Nắm bắt nhu cầu “trốn” thành thị về với thiên nhiên của người dân TPHCM, các homestay được đầu tư xây dựng ngày càng nhiều tại các huyện vùng ven hoặc các tỉnh lân cận như Long An, Đồng Nai. Tuy nhiên, kiếm tiền từ dịch vụ này không phải là chuyện dễ dàng.
Một homestay ở huyện Bình Chánh, TPHCM. (Ảnh: Mỹ Huyền)
Thuê nhà làm homestay
Huyện Cần Giờ, TPHCM là địa điểm được nhiều nhà đầu tư lựa chọn đầu tư homestay do có lợi thế thiên nhiên của vùng biển nước lợ, đảo khỉ và rừng sác. Các homestay ở đây ban đầu là nơi cung cấp dịch vụ cho một số công ty du lịch. Trước đây, họ chỉ có vài phòng dành cho khách nước ngoài, nhưng gần đây, lượng khách từ nội thành TPHCM có sở thích về với thiên nhiên tăng cao, cộng với khách nước ngoài du lịch tự túc tìm đến đông, các chủ hộ này đã tách khỏi các công ty lữ hành, tự ra kinh doanh độc lập.
Nhận thấy hoạt động kinh doanh homestay ăn nên làm ra, chị Trinh thuê một căn nhà còn mới có sân vườn rộng gần rừng sác với giá khoảng 8,5 triệu đồng/tháng để đầu tư homestay.
“Tôi bỏ hơn nửa tỉ đồng sửa nội thất và trang trí sân vườn cho giống quán cà phê vì nhắm vào đối tượng khách trẻ tuổi và khách đoàn. Các địa điểm vui chơi quanh khu vực đã có sẵn nên tôi không phải đầu tư nhiều vào các dịch vụ cộng thêm, chỉ trang bị xe đạp để khách đạp xe loanh quanh”, chị nói.
Chị Trinh cho hay giá thuê nguyên căn một ngày một đêm từ 5-7 triệu đồng. Do vậy, một tháng chị chỉ cần cho thuê được 7 đoàn khách và các ngày còn lại bán thêm 15 phòng khách lẻ giá từ 600.000-800.000 đồng/đêm nữa là “tạm ổn” trong tình hình cạnh tranh tăng cao hiện nay.
“Tôi tự kinh doanh và chỉ thuê hai người làm vệ sinh nên chi phí không cao. Tuy nhiên, rủi ro về lượng phòng không bán được trong các tháng mùa mưa rất lớn, tôi đành tìm mọi cách cho thuê thật nhiều trong các tháng mùa khô”, chị nói.
Ngoài lượng khách không ổn định trong khi chi phí bỏ ra cao, chị nhận xét loại hình kinh doanh này còn gặp rủi ro ở chỗ chủ căn nhà có thể lấy lại nhà bất cứ lúc nào. “Do vậy, lúc làm hợp đồng thuê nhà, tôi phải nêu rõ các điều khoản đền bù nếu chủ nhà cố tình lấy căn nhà lại khi tìm được mối thuê giá cao hơn”, chị nói.
Đầu tư các dịch vụ đi kèm
Khi kinh doanh homestay, chủ nhà phải đầu tư thêm nhiều dịch vụ đi kèm khác. (Ảnh: Mỹ Huyền)
Tương tự chị Trinh, lượng khách không ổn định cũng là một trong những khó khăn lớn nhất của anh Hùng, chủ homestay bungalow (nhà chòi) tại huyện Bình Chánh. Anh cho biết trước đây anh chỉ làm dịch vụ câu cá, xây thêm vài bungalow nhỏ cho khách nghỉ ngơi vài tiếng trước khi rời đi, nhưng nhận thấy nhiều người làm homestay có lời anh cũng “xắn tay áo lên làm”.
“Mất hơn một năm, tôi đã cải tạo và dựng 8 bungalow có diện tích từ 40-60 mét vuông trên mảnh đất 1.000 mét vuông do cha mẹ để lại. Chi phí thi công phần thô khoảng 1,8 tỉ đồng, hoàn thiện nội thất khoảng 1,2 tỉ đồng”, anh kể.
Giá cho thuê bungalow khá cao từ 1,2 -1,6 triệu đồng/đêm nhưng doanh thu không mấy ổn định. Người thuê bao gồm cả khách trong nước và quốc tế với mùa cao điểm là đầu năm và mùa hè.
“Trong 9 tháng đầu năm, tôi thu mỗi tháng trên dưới 200 triệu đồng tiền cho thuê. Nhưng từ tháng 9 trở đi, lượng khách thuê sụt giảm, chỉ còn một số ít khách nước ngoài, nên doanh thu giảm mạnh chỉ còn 30 triệu đồng/tháng, trong khi chi phí lương cho 4 nhân viên làm việc tại bungalow đã là 20 triệu đồng”, anh Hùng nói.
Thu nhập từ hoạt động cho thuê không ổn định và trồi sụt theo mùa nên anh phải đầu tư vào các dịch vụ cộng thêm. Ngoài dịch vụ câu cá giải trí đã được anh đầu tư từ đầu, thì nay anh còn bổ sung thêm dịch vụ hái rau, câu cá và vẽ tranh miễn phí. Anh cũng sắp xếp một khoảng không trong vườn cho thuê làm workshop với giá 150.000 đồng/giờ. Ngoài ra, phòng tập yoga cũng đem về cho anh doanh thu khoảng 5 triệu đồng mỗi tháng.
“Chi phí vận hành cả khu homestay khá cao, tiền điện nước mỗi tháng hết chục triệu đồng, chưa kể các chi phí chăm sóc cây cảnh khoảng 15 triệu đồng/năm, chi phí marketing trên các trang đặt phòng 5 triệu đồng/tháng, tiền đi chợ nấu ăn cho khách... Bù trừ cho những tháng vắng khách, tôi tính toán phải mất ít nhất 5-6 năm tôi mới lấy lại được vốn”, anh Hùng chia sẻ.
Khác các homestay ở TPHCM, các chủ homestay ở Đồng Nai xây dựng phong cách ở trọ mộc mạc dân dã bằng cách cho khách đến lưu trú chung trong gia đình để trải nghiệm cuộc sống thôn quê. Tại Bà Đất Eco homestay thuộc huyện Vĩnh Cửu, các phòng lưu trú được xây dựng theo dạng nhà sàn. Chủ nhà còn nuôi gà vịt, cá, heo trồng cây nhằm đón khách có khuynh hướng gần gũi thiên nhiên. Giá thuê phòng ở đây khoảng 650.000-750.000 đồng/đêm cho phòng ở chung.
Chủ homestay này cho biết tuy các chi phí xây dựng phòng không cao do được làm từ các vật liệu rẻ như tre, nứa; đất cũng không phải mua hoặc thuê lại, nhưng công đoạn đầu tư thêm vật nuôi, cây trồng, cải tạo đất đai để tạo không khí mộc mạc dân dã cũng khá vất vả.
Ngoài ra, vị này cho hay để đạt đúng “chuẩn” dân dã, căn homestay phải thể hiện được sự tinh tế trong việc trang trí nội thất, nấu ăn và các dịch vụ cộng thêm như leo núi, đi bộ địa hình...
Theo một chuyên gia bất động sản, đầu tư kinh doanh homestay hôm nay có thể thắng nhưng ngày mai có thể thua vì đây là loại hình chủ yếu phục vụ khách đi phượt, khách luôn đòi hỏi sự mới lạ. Các chủ homestay cũng phải chăm lo cho các hoạt động giải trí của khách, hợp tác cùng các công ty lữ hành để cùng mở các hoạt động thể thao như đi bộ, đạp xe xuyên địa hình, tham quan các vùng hồ. Làm việc với các công ty lữ hành cũng là cách giữ được nguồn khách ổn định và thể hiện sự chuyên nghiệp trong các dịch vụ của mình. Ngoài ra, họ cũng phải làm việc với cơ quan kiểm lâm để bảo đảm sự an toàn khi khách đi tham quan trong vùng rừng. Chủ trọ cũng phải mua bảo hiểm, xây dựng nội quy để tránh trường hợp tai nạn xảy ra cho khách.
Theo ThS. Trần Thị Khánh Chi, khoa Luật, Trường Đại học Đà Lạt, homestay đang nở rộ, tạo ra sự sôi động trong làng du lịch. Tuy nhiên, các hộ kinh doanh mang tính chất tự phát ngày càng đông nên một số homestay chưa bảo đảm điều kiện kinh doanh vẫn đang tràn lan, không phải cơ sở nào cũng tuân thủ an toàn phòng cháy chữa cháy, an ninh trật tự trong cơ sở, vệ sinh thực phẩm hay kiểm soát lượng rác thải từ việc kinh doanh của mình.
Ngoài ra, giá cả cho thuê có thể trồi sụt theo mùa dẫn đến tình trạng loạn giá cả, tăng vọt trong những tháng cao điểm. Các yếu tố này dẫn đến sự cạnh tranh không công bằng cho các homestay đạt tiêu chuẩn. Do đó, các cơ quan chức năng cần có định hướng để phát triển homestay bền vững, thành một trong những dịch vụ du lịch cộng đồng và một loại hình du lịch văn hóa an toàn cho du khách và người dân kinh doanh.
Mỹ Huyền
(TBKTSG)
- Loạn danh xưng siêu sang: Quản lý cách nào?
- Doanh nghiệp chạy đua xây “chợ” bán nhà trực tuyến
- Cuộc chơi 4.0: Người nghèo làm chủ cao ốc hạng sang
- Vì sao Hà Nội vẫn vướng triển khai nhà ở xã hội?
- Hà Nội: Nhà tập thể cũ âm thầm giao dịch
- Phát triển nhà giá rẻ: Cần tránh cơ chế bao cấp
- "Công thức" đầu tư bất động sản du lịch
- Doanh nghiệp bất động sản trước áp lực nguồn vốn ngày càng thắt chặt
- Tăng hệ số điều chỉnh giá đất: nguy cơ giá nhà tăng vọt
- Doanh nghiệp bất động sản đề nghị tháo gỡ 7 điểm nghẽn