Mặc dù được ưu đãi nhiều về tín dụng, đất đai tuy nhiên nhà xã hội vẫn đang chật vật khi phải cạnh tranh về giá với nhà thương mại.
Khi xây dựng các dự án nhà xã hội thì các chủ đầu tư đươc miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, được miễn, giảm và hưởng các ưu đãi về thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp. Tuy được hưởng những ưu đãi về đất, thuế nhưng tại Hà Nội hàng loạt các dự án nhà ở xã hội đang triển khai, nếu chỉ nhìn vào mặt bằng giá thì rất khó phân biệt đâu là các dự án nhà xã hội, và đâu là nhà thương mại. Bởi lẽ, trên cùng một khu vực, tuyến đường thì các dự án nhà xã hội có giá xấp xỉ và cao hơn nhà thương mại.
Dự án nhà xã hội có cạnh tranh nổi với nhà thương mại giá rẻ?
Cụ thể, dự án nhà xã hội 143 Trần Phú, Hà Đông do Công ty CP Đầu tư xây dựng và phát triển đô thị Sông Đà làm chủ đầu tư có giá tạm tính tới hơn 16 triệu đồng/m2 (tính cả thuế, phí bảo trì). Từ dự án nhà xã hội này, nhìn sang bên cạnh thì dự án chung cư Viện 103 Văn Quán đang được rao bán trên thị trường từ 13,9 - 14,5 triệu đồng/m2 (đã gồm VAT và 2% phí bảo trì).
Bên cạnh đó, dự án Văn Phú - Victoria do công ty cổ phần Đầu tư Văn Phú làm chủ đầu tư, mức giá cũng chỉ từ 14,5 triệu đồng/m2, tùy vị trí căn hộ.
Như vậy tại khu vực quận Hà Đông, nhà xã hội đang có giá cao hơn từ 1,5 đến hơn 2 triệu đồng/m2 với nhà thương mại cùng khu vực.
Cũng tương tự, trên trục đường vành đai 3, khu vực tây nam Linh Đàm một dự án xã hội do công ty Bic Việt Nam làm chủ đầu tư cũng đưa ra mức giá 12,6 triệu đồng/m2.Trong khi đó, chỉ cách nhau chưa đầy 1km thì dự án Kim Văn Kim Lũ cũng ở khu vực Linh Đàm chỉ có giá từ 10 - 14 triệu đồng/m2.
Đáng lưu ý, không chỉ giá đắt hơn nhà thương mại mà nguồn cung nhà xã hội cũng không nhiều. Cụ thể, Hà Nội hiện mới triển khai 14 dự án nhà cho người thu nhập thấp, quy mô hơn 11.900 căn. Đánh giá về con số ít ỏi nhà xã hội này, Bộ Xây dựng cho rằng quá ít so với nhu cầu thực tế.
Nhận xét về hiện tượng nhà ở xã hội có nơi đắt hơn nhà thương mại, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng mặc dù được ưu đãi nhưng bản thân doanh nghiệp làm nhà ở xã hội phải cạnh tranh với nhau và còn phải cạnh tranh với cả phân khúc nhà ở thương mại. Thứ trưởng Bộ Xây dựng phụ trách thị trường BĐS nói: "Giá bán là giá thị trường, nhà nước không kiểm tra mức trần mà chỉ kiểm soát lợi nhuận, chủ đầu tư chỉ được lãi tối đa là 10%."
Nói về ưu đãi về đất nhưng không tạo được sự khác biệt về giá giữa nhà xã hội và nhà thương mại, ông Nam cho rằng với các doanh nghiệp làm nhà xã hội tuy nhà nước không thu tiền đất nhưng doanh nghiệp phải đi mua của dân, phải làm hạ tầng nên mua đất với giá đắt, hạ tầng tốt thì giá cao.
Thông Chí
- Gói tín dụng 30.000 tỷ đồng đã thất bại?
- 6 tồn tại của pháp luật về bất động sản
- Rà soát hơn 4.000 dự án bất động sản trên toàn quốc
- Gói 50.000 tỷ đồng: Vay không cần tài sản đảm bảo
- Kinh doanh bất động sản sẽ thoáng đến mức nào?
- Bất động sản và dòng tiền từ Trung Quốc
- Bất động sản tăng vì hi-tech
- Thị trường bất động sản: Giải pháp “thúc” thị trường
- FDI vào bất động sản: Cuộc chơi của kẻ mạnh
- Phải dành quỹ đất 20% để xây nhà ở xã hội