Gần đây, dư luận tỏ ra khá bất ngờ khi các ngân hàng chạy đua kích cầu bất động sản thông qua việc ồ ạt cho vay mua nhà tại các dự án.
Câu chuyện cũng có thể giản đơn nếu suy diễn theo hướng, rằng bất động sản đang lâm cảnh khó khăn, việc các chủ đầu tư bắt tay với các ngân hàng để kích cầu, thu hút khách hàng, qua đó tăng tính thanh khoản cho thị trường cũng là chuyện dễ hiểu. Và tất nhiên, người chịu thiệt trong chiến lược này rất có thể là doanh nghiệp, chủ đầu tư khi phải gánh hộ khách hàng những khoản ưu đãi lãi suất từ phía các ngân hàng.
Tuy nhiên, nếu lật giở từng giai đoạn hay từng “cái bắt tay” của các ngân hàng với các chủ đầu tư trước đó - thời điểm mà bất động sản đang ở thời kỳ “đỉnh cao phong độ” và các ngân hàng “hùng hồn” tuyên bố rót hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng cho các dự án, mới thấy được câu chuyện kích cầu bất động sản hiện nay không đơn giản như ai đó vẫn nghĩ.
Vì nhiều áp lực?
Kể từ sau khi Ngân hàng Nhà nước công bố cởi trói giới hạn tín dụng gần như toàn bộ cho lĩnh vực bất động sản hồi đầu tháng 4/2012, nhiều ngân hàng thương mại lớn dường như đã tiếp thu “ngay và luôn” chủ trương này bằng việc đổ xô cho vay mua nhà tại các dự án bất động sản.
Điều này được dư luận, đặc biệt là giới đầu tư kinh doanh bất động sản đánh giá rất cao, bởi nó được ví như một nguồn oxy quý giá giúp thị trường vượt qua cơn khát vốn đối với cả chủ lẫn khách hàng trên thị trường bất động sản trong một thời gian dài.
Tuy nhiên, xét về nghiệp vụ và những quy chuẩn trong hoạt động tín dụng thì việc các ngân hàng ồ ạt cho vay mua nhà có thể sẽ vi phạm quy định trong hoạt động tín dụng. Bởi lẽ, với các gói cho vay mua nhà mà theo các ngân hàng quảng bá là 5 năm, 10 năm, thậm chí 20 năm chính là các khoản vay dài hạn, trong khi vốn huy động của các ngân hàng chủ yếu là vốn ngắn hạn và các ngân hàng chỉ được dùng tối đa 30% vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn.
Bình luận về động thái này, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính cho rằng, ông rất bất bình, bức xúc trước việc các ngân hàng Việt Nam lấy vốn huy động ngắn hạn mang đi cho vay dài hạn mua nhà, đầu tư dự án, trong bối cảnh Việt Nam chưa có một cơ quan bảo lãnh tín dụng như ở Mỹ hay nhiều nước khác.
“Đành rằng việc nới lỏng tín dụng đối với bất động sản tại một số dự án là theo chủ trương của Chính phủ, nhưng bản thân dòng vốn của các ngân hàng là vốn ngắn hạn, nên nếu càng lao vào bất động sản thì có thể họ càng gặp khó”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nói.
Đặc biệt, nếu để ý thì sẽ thấy hiện chỉ có các ngân hàng quốc doanh mới mạnh tay với các gói cho vay mua nhà hỗ trợ lãi suất. Theo các chuyên gia, động thái này có thể phục vụ cho khá nhiều mục đích, trong đó nổi lên là áp lực cải thiện tăng trưởng tín dụng.
Bởi lẽ, ngay như một ngân hàng lớn là Vietinbank, thì 6 tháng đầu năm nay, tăng trưởng tín dụng đã giảm 3,1%, trong khi ai cũng biết 80 - 90% lợi nhuận của ngân hàng phụ thuộc vào tín dụng...
Cũng có ý kiến cho rằng, nguyên nhân xuất phát từ việc cầu vay vốn tại doanh nghiệp hiện quá thấp do hàng tồn kho nhiều cũng như các điều kiện cho vay xấu đi khi nền kinh tế khó khăn, trong khi cầu tín dụng tiêu dùng (mua nhà) lại có xu hướng tăng khi giá bất động sản đã giảm sâu trong một thời gian dài. Thậm chí cũng có ý kiến cho rằng, đó là cách lách luật khá khéo của các ngân hàng bởi đơn giản là lãi biên tín dụng tiêu dùng (mua nhà) luôn cao hơn nhiều so với cho doanh nghiệp vay để sản xuất.
Nhưng, sâu xa hơn cả và là động lực chính để các ngân hàng mạnh tay cho vay mua nhà chính là họ muốn chung tay cùng với chủ đầu tư giải phóng hàng chục, hàng trăm nghìn căn hộ đang tồn kho. Đó có thể là mũi tên trúng hai đích, trong đó không loại trừ khả năng tự cứu mình, vì nợ xấu và kẹt vốn đầu tư trong các dự án của ngân hàng.
TS. Nguyễn Thị Mùi (Ngân hàng Vietinbank) mới đây khi trao đổi với VnEconomy cũng đã thừa nhận, trong bối cảnh thị trường bất động sản gặp khó khăn như hiện nay, nếu các ngân hàng không xem xét, sàng lọc các dự án để cho chủ đầu tư tiếp tục vay thêm thì rất có thể ngân hàng cũng “chết chìm” theo các doanh nghiệp, các dự án.
Hay tự cứu mình?
Những nhìn nhận của các chuyên gia nói trên không phải là không có cơ sở, bởi nếu lật giở lại trong quá khứ, không quá khó để hiểu rằng, ông chủ thực sự của không ít dự án bất động sản chính là các ngân hàng thương mại lớn nhỏ.
Chẳng hạn, mới đây việc Vietcombank công bố bản thỏa thuận hợp tác cho vay mua nhà tại các dự án của Công ty Cổ phần Phát triển Nhà Bà Rịa – Vũng Tàu (Hodeco) không đơn thuần chỉ là cái bắt tay kích cầu bất động sản. Hơn 3 năm trước, cùng với Vietinbank, ngân hàng này đã ký hợp đồng rót vào dự án Gò Sao của Hodeco 500 tỷ đồng, chiếm 1/3 tổng vốn đầu tư của dự án. Thế nhưng, không may cho ngân hàng là thị trường bất động sản tuột dốc không phanh.
Một trường hợp tương tự của Vietinbank là dự án nhà ở cao tầng 102 Trường Chinh (Hà Nội). Dự án này cũng nằm trong số 31 dự án mà Vietinbank vừa công bố cho vay mua nhà với lãi suất ưu đãi. Được biết, hơn một năm trước, một chi nhánh của ngân hàng này đã cho Công ty Cổ phần cơ điện và Xây dựng Việt Nam (Meco) vay một khoản tiền không nhỏ (310 tỷ đồng, chiếm hơn 30% tổng vốn đầu tư) để triển khai dự án. Tương lai của khoản lợi nhuận và vốn gốc của khoản vay trên có thu về được hay không chỉ có Vietinbank và Meco hiểu rõ hơn ai hết.
Và trong số 31 dự án bất động sản mà Vietinbank công bố hợp tác hôm 21/7, ngoại trừ các dự án được hưởng lãi suất ưu đãi 12%/năm nằm trong chương trình “5.000 tỷ đồng chung tay xây nhà mơ ước”, thì còn có không ít dự án được ngân hàng này thừa nhận là “đã liên kết với Vietinbank”.
Bình luận trước động thái cởi mở cho vay mua nhà của các ngân hàng, TS. Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho rằng chủ trương mở hầu bao với một số đối tượng bất động sản là đúng, song cần phải đúng đối tượng, tức là phải hướng đến những người có nhu cầu mua nhà thực sự, những người thu nhập thấp.
Tuy nhiên, theo ông, nếu việc cho vay mua nhà đó mà có liên quan đến việc các ngân hàng từng cho vay, góp vốn để đầu tư dự án trước đây thì khá nguy hiểm. Các cơ quan quản lý cần phải phát hiện để ngăn chặn.
Còn theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, giả dụ trong trường hợp nếu các ngân hàng đang kẹt vốn tại các dự án, thì việc tiếp tục bắt tay với chủ đầu tư lại càng khiến ngân hàng thêm kẹt. Muốn giải quyết thì tốt nhất phải tiến hành cho vay ngắn hạn để đồng vốn quay vòng được nhanh hơn.
“Thực tế trên thế giới cũng đã có nhiều ngân hàng phải dùng tiền mới để cứu tiền cũ, song đó là việc làm nguy hiểm. Do đó, việc các ngân hàng tiếp tục cho khách hàng vay mua nhà chỉ để mong thu hồi được đồng vốn trước đó là việc làm khá rủi ro”, ông Hiếu nói.
Tất nhiên, theo vị này, cũng có thể một số ngân hàng lớn hiện nay bị áp lực về kinh doanh, tăng trưởng tín dụng, trong bối cảnh dư thừa nguồn vốn nên buộc họ phải tìm mọi cách để tháo gỡ điều đó.
Chuyên gia này khuyến cáo thêm, nguyên tắc cho vay bất động sản đối với doanh nghiệp cũng như cá nhân thì đều phải có nguồn hoàn trả. Nếu không may nền kinh tế vẫn tiếp tục khó khăn, doanh nghiệp đóng cửa,… thì việc hoàn trả là rất khó, từ đó khiến cho rủi ro đối với các ngân hàng tăng lên rất cao./.
Từ Nguyên
- Nhà cho người thu nhập thấp: còn phải chờ
- Thêm một bước trong xây dựng luật Đất đai
- Công thức cho nhà phố giá rẻ
- "Cú chích" nhẹ cho thị trường bất động sản
- Hạn mức giao đất ở mới: Thửa đất có vườn, ao được công nhận là đất ở
- Hà Nội gỡ rối bất cập trong quản lý nhà chung cư
- Bỏ trần phí chung cư: lợi bất cập hại
- Hai thế đối nghịch trên thị trường bất động sản
- Nhà ở dưới 4 triệu đồng/m2 có khả thi?
- Thị trường bất động sản: Kỳ vọng phục hồi