Giá nhà đất bị đẩy lên quá cao, kiến trúc làng quê và đô thị còn bộc lộ tính tự phát là những thách thức không nhỏ đối với người đứng đầu Bộ Xây dựng trong nhiệm kỳ 2011 - 2016.
Mỗi năm xây dựng mới trên dưới 70 triệu m2 sàn nhà ở là một trong những thành tích đáng tự hào của đội ngũ những người làm xây dựng. Đề xuất chủ trương và thực hiện thành công bước đầu các chương trình nhà ở cho người thu nhập thấp, ký túc xá cho sinh viên, nhà ở cho công nhân… thể hiện sự vào cuộc mạnh mẽ của Bộ Xây dựng. Dấu ấn của ngành xây dựng trong những năm qua cũng được thể hiện rõ nét qua những khu đô thị mới, hàng loạt các công trình quy mô lớn, hiện đại.
Tuy nhiên, VN là nước có nền kinh tế đang phát triển nhưng giá nhà đất lại nằm trong “top” cao nhất thế giới vẫn là một nghịch lý.
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, chính nghịch lý này đã dẫn đến một thực tế đáng lo ngại: trong khi cán bộ công chức ở các nước chỉ cần dành 1/3 thu nhập cho nhà ở thì con số này ở VN lên tới trên 80%. Và nếu dành toàn bộ thu nhập cho việc mua nhà, công chức các nước chỉ mất 4 - 5 năm, còn công chức VN phải mất trên 20 năm.
Lý giải về sự bất hợp lý này, nhiều người cho rằng chủ yếu là do nguồn cung nhà ở tại các đô thị lớn hiện quá thiếu hụt so với nhu cầu. GS.TSKH Đặng Hùng Võ thì nói thẳng đây là hậu quả của việc trong suốt thời gian vừa qua không kiểm soát được nạn đầu cơ, kích giá bất động sản; tâm lý đầu tư đám đông, chạy theo tin đồn có nhiều “đất” để sống. Điều này xuất phát từ điểm yếu của thị trường bất động sản nước ta là chưa có tính minh bạch, cả cơ quan quản lý nhà nước, người dân và doanh nghiệp đầu tư bất động sản đều đang thiếu thông tin về thị trường hoặc giả có thông tin thì đó là thông tin không đầy đủ và thống nhất.
Thế nên, giá nhà đất cứ “nhảy múa” trong sự lúng túng và bất lực của cơ quan quản lý nhà nước, sau mỗi cơn sốt, nhà đất lại thiết lập mặt bằng giá mới, người làm công ăn lương lại hụt hơi trong công cuộc tìm kiếm chỗ “an cư lạc nghiệp”.
Trong khi đó, việc tổ chức thực hiện quy hoạch và quản lý đô thị chưa được quan tâm đúng mức đã gây ra không ít hệ lụy đáng buồn. Ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN, không ít lần bày tỏ mối quan ngại về việc cấp phép xây dựng các khu văn phòng, khách sạn, nhà ở, siêu thị… trong khu vực trung tâm đô thị cũ vốn đã quá tải, làm hẹp không gian công cộng. Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Thục, Đại học Kiến trúc, hiện chúng ta đang phải đương đầu với hiện tượng xây dựng các khu mới kiểu “đô thị - phòng ngủ” từ khắp các nơi có quỹ đất nông nghiệp. Trên 700 khu đô thị mới đang được đưa vào sử dụng, ít có nơi nào xây dựng hoàn chỉnh các công trình dịch vụ đời sống tối thiểu như: chợ, trường học, hành chính dân cư, công trình hạ tầng xã hội, thể thao, công viên cây xanh, giao tiếp, phòng khám...
Về kiến trúc, theo đánh giá của Hội Kiến trúc sư VN, chất lượng nhìn chung vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu, còn bộc lộ tính tự phát, thiếu vắng cá tính, bản sắc dân tộc và chất hiện đại cũng mờ nhạt. Nông thôn Việt đang chuyển mình mạnh mẽ nhưng kiến trúc làng quê đang bị băm nát.
Những điểm sáng, tối
Điểm sáng:
- Bình quân mỗi năm xây dựng hơn 70 triệu m2 nhà ở.
- Hoàn thành Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050.
- Hoàn thành 145 khối nhà đáp ứng chỗ ở 125.000 sinh viên, 9/25 dự án nhà ở cho công nhân đã mở cửa, khoảng 1.700 căn hộ thu nhập thấp đã đến tay người đủ điều kiện mua.
- Trên 2.500 dự án khu đô thị mới, khu nhà ở được triển khai xây dựng.
Điểm tối:
- Cả nước còn khoảng 3,5 triệu hộ sống trong nhà đơn sơ.
- Năm 2010, sốt đất lịch sử tại Ba Vì và khu vực phía tây Hà Nội trước thông tin Ba Vì sẽ trở thành trung tâm hành chính - chính trị quốc gia.
- Lúng túng và chậm trễ trong việc cải tạo, xây dựng lại 200 khối nhà chung cư bị xuống cấp nghiêm trọng.
- Liên tiếp xảy ra những sự cố sập, nghiêng, lún nứt các khu nhà ở riêng lẻ của người dân.
- Có hàng trăm biệt thự, nhà liền kề bị bỏ hoang.
- 80% giao dịch bất động sản là mua bán “chui”.
Đưa các quy hoạch đã phê duyệt vào cuộc sống |
Quang Duẩn
[ Chuyên đề : Chính sách nhà ở tại Việt Nam ]
- Thị trường căn hộ tại TP.HCM: thời của khách hàng
- Cải tạo chung cư cũ tại Hà Nội mới đạt 1%
- Nhà thu nhập thấp: Giá cao làm sao đi vào đời sống?
- Nhà cho người thu nhập thấp: Sau sốt là… ế
- Giải pháp phát triển thị trường bất động sản TP.HCM
- Doanh nghiệp bất động sản Việt Nam thiệt thòi trên sân nhà
- "Ôm" đất Đà Nẵng: Bán tháo cũng khó
- Chung cư: 10 năm cho một giai đoạn quá độ
- Liệu có hết thời sốt đất?
- Sở hữu nhà thu nhập thấp: “Liệu cơm gắp mắm”