho biết, điểm ưu việt của chương trình này là tất cả các bên tham gia cùng ký kết một hợp đồng và nhiều ngân hàng thương mại có thể cùng tham gia tài trợ cho các doanh nghiệp trong chuỗi. Với các dự án khả thi, chủ đầu tư được vay mà không nhất thiết cần tài sản đảm bảo, chỉ cần đối ứng bằng vật liệu xây dựng cung ứng cho công trình. Các doanh nghiệp có khoản nợ ở các ngân hàng khác có thể được khoanh nợ và tiếp tục được vay vốn theo mục đích mới của chuỗi 4 nhà.
Theo ông Mai, mô hình chuỗi liên kết 4 nhà này đã được vận dụng và phát huy hiệu quả trong các cuộc khủng hoảng nhà đất tại Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan… những năm trước đây, giúp nền kinh tế các quốc gia này vượt qua các giai đoạn khủng hoảng nghiêm trọng nhất.
Ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, việc triển khai sản phẩm tín dụng liên kết 4 nhà nhằm kiểm soát dòng vốn tín dụng đúng mục đích, hiệu quả, tạo niềm tin trên thị trường. Điều này góp phần thúc đẩy các giao dịch kinh tế trong hoạt động đầu tư - xây dựng - kinh doanh bất động sản, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, giảm tồn kho vật liệu xây dựng và bất động sản.
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, mô hình liên kết 4 nhà là tổ hợp cung ứng vốn và vật liệu xây dựng có thể được triển khai rộng cho các công trình nội đô và các khu đô thị mới. Qua đó sẽ khắc phục được tình trạng lâu nay là nhà thầu sau khi làm xong không có tiền để thanh toán cho các nhà cung cấp nguyên liệu, tiền nhân công, dẫn đến cả chủ đầu tư, nhà thầu, nhà cung ứng vật liệu xây dựng đều nợ ngân hàng.
Ông Nguyễn Văn Đực, Giám đốc Công ty TNHH Địa ốc Đất Lành cho rằng, dù không mới, nhưng chuỗi liên kết 4 nhà của VNCB và Tập đoàn Thiên Thanh là một ý tưởng tốt. “Nhưng ý tưởng chỉ chiếm 10%, 90% thành công phụ thuộc vào quá trình vận hành tổ chức thực hiện. Làm sao để người dân tiếp cận được sản phẩm bất động sản tốt mới là điều quan trọng”, ông Đực nói.
Đánh giá về chuỗi liên kết 4 nhà, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng, mô hình này là hướng đi triển vọng của thị trường bất động sản. “Với chương trình này, các ngân hàng thương mại có thể tăng trưởng tín dụng mà vẫn đảm bảo không làm phát sinh lạm phát, nợ xấu…”, ông Nam nói và cho rằng, Bộ Xây dựng sẽ xem xét thúc đẩy mô hình liên kết này đi theo hướng có sự tham gia của nhiều nhà cung ứng vật liệu xây dựng, ngoài Tập đoàn Thiên Thanh.
Hà Quang (Báo Đầu tư)
- Quyền lợi người dân trong khu quy hoạch
- Bất động sản đang “ăn bám” thị trường tài chính
- Gói tín dụng 30.000 tỷ đồng đã thất bại?
- 6 tồn tại của pháp luật về bất động sản
- Rà soát hơn 4.000 dự án bất động sản trên toàn quốc
- Kinh doanh bất động sản sẽ thoáng đến mức nào?
- Nhà xã hội, nhà thương mại: Nhà nào giá rẻ hơn?
- Bất động sản và dòng tiền từ Trung Quốc
- Bất động sản tăng vì hi-tech
- Thị trường bất động sản: Giải pháp “thúc” thị trường