Theo Bộ Xây dựng, những dấu hiệu lạc quan cho thấy thị trường đang phục hồi sau khủng hoảng kinh tế, nhưng vẫn chưa có chuyển biến rõ nét. Sự thiếu ổn định và bền vững thể hiện ở giá bất động sản vẫn đứng ở mức cao, diễn biến phức tạp, khó kiểm soát, đang là thách thức lớn cho công tác quản lý thị trường.
- Ảnh bên : Năm 2010, diện tích nhà ở xây mới thấp hơn trung bình nhiều năm (Ảnh: H.U.Y)
Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện cả nước có khoảng 2.500 dự án khu đô thị mới, trong đó, chủ yếu là dự án phát triển nhà ở, văn phòng cho thuê và BĐS khác. Tại Hà Nội hiện có hơn 800 dự án với diện tích đất khoảng 75.189ha, trong đó, dự án khu đô thị mới, khu nhà ở hỗn hợp có 390 dự án, với diện tích gần 39.000ha. Địa bàn TPHCM có 1.400 dự án, chiếm diện tích khoảng 4.490ha; Hải Phòng có 260 dự án, quy mô gần 2.600ha; Đà Nẵng có hơn 120 dự án, 2.300ha... Thị trường bất động sản tiếp tục thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài. Tính đến 20.8.2010, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực kinh doanh BĐS đạt 2,358 tỉ USD, chiếm 21,8% tổng lượng vốn FDI đăng ký mới của cả nước và tăng 36,9% so với cùng kỳ năm 2009. Tính đến cuối tháng 7, tổng dư nợ cho vay trong lĩnh vực bất động sản đạt 210.770 tỉ đồng, tăng 14,38% so với thời điểm kết thúc năm 2009, tỉ lệ nợ xấu thấp hơn 2%. Tuy nhiên, nhận định về thị trường BĐS thời gian qua, Bộ Xây dựng cho rằng: "Do cơ cấu hàng hoá BĐS còn bất cập, thị trường thiếu hàng hoá có quy mô và giá cả phù hợp với đa số nhu cầu của người dân, đặc biệt thiếu loại hình nhà ở cho thuê (tỉ lệ nhà cho thuê chỉ chiếm 6,5% trên tổng số nhà ở cả nước), dẫn đến giá BĐS vẫn đứng ở mức cao".
Trong năm 2010, HN và TPHCM chậm đưa vào sử dụng các dự án nhà ở mới, diện tích nhà ở xây mới thấp hơn so với trung bình mọi năm. Kết quả khảo sát thực tế cũng cho thấy, giá BĐS, trong đó có giá nhà ở tại các đô thị lớn là quá cao so với mặt bằng thu nhập của người dân, mức độ phát triển của nền kinh tế nước ta, cũng như vượt quá xa giá trị thực của BĐS. Thêm vào đó, giá cả BĐS biến động không đồng đều giữa các địa phương, chủ yếu tập trung ở 2 TP lớn là HN và TPHCM, trong khi thị trường BĐS tại các TP khác hầu như không có biến động lớn.
Tuy nhiên, ngay cả sự biến động của 2 thị trường BĐS lớn nhất nước này cũng khác nhau. Như ở khu vực HN tại thời điểm quý II/2010, giá đất nền tăng trung bình 30% so với tháng 12.2009. Đặc biệt, tại khu vực phía tây TP (quận Hà Đông, huyện Hoài Đức), giá cả căn hộ chung cư không tăng, nhưng vẫn đứng ở mức cao, trong khi giá bất động sản (đất nền, căn hộ chung cư) tại khu vực TPHCM hầu như không tăng, giao dịch chậm.
Bộ Xây dựng đánh giá, thị trường BĐS phụ thuộc lớn vào động thái của chính sách tiền tệ, tín dụng. Dư nợ cho vay xây dựng khu đô thị mới tại thời điểm 31.7.2010 tăng trưởng âm (-) 2,35% so với tăng trưởng 10,2% của cả năm 2009; dư nợ cho vay xây dựng, sửa chữa, mua nhà ở chỉ tăng 5,47% so với 27,2% của cả năm 2009, khiến thị trường nhà đất có dấu hiệu đình trệ về giao dịch. Thêm vào đó, lãi suất cho vay luôn ở mức cao, đa số các ngân hàng áp dụng lãi suất xấp xỉ 13%/năm hoặc cao hơn, khiến thị trường BĐS đang phát triển dựa nhiều vào vốn và thiếu bền vững.
Cần thiết lập hệ thống tài chính BĐS
Nghị định số 71/2010/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở thay thế cho Nghị định 90 trước đây nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để thị trường BĐS phát triển ổn định và bền vững. Điểm mới của NĐ 71, theo Bộ Xây dựng là đã sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các cơ chế chính sách có liên quan đến thị trường BĐS, trong đó quy định cụ thể về trình tự, thủ tục đầu tư các dự án nhà ở, giảm thiểu thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian chuẩn bị đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, tăng nguồn cung cho thị trường. Đặc biệt, NĐ quy định rõ hơn các hình thức huy động vốn trong các dự án nhà ở, khu đô thị mới, góp phần lành mạnh hoá thị trường bất động sản; tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các vi phạm trong đầu tư, huy động vốn của các chủ đầu tư các dự án phát triển nhà ở, khu đô thị mới, góp phần ổn định thị trường...
Thời gian tới, Bộ Xây dựng kiến nghị Chính phủ một số giải pháp như: Cần sớm xây dựng hệ thống tài chính phát triển thị trường BĐS, đặc biệt là hệ thống tài chính cho phát triển nhà ở hoàn chỉnh. Về lâu dài, theo Bộ Xây dựng, cần thành lập quỹ tiết kiệm nhà ở để hỗ trợ cho người lao động có điều kiện mua nhà. Đồng thời nghiên cứu thí điểm thành lập cơ quan tái tài trợ thế chấp và mô hình Quỹ đầu tư tín thác bất động sản để tạo thêm nguồn cung cấp vốn ngoài các tổ chức tín dụng cho thị trường bất động sản.
Nhà nước cần tiếp tục đẩy mạnh tập trung nguồn lực cho các chương trình nhà ở xã hội trọng điểm (nhà ở cho công nhân KCN, nhà cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị; nhà ở cho học sinh, sinh viên; nhà ở cho các hộ nghèo ở nông thôn). Bố trí nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho chương trình xây dựng nhà ở cho công nhân các KCN tập trung và nhà ở cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị. Thực tế cho thấy, đây là những lĩnh vực công ích xã hội đòi hỏi Nhà nước phải có giải pháp về vốn để đẩy nhanh việc đưa quỹ nhà ra thị trường.
Quỳnh Trang
Tin mới hơn:
- Thị trường bất động sản: cầu giảm, áp lực cạnh tranh tăng
- Nhà ở cho Việt kiều: Chính sách mở, thị trường đóng
- Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Hải Phòng và Đà Nẵng: Diễn biến trái chiều
- Đầu tư bất động sản Đà Nẵng: Loại đất nào đang nóng?
- Thị trường căn hộ: Chật vật với cầu giảm cung tăng
Tin cũ hơn:
- Các khu đô thị mới và các vấn đề nhà ở cho người thu nhập thấp tại Hà Nội
- Bất động sản khát vốn
- Bất động sản sẽ "lặng sóng" sau tác động kép?
- Mua nhà triệu đô ở Anh, Mỹ: Chỉ tham khảo cho... vui
- Bất động sản sinh thái: Phát triển nhưng chưa có chuẩn