Bằng cách áp dụng công nghệ Blockchain vào lĩnh vực bất động sản, bất kỳ nhà đầu tư nào cũng có thể sở hữu một phần của tòa cao ốc hạng sang, chỉ với 1 USD.
Đây là một trong những thông tin được Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đưa ra và gợi mở hướng nghiên cứu chứng khoán hóa bất động sản, theo mô hình mã hóa bất động sản, áp dụng công nghệ Blockchain và sử dụng mã Token (chữ ký số dạng mã OTP).
HoREA cho rằng, đây là mô hình đầu tư bất động sản rất mới, có phương thức hoạt động gần tương đồng với Quỹ đầu tư tín thác bất động sản (REIT). Nó mở ra thế giới tiền tệ mã hóa tài sản là bất động sản thực tế, cho những người mà trước đây không thể đầu tư, do hạn chế địa lý hay nguồn tài chính ít ỏi.
(ảnh minh họa: Ashui.com)
“Đây cũng là giải pháp bổ sung và có triển vọng thay thế cho các phương pháp đầu tư bất động sản truyền thống, đã dần lỗi thời, trên cơ sở ứng dụng những tiến bộ của khoa học và công nghệ tin học, mà hiện nay là công nghệ Blockchain”, HoREA nhận định.
Dẫn chứng về công nghệ này, HoREA nêu ví dụ, tại thành phố New York, Hoa Kỳ, bất kỳ nhà đầu tư nào cũng có thể sở hữu một phần của tòa cao ốc hạng sang trị giá hơn 30 triệu USD, tọa lạc tại trung tâm quận Mahattan, nhờ vào hình thức mã hóa tài sản, bằng công nghệ Blockchain.
Quỹ đầu tư này sẽ tạo Token kỹ thuật số (Sử dụng thiết bị Token hoặc phần mềm Token; Mã số Token chỉ có giá trị sử dụng một lần và người sử dụng phải quyết định trong vòng 60 giây). Mã số Token kỹ thuật số đại diện cho một phần giá trị của tòa nhà, và được giao dịch như một mã cổ phiếu. Các nhà đầu tư trên thế giới có thể sở hữu tỷ lệ % nhất định đối với tòa nhà này, tương ứng với số tiền họ mua Token.
Mỗi mã cổ phiếu có giá trị 1 USD. Như vậy, sẽ có khoảng 25 đến 30 triệu người có thể sở hữu một phần hay toàn bộ cao ốc này với giá 1 USD/ 1 phần (hay 1 mã cổ phiếu). Đây là hoạt động đầu tư hoàn toàn mới chưa từng xảy ra từ trước đến nay.
Bên cạnh việc tiếp cận khách hàng dễ dàng hơn thì mặt khác nhà đầu tư có thể bán các Token này để gây quỹ phát triển dự án. Chưa kể đến lợi ích lớn hơn là giá trị bất động sản này thường gia tăng theo thời gian theo quy luật của thị trường. Thay vì phải lo lắng chạy theo thời hạn trả tiền vay ngân hàng, thì khi thực hiện mã hóa tài sản theo phương thức trên đây, sẽ huy động được nguồn vốn lớn của xã hội thông qua các nhà đầu tư để hoàn tất việc xây dựng dự án.
HoREA cho biết, ý tưởng về mã hóa bất động sản này là kết quả sự hợp tác của Công ty Công nghệ Blockchain Fluidity và Công ty Môi giới Bất động sản Bro Pele. Họ đã tạo ra một hợp đồng thông minh, giúp điều chỉnh và đảm bảo tính trung thực của cả bên bán và bên mua Token bất động sản.
“Với công nghệ Blockchain thì đảm bảo được tính minh bạch, thông suốt, an toàn và có thể giải quyết bài toán thông tin giữa người mua và người bán từ đó thúc đẩy tính thanh khoản trên thị trường bất động sản.
Tuy nhiên, hoạt động mã hóa bất động sản hiện nay vẫn đang ở thời kỳ sơ khai, nên chưa mở rộng với công chúng và chưa có tác động nhiều đến hoạt động tài chính và thị trường bất động sản. Nhưng sự cải tiến mới này chắc chắn sẽ mang đến nhiều tiềm năng, ảnh hưởng đến phương thức kinh doanh bất động sản và cách chúng ta hiểu đúng nghĩa thế nào là sở hữu tài sản trong thời đại kỹ thuật số và số hóa hiện nay”, HoREA nhận định.
Quốc Tuấn
(VietNamNet)
- 7 mối lo cho bất động sản Sài Gòn năm 2019
- 10 đề cử chính thức danh hiệu “Nhà ở của Năm” tại Ashui Awards 2018
- Kịch bản nào cho bất động sản Việt Nam 2019?
- Loạn danh xưng siêu sang: Quản lý cách nào?
- Doanh nghiệp chạy đua xây “chợ” bán nhà trực tuyến
- Vì sao Hà Nội vẫn vướng triển khai nhà ở xã hội?
- Hà Nội: Nhà tập thể cũ âm thầm giao dịch
- Homestay: dễ mở nhưng không dễ thu
- Phát triển nhà giá rẻ: Cần tránh cơ chế bao cấp
- "Công thức" đầu tư bất động sản du lịch