Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Chuyên mục Bất động sản Dấu ấn nhà đất năm 2016

Dấu ấn nhà đất năm 2016

Viết email In

Năm 2016 được các chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản đánh giá là năm chấm dứt thời kỳ “bong bóng” bất động sản, thị trường đã đi vào quỹ đạo phát triển ổn định và bền vững.

Sự ấm lên của thị trường bất động sản năm 2016 đã minh chứng bằng số lượng các doanh nghiệp (DN) thành lập mới tăng mạnh nhất trong 18 ngành nghề.

Số liệu được Cục Quản lý Đăng ký Kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) công bố cho thấy, 11 tháng đầu năm 2016 số lượng DN thành lập mới trong lĩnh vực bất động sản có mức tăng 93,5% so với cùng kỳ và số vốn đăng ký cũng tăng mạnh lên 213,5% so với cùng kỳ 2015. Chính sự tăng nhanh số lượng các DN bất động sản khiến cuộc chơi trên thị trường sôi động hơn bao giờ hết.  


Giao dịch bất động sản năm 2015 – 2016 tăng gấp đôi so với thời điểm 2012 - 2013 

Năm của các DN tư nhân

Năm 2016 được cho là “khoảng lặng” của nhiều tên tuổi lớn trong khối doanh nghiệp nhà nước tham gia đầu tư bất động sản, thế chỗ cho những đại gia có vốn nhà nước là khối doanh nghiệp dân doanh với sự nổi lên của hàng loạt tên tuổi mới mang theo năng lực tài chính, kinh nghiệm quản trị tích lũy được sau khoảng thời gian thị trường khủng hoảng. Đó là những cái tên như: Sunshine, HD Mon, Novaland, Đại Quang Minh, M.I.K Corporation… 

Điều khác biệt đầu tiên của các thế hệ DN cũ – mới này là nếu những dự án bất động sản của các “đại gia cũ” thường được giấu kín, giấu kỹ, bán hàng theo kiểu “ngoại giao”, thì nay những đại gia mới làm mọi cách để đưa thông tin đến khách hàng.

Bên cạnh đó, với các tên tuổi mới thì kinh doanh bất động sản giờ đây không còn đơn thuần là xây nhà bán, mà là bán sức khỏe, cuộc sống và tương lai cho khách hàng thì giờ đây, họ bán cho khách hàng luôn cả thức ăn, nước uống, giao thông, giáo dục, mua sắm, giải trí…

Thị trường đang chứng kiến sự lệch pha cung – cầu nghiêm trọng, thiếu nhà ở giá rẻ, trong khi thừa nhà ở cao cấp, nên năm 2017, thị trường sẽ chứng kiến sự chuyển hướng của các DN bất động sản sang phân khúc nhà giá rẻ.

Với sự xuất hiện của các tên tuổi mới đã mang lại “làn gió mới cho thị trường”. Khách hàng cũng không phải lo ngại các dự án chậm tiến độ, hay lo “mua nhà trên giấy” bởi các chủ đầu tư này đều là những đơn vị sẵn tiềm lực tài chính. 

Tuy nhiên, chính sự xuất hiện của nhiều cái tên mới khiến thị trường bất động sản rơi vào tình trạng lệch pha cung cầu, khiến thị trường rơi vào tình trạng thừa căn hộ cao cấp và thiếu những căn hộ giá rẻ khiến người đứng đầu ngành xây dựng phải thốt lên: “Nếu không kiểm soát thị trường có nguy cơ vỡ trận đầu năm 2017”.

Những cảnh báo về lệch pha cung – cầu BĐS cao cấp không chỉ đến từ phía các cơ quan chức năng mà các đơn vị nghiên cứu lâu năm như CBRE, Savills cũng cho rằng thị trường đang có sự phát triển ồ ạt các sản phẩm bất động sản cao cấp mà bỏ rơi đi phân khúc cốt lõi của thị trường bất động sản là nhà giá rẻ cho đại đa số người dân có nhu cầu nhà ở hiện nay.

Cảnh báo trên đã phần nào thức tỉnh các DN và giúp cho cộng đồng DN có hướng đi đúng nhằm phát triển ổn định, bền vững. 


Số lượng doanh nghiệp trong ngành kinh doanh bất động sản tăng mạnh nhất. 

Phân khúc nghỉ dưỡng “lên ngôi”

Không quá ưu ái khi đặt bất động sản nghỉ dưỡng là dấu ấn trong năm 2016. Bởi lẽ nếu như năm 2014 phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng đang có dấu hiệu trở lại thì đến năm 2016, loại hình này đã có những bước tiến vượt bậc.

Bằng chứng là các dự án nghỉ dưỡng rở rộ trên khắp các tỉnh, thành phố như Đà Nẵng, Phú Quốc, Nha Trang, Hội An, Quy Nhơn, Sapa, Hạ Long… và cũng không khó có thể kể đến các ông lớn đang làm mưa làm gió trên thị trường như: Tập đoàn Vingroup, Sun Group, FLC..

Lý giải cho sự phát triển mạnh mẽ của phân khúc này, đầu tiên phải kể đến chính là tiềm năng thiên phú về du lịch mà Việt Nam có được. Những lợi thế về bờ biển dài, nhiều bãi biển thuộc nhóm đẹp nhất thế giới, nhiều di sản thiên nhiên, văn hóa lịch sử phong phú… khiến Việt Nam luôn nằm trong top những đất nước đáng đến trên thế giới.

Một yếu tố nữa như chắp thêm cánh để phân khúc này phát triển mạnh là hành lang pháp lý trong lĩnh vực bất động sản đã thông thoáng hơn, trong đó Luật Nhà ở sửa đổi có hiệu lực vào ngày 1/7/2015 cho phép nước ngoài sở hữu bất động sản khiến phân khúc bất này có cơ hội tăng tốc.

Tuy nhiên, chính sự phát triển quá nóng của phân khúc khiến cơ quan chức năng phải cảnh báo: “các DN đừng quá mải mê đổ vốn vào bất động sản nghỉ dưỡng” bởi lo sợ tín dụng đổ vào bất động sản đang tăng trưởng vượt quá cầu – kiểu như “quá nhanh, quá nguy hiểm”.

Hiện tại, NHNN chưa công bố số liệu tăng trưởng tín dụng bất động sản quý IV/2016. Tuy nhiên, báo cáo của Ủy ban giám sát tài chính quốc gia cuối trong tháng 10 cho thấy, nguồn vốn đầu tư và kinh doanh bất động sản trong 10 tháng đầu năm nay tăng gần 6% so với cuối năm 2015 và chiếm 8,5% tổng tín dụng. Quy đổi ra số tuyệt đối thì tương đương gần 500.000 tỷ đồng, tốc độ tăng cao hơn so với mức tăng trung bình của ngành.

Chính việc tăng trưởng nóng khiến cơ quan quản lý đã từng bước “kìm” bằng cách siết dòng vốn đổ vào bất động sản nghỉ dưỡng để giữ vững ổn định cho thị trường. Đây là việc làm đúng đắn. Với sự nhạy cảm nghề nghiệp của mình, những người làm ngân hàng lành nghề đều đã cảm nhận được cơn gió bắt đầu nóng lên của phân khúc nghỉ dưỡng và bắt đầu chấp nhận việc siết vốn này. 

Vốn ngoại đổ dồn vào bất động sản

Trong một lần trò chuyện, một quan chức Bộ Xây dựng từng chia sẻ, qua tiếp xúc với kiều bào ở Đức, Mỹ, Ba Lan, Úc, cho thấy kiều bào đang có xu hướng chuyển dịch dòng vốn đầu tư về nước để tham gia vào lĩnh vực BĐS.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính từ năm 1988 đến cuối tháng 10/2016 Việt Nam đã tiếp nhận 2115 dự án FDI với số lượng vốn đăng ký 290 tỷ 682 triệu USD, trong đó có 562 dự án bất động sản với vốn đăng ký 55 tỷ 973 triệu USD; khoảng 50% vốn đăng ký đã được thực hiện.

Tuy nhiên, rào cản lớn nhất để vốn FDI vào BĐS là nhà đầu tư còn quan ngại tính minh bạch trong vận hành, giao dịch bất động sản ở nước ta. Đồng thời, hàng loạt yếu tố luôn được các nhà đầu tư quan tâm là: hiệu quả đầu tư, thị trường, tài sản niêm yết, môi trường luật pháp và cách thức giao dịch, quyền sở hữu riêng, quyền sử dụng, cơ sở dữ liệu về thị trường… Nhưng những yếu tố này ở nước ta chưa được làm tốt và chưa đủ thuyết phục nhà đầu tư. Đây là việc mà cơ quan cần phải làm tốt hơn trong năm 2017. 

Vĩ Thanh

“Không bao giờ là thất bại – Tất cả chỉ là thử thách” – châm ngôn đúc kết của Chung Ju Yung – Chủ tịch tập đoàn Huyndai. Sức mạnh của Chung Ju Yung chính là ở chỗ ông luôn xem các thất bại – cho dù là thất bại cay đắng nhất – chỉ là những thử thách của cuộc sống để trui rèn bản lĩnh của chính mình. 

4 chính sách tác động đến thị trường 2016

Hạn chế tín dụng vào bất động sản

Đây được xem là cú sốc đầu tiên trong năm về viễn cảnh nghẽn vốn cho thị trường bất động sản. Hầu hết các doanh nghiệp lo ngại nếu dòng vốn đưa ra thị trường bị hạn chế có thể sẽ tác động đến tâm lý thị trường bất động sản năm 2016 và lâu dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng trong những năm tiếp theo.

Công bố danh sách các dự án đang thế chấp ngân hàng

Đây là lần đầu tiên trên cả nước, cơ quan quản lý công khai tình trạng của các dự án để người dân nắm rõ, tránh bị lừa khi mua nhà. TP.HCM là địa phương đầu tiên công bố danh sách 77 dự án bất động sản đang thế chấp ngân hàng. Không lâu sau, Hà Nội cũng tiến hành công bố danh sách dự án thế chấp tương tự TP.HCM. Đây được coi là động thái tích cực của cơ quan quản lý nhằm minh bạch hóa thông tin thị trường bất động sản, bảo vệ quyền lợi cho các bên liên quan khi thực hiện các giao dịch.

Nghiên cứu đánh thuế bất động sản

Theo kế hoạch, từ năm 2016 đến năm 2020 Bộ Xây dựng sẽ xây dựng Luật Thuế đánh trên người sở hữu nhiều nhà ở nhằm mục đích ngăn ngừa đầu cơ nhằm giảm thiểu rủi ro trên thị trường bất động sản. Mục tiêu của sắc thuế này được đánh giá tích cực, góp phần giúp cho thị trường bất động sản phát triển bền vững, phòng chống đầu cơ và tăng thêm nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Một kịch bản tích cực hơn, việc đánh thuế căn nhà thứ hai còn hướng các nhà đầu tư thứ cấp đi vào lựa chọn thành lập doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thay vì kinh doanh cá thể như hiện nay.

Kết thúc gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng

Gói 30.000 tỷ đồng được đánh giá là một 'đốm lửa' thắp sáng thị trường trong vài năm qua. Khi 'đốm lửa' này tắt, đồng nghĩa với việc phân khúc nhà ở bình dân sẽ gặp nhiều khó khăn cả cho chủ đầu tư lẫn quyết định mua nhà của người thu nhập thấp. Thị trường sẽ chịu tác động không nhỏ khi mất đi khí thế của phân khúc bình dân. Tuy nhiên, với quyết tâm từ những người đứng đầu Chính phủ, chúng ta hoàn toàn kỳ vọng một nguồn vốn mới cho người thu nhập thấp sẽ được triển khai vào đầu năm 2017. 

Lưu Vân 
(Diễn đàn Doanh nghiệp)  


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo