Ashui.com

Thursday
Mar 28th
Home Chuyên mục Bất động sản Nhóm lợi ích cấu kết làm "hỏng" chính sách quản lý thị trường bất động sản

Nhóm lợi ích cấu kết làm "hỏng" chính sách quản lý thị trường bất động sản

Viết email In

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết phải tăng cường kiểm soát rủi ro cho vay bất động sản để giảm thiểu nguy cơ "bong bóng".

Mới đây, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đã trình bày báo cáo thẩm tra báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2016; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển năm 2017. 

Liên quan đến vấn đề tăng trưởng tín dụng, ông Thanh cho biết, 4 tháng đầu năm, tín dụng tăng 5,76% so với cuối năm 2016, đây là mức tăng cao nhất trong 3 năm trở lại đây, nhất là khi đã có tới hơn 3.100 doanh nghiệp bất động sản thành lập mới trong năm 2016, gần gấp đôi 2015.  


Phải có định hướng hạ nhiệt khi thị trường chưa đến mức quá nóng như giai đoạn trước đây 

Có ý kiến đề nghị cần phân tích về khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh, đồng thời cần tiếp tục tăng cường kiểm soát rủi ro trong cho vay đối với lĩnh vực bất động sản, nhất là thị trường bất động sản phân khúc cao cấp để giảm thiểu nguy cơ về “bong bóng bất động sản” như thời gian trước đây” - ông Thanh cho biết. 

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng chỉ rõ công tác quản lý đất đai ở một số nơi còn bất cập, chuyển nhượng quyền sử dụng đất ”chui” kéo dài trong nhiều năm đang trở nên nghiêm trọng, chênh lệch địa tô ngân sách nhà nước không thu được.

Công tác quản lý đất đai yếu kém, thu hồi, đền bù thiếu minh bạch, thiếu hợp lý tại cơ sở và chưa thực hiện nghiêm túc quy định về đối thoại và tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo gây ra xung đột lợi ích kéo dài, ảnh hưởng đến ổn định xã hội.

Việc để xảy ra tình trạng như trên, theo Ủy ban Kinh tế là do sự buông lỏng quản lý của các cấp, ngành nên đã để cho các nhóm lợi ích cấu kết làm mất hiệu lực chính sách quản lý.

Ông Thanh cũng cho biết, trong thời gian tới cơ quan quản lý phải quản lý chặt chẽ các loại tài sản công, nhất là nhà ở, đất đai để tài sản công không bị thất thoát, lợi dụng.

Vấn đề “bong bóng” bất động sản đã được Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cảnh báo nhiều lần.

Do vậy năm 2017, Bộ Xây dựng sẽ tập trung từ việc rà soát, đánh giá toàn diện về thị trường, đến kiểm tra một số dự án bất động sản quy mô lớn chiếm nhiều diện tích đất. Đồng thời, đánh giá về các chính sách liên quan như: Tài chính, tín dụng, chính sách thuế, chính sách đất đai để đề xuất với Chính phủ những công cụ quản lý hữu hiệu, đảm bảo kiểm soát thị trường bất động sản phát triển ổn định và lành mạnh.

Chúng ta phải có định hướng hạ nhiệt khi thị trường chưa đến mức quá nóng như giai đoạn trước đây. Tất nhiên, các động thái kiểm soát cũng cần đảm bảo giữ ổn định để thị trường không xảy ra tình trạng trầm lắng, thậm chí là đóng băng như giai đoạn 2010 - 2011. Hay nói cách khác, Bộ Xây dựng sẽ tiếp cận chủ động hơn và có những giải pháp linh hoạt hơn trong ứng xử với thị trường bất động sản, bởi đây là một trong những thị trường phức tạp, ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế và liên quan đến nhiều ngành” – Bộ trưởng cho biết. 

Cũng theo Bộ trưởng, năm 2017 Bộ sẽ tập trung nhiều cho công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý kiểm soát phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch. Những vấn đề bất cập về quản lý đô thị, nhất là ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM sẽ được mổ xẻ, phân tích và có hướng xử lý.

Định hướng quan trọng nhất vẫn là tập trung kiên định các giải pháp tái cấu trúc thị trường bất động sản gắn với thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, đặc biệt là đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội nhằm giải quyết nhu cầu về nhà ở cho các đối tượng chính sách đang gặp nhiều khó khăn về chỗ ở, góp phần ổn định an sinh xã hội. 

Linh Nhi 
(Diễn đàn Doanh nghiệp) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo